Dự án ODA đầu tiên dành cho phát triển trẻ mầm non

Với tổng số vốn vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), ngành giáo dục sẽ triển khai dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non nhằm giúp các em học tập tốt hơn khi vào tiểu học.

Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sáng nay, ngày 19/9, tại Hội nghị triển khai dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non" do Bộ này tổ chức tại Hà Nội.

Đề án nhằm mục đích nâng cao khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ năm tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ dân tộc thiểu số. Tổng số vốn cho Đề án là 100 triệu USD được vay từ Ngân hàng Thế giới.

Các hoạt động của dự án bao gồm: hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng hơn 230.000 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ; hỗ trợ công tác đánh giá chất lượng ít nhất 5.400 trường mầm non, thực hiện chính sách cho giáo viên ngoài biên chế và hơn 800.000 trẻ em 3-5 tuổi có hoàn cảnh khó khăn hàng năm. Thí điểm mô hình chăm sóc giáo dục trẻ em dựa vào cộng đồng tại 4 tỉnh, thành phố và cải tiến đánh giá mức độ sẵn sàng đi học của trẻ em 5 tuổi theo phương pháp tiên tiến cho trẻ em Việt Nam trên mẫu đánh giá từ 8.400 đến 10.000 trẻ em 5 tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, đây là dự án ODA đầu tiên cho giáo dục mầm non, với phương thức thực hiện có nhiều điểm khác so với các dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây.

Cụ thể, hầu hết số tiền được thực hiện tại hợp phần 1 được giải ngân vào ngân sách nhà nước và phân bổ thêm về cho ngân sách các tỉnh, thành phố để chi hỗ trợ cho hoạt động giáo dục mầm non. Như vậy, việc thực hiện dự án này, trực tiếp và chủ yếu là tại địa phương, do ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, ngành giáo dục chủ trì cùng với sự hỗ trợ của các ngành và nhân dân thực hiện.

Hợp phần 2 để hỗ trợ việc xây dựng năng lực và chính sách về giáo dục mầm non sẽ được thực hiện như các dự án thông thường khác.

Trước đó, theo khảo sát được thực hiện khi khởi động dự án, có khoảng một nửa số trẻ em Việt Nam 5 tuổi có nguy cơ thiếu hụt hoặc thiếu hụt ít nhất một trong năm kỹ năng cần thiết để bắt đầu đi học. Các kỹ năng này gồm kỹ năng giáo tiếp và hiểu biết chung, phát triển tình cảm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức, phát triển năng lực xã hội, sức khỏe và thể chất.

Các khảo sát độ tuổi mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục của Nga, của Học viện Offord ở Canada và của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em chưa sẵn sàng đi học cao nhất ở nhóm trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Do vậy, Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non được thiết kế để giải quyết vấn đề này bằng cách nâng cao khả năng sẵn sàng cho trẻ đi học tiểu học, thông qua việc hỗ trợ các phần đã được lựa chọn trong chương trình Quốc gia của Việt Nam "Phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi trong giai đoạn 2010-2015".

Theo Vietnam+