Du học chuyển tiếp “gãy gánh giữa đường”

Một số cơ sở tư vấn hướng dẫn du học sinh chọn học tạm thời tại một trường trung gian ở Singapore, Malaysia, sau đó chuyển tiếp đến những trường tại các nước Anh, Mỹ... Nhưng với cách du học chuyển tiếp này, du học sinh có thể gặp phải cảnh dở khóc dở cười.

Năm 2005, bạn T.Q.M. ở TPHCM) đến Trung tâm Tư vấn Du học Việt (VOSC) thuộc Công ty Du lịch Vietravel với nguyện vọng được đi du học tại Thụy Sĩ, nghành quản lý nhà hàng, khách sạn.

Nhân viên của Trung tâm hứa sẽ lo visa cho M sang Thụy Sĩ xong rồi mới nhận tiền nhưng khi phỏng vấn để xin vía đi Thụy Sĩ thì bị rớt. Trung tâm hứa sẽ giúp M. sang Singapore học tại trường EASB (East Asia School of Business) một thời gian rồi làm thủ tục đi tiếp sang Thụy Sĩ . M. nộp học phí trọn gói cả khóa học cho trường EASB gần 110 triệu đồng.

Khóa học tiếng Anh ở Singapore của M là 9 tháng. Nhưng mới học được ba tháng, M. phát hiện học tại trường EASB không thể chuyển tiếp sang Thụy Sĩ được nên đành bỏ học trở về Việt Nam.

M. yêu cầu Trung tâm trả lại học phí sáu tháng M. chưa học thì Trung tâm cho hay sẽ làm việc lại với Trường EASB. Đến nay hơn sáu tháng nhưng vẫn chưa có kết quả.

Phía Trung tâm cho rằng họ đã cung cấp đầy đủ thông tin trong tờ bướm của trường EASB, trước khi ghi danh nên không đồng ý bồi thường cho M.

Theo bà Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Du học Studylink, từng trực tiếp du học ở Australia và quay về đảm trách công tác tư vấn du học cho Tổng lãnh Sự quán Australia trên 10 năm, việc học chuyển tiếp có nhiều cái lợi. Trong thời gian học chuyển tiếp, du học sinh hoàn thiện thêm, làm quen môi trường học, phương pháp học tập ở nước ngoài; trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, bổ túc việc chứng minh tài chính tại quê nhà.

Nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) bị lãnh sự quán các nước Canada, Mỹ, Australia… từ chối cấp visa khi qua Singapore học chuyển tiếp mới phát sinh nên các cơ sở tư vấn du học thường không đủ hiểu biết và kinh nghiệm để đảm bảo quyền lợi cho du học sinh.

Thực tế sau thời gian học để chuyển tiếp (từ sáu tháng đến hai năm tùy theo chương trình học) các lãnh sự quán cũng thường có những thay đổi trong cấp visa đối với du học sinh.

Những thay đổi này có khi người tư vấn du học không nắm hết được. Theo bà Hà, khâu tư vấn phải nói rõ những quy định nhập cư, những chính sách của nhà trường cho du học sinh biết, kể cả những khả năng thay đổi, làm ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của người học.

Bà Hà nói: “Nguyên nhân do các cơ sở hoạt động tư vấn du học không nắm rõ thực tế hệ thống giáo dục của mỗi nước lẫn quy định chuyển tiếp giữa các trường, trong khi nhiều phụ huynh và du học sinh nhẹ dạ cả tin”.

Theo chuyên viên tư vấn du học Tăng Thị Diễm Thúy, Phòng Du họ Saigontourist, hệ thống giáo dục của mỗi nước mỗi khác và mỗi trường học cũng hay thay đổi quy định.

Chẳng hạn như trường Wittenborg của Hà Lan là một trường tư thục, trước đây có nhiều du học sinh Việt Nam đến học. Nhưng hiện nay trường này ngưng tuyển du học sinh vì du học sinh không được cấp visa đến trường này, dẫn đến mọi kế hoạch từ đầu đều đảo lộn.

Cần xem các trường nước ngoài mà du học sinh cần đến học các kí kết các chương trình đào tạo chuyển tiếp để nhận thí sinh hay không, các môn học nào trùng lặp nhau để rút nhắn thời gian học… Người tư vấn du học phải lập cả một kế hoạch chuyển tiếp cho du học sinh, kể cả những dự toán khi thất bại.

Theo Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm