Đủ chiêu kinh hoàng bạo hành tinh thần trẻ
(Dân trí) - Chưa tính đến những vết tích đòn roi trên thân thể, việc bạo hành tinh thần đối với trẻ đôi khi còn đáng sợ hơn. Nhất là khi hậu quả của nó khó nhìn thấy được bằng mắt thường.
Hành hạ trẻ bằng hình bọ cạp, bơm tiêm
Trong buổi nói chuyện về chủ đề “Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân tại trường học”do Trường Mầm non Quốc tế Maple Bear, TPHCM tổ chức, chị Trần Ngọc Thanh (tên nhân vật đã thay đổi) lo ngại kể về trường hợp con gái mình - đang theo học ở một trường mầm non có yếu tố nước ngoài - gặp phải.
Trường có camera, phụ huynh theo dõi được trực tiếp nên không lo trẻ bị đánh đập. Điều chị lo lắng là trong bữa ăn, cô giáo thường đưa con bọ cạp đen bằng nhựa trông y như thật để cạnh những trẻ không chịu ăn. Cháu nào cũng sợ vội ăn ngay. Ngoài ra, khi trẻ nào chọc nghịch bạn bè, cô giáo sẽ phạt bằng cách lấy bút chấm lên người trẻ như một cách “đánh dấu” tội lỗi.
Hành vi bạo hành tinh thần trẻ kiểu này xuất hiện không ít trong cuộc sống hàng ngày. Không ít giáo viên mầm non luôn thủ sẵn những lời nói hay những đồ vật, con vật mang tính hù dọa để sử dụng khi muốn trẻ nghe lời.
Có cô tay lăm lăm cây bơm tiêm loại lớn, chỉ cần trẻ khóc hay nhè ra khi ăn là lập tức chìa ra hù “cô tiêm ngay bây giờ” làm cháu nào cũng tái mặt. Trong khi, chiếc bơm tiêm đó là vật dụng để các cháu đóng vai bác sĩ, rèn luyện lòng dũng cảm, không sợ đau khi đi tiêm phòng.
Ngay trong gia đình, nhiều phụ huynh cũng bạo hành trẻ bằng các hình ảnh, lời nói hù dọa như ông ba bị, ngáo ộp, ma quỷ, gọi người đến bắt, dọa cho chết đói… Chưa kể đến những hành vi kinh khủng hơn bất cứ đòn roi nào là những lời nói và hành vi miệt thị, chê bai, bôi nhọ, xỉ nhục. Đáng sợ hơn, dường như cách giáo dục thiếu tôn trọng, xúc phạm trẻ lại được xem là bình thường luôn đi cùng bao biện là để tốt cho trẻ.
Chúng ta dạy trẻ lòng tự trọng nhưng không ít học trò phải đứng cúi mặt hờn tủi hoặc bất cần để cho đám bạn lêu lêu. Đã có những đứa trẻ bị bố mẹ trói trước nhà, bắt bò giữa đường, lột đồ giữa đông người hay đeo lên mình tấm bảng “Tôi là thằng ăn cắp”... Những cách hành hạ đau hơn bất kỳ vết thương nào về thân xác.
Hậu quả khôn lường
Có lẽ cũng xuất từ việc hù họa, bạo hành tinh thần trẻ phổ biến nên trong dự thảo về nghị định Quy định xử phạt hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Công an năm 2013 từng đề cập đến nội dung: hành vi thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần đối phương sẽ chịu phạt từ 1,5 - 2 triệu đồng.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Đặng Thị Lan Hương cho hay, nguy cơ trẻ bị bạo hành về tinh thần có ở khắp nơi. Ở trường có thể là giáo viên, bảo mẫu, người bảo vệ, bạn bè và ngay cả trong gia đình.
Những lời nói, cử chỉ, hành vi mang tính dọa nạt ảnh hưởng rất xấu đối với trẻ. Trước hết làm trẻ sợ hãi, xấu hổ và mất tự tin hoặc trở nên hung dữ ảnh hưởng đến mọi hoạt động và cảm xúc. Nếu không được phát hiện sớm, tình trạng sợ hãi kéo dài trẻ sẽ trở nên mất tự tin, không dám thể hiện, hạn chế trong giao tiếp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và nhân cách.
Đáng lo ngại là người lớn thường hay quan tâm trẻ có vết thương, vết xước về thân thể hay không mà ít chú ý đến dấu hiệu của bạo hành tinh thần. Dù để lại hậu quả nặng nề nhưng bạo hành tinh thần khó nhận biết hơn so với bạo hành thể xác.
Để tránh và nhận biết trẻ bị bạo hành, theo bà Lan Hương, bố mẹ phải chú ý đến đời sống tinh thần, tâm lý của trẻ. Cần quan sát thường xuyên những biến đổi về sinh lý của trẻ bị bạo hành tinh thần như bị sốt, mê sảng, đái dầm. Trẻ có thể khép mình nhưng cũng có thể trở nên hung dữ, hay đánh trả thể hiện phản ứng những dồn nén mà mình đang chịu đựng. Đồng thời, bố mẹ cần tăng cường giao tiếp đối với trẻ. Và hơn ai hết, chính bố mẹ không được bạo hành tinh thần con thì mới có thể khuyến khích trẻ chia sẻ với mình.
Hoài Nam