Đợt 2 tuyển sinh ĐH, thí sinh cần lưu ý gì?
(Dân trí) - Dù đã được cảnh báo nhiều nhưng nhiều thí sinh dự kì thi ĐH đợt 1 vừa qua vẫn mắc những sai lầm ngớ ngẩn như quên ghi mã đề, làm cả hai phần tự chọn... Để giúp thí sinh tránh những sai lầm này <i>Dân trí</i> xin đưa ra 5 lưu ý dưới đây.
1. Bút chì chỉ dùng để vẽ hình tròn
Rất nhiều thí sinh gọi điện thắc mắc, trong bài thi môn Toán, vẽ đồ thị bằng bút chì thì có bị vi phạm quy hay không.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH cho biết: Theo quy chế tuyển sinh, bút chì chỉ được phép dùng để vẽ hình tròn. Do đó nếu làm dùng bút chì vẽ đồ thị có thể coi là vi phạm quy chế vì đã sử dụng hai loại mực. Nhưng việc này cũng có thể được châm chước, phụ thuộc vào từng hội đồng chấm thi sau khi xem xét bài thi không có những biểu hiện bất thường.
Tuy vậy, để đảm bảo không bị trượt oan, các thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh đợt 2 tuyệt đối không dùng bút chì để vẽ đồ thị, thí sinh có thể vẽ phác bằng bút chì nhưng sau đó phải tô bằng bút mực hoặc bút bi. Bài thi chỉ được phép dùng một loại mực.
2. Lưu ý với phần tự chọn
Sau khi kết thúc kì thi đợt 1 vẫn còn nhiều thí sinh vi phạm lỗi làm cả hai phần tự chọn.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ở phần tự chọn, thí sinh chỉ được phép làm một trong hai phần, nếu thí sinh làm cả hai phần dù hết hay chưa hết thì chỉ được chấm phần chung chứ không được chấm phần tự chọn.
Do đó thí sinh phải đặc biệt lưu ý phần này. Thí sinh có quyền chọn một trong hai phần để làm nhưng tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc, đã chọn phần nào thì chỉ được phép làm hết phần đó chứ không được phép làm sang phần tự chọn còn lại.
3. Đặc biệt lưu ý với vật dụng mang vào phòng thi
Mặc dù thông tin về việc Bảng hệ thống tuần hoàn hoá học không được phép mang vào phòng thi đã được thông báo rộng rãi, nhưng vẫn còn có thí sinh tham dự đợt 1 vừa qua đã bị đình chỉ thi vì lỗi vi phạm này.
Ngoài lưu ý về Bảng hệ thống tuần hoàn hoá học, thí sinh dự thi khối C ở đợt 2 này cũng cần lưu ý, môn Địa Lý cũng không được phép sử dụng bản địa lý Atlat.
Cũng trong đợt 1 vừa qua, không ít thí sinh vô tình vẫn để quên điện thoại trong người khi bị phát giác đã bị đình chỉ thi. Do đó, thí sinh thi đợt 2 tuyệt đối không nên mang điện thoại bên người kể từ khi bước vào trường thi.
Theo lời khuyên của Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long thì tốt nhất khi đi thi thí sinh không nên mang điện thoại di động đi cùng mà nên gửi cho người nhà và người thân cầm hộ.
Trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì chỉ có những vật dụng sau được phép mang vào phòng thi: bút, bút chì, compa, thước kẻ, tẩy, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và thẻ nhớ.
4. Thi trắc nghiệm nhiều thí sinh vẫn mắc sai lầm
Mặc dù đây là năm thứ 2 thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng nhiều thí sinh vẫn mắc những sai lầm nghiêm trọng như để bài thi nhàu nát, mép giấy bị quăn và tô sai mã đề, viết hai thứ mực, tô câu trả lời không kín ô hoặc không biết cách tô mà lại đánh dấu nhân (X), hoặc chỉ đánh dấu vào ô trả lời, hoặc viết sai số báo danh...
Trước tất cả những lỗi này của thí sinh, ngay khi quét file, phần mềm chấm đều sẽ phát hiện được. Ví dụ như đối với trường hợp tô sai số báo danh hay tô sai mã đề, máy đều phát hiện ngay.
Tuy nhiên, có xử lý được những lỗi này hay không còn phải phụ thuộc vào người làm nhiệm vụ chấm thi. Người chấm thi nếu tuân thủ qui trình, làm đầy đủ trách nhiệm theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì sẽ phát hiện kịp thời các hiện tượng này để xử lý trước khi chấm bài.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng thuộc Bộ GD-ĐT thì nếu thí sinh thấy kết quả bài thi của mình không đúng với năng lực thì có thể làm đơn xin phúc tra, trong quá trình phúc tra bài thi trắc nghiệm sẽ được hậu kiểm một cách kỹ càng hơn.
Mặc dù vẫn có cơ hội để khắc phục những sai sót về thi trắc nghiệm nhưng thí sinh dự thi đợt 2 cần phải đặc biệt lưu ý đến những quy định bắt buộc. Chẳng hạn như, điền mã đề và tô ngay mã đề khi nhận đề thi; tô kín câu trả lời…
Ngoài ra thí sinh cũng cần lưu ý thêm những điểm sau: Nên dùng bút chì mềm (2B hoặc 3B) để khoanh tròn đáp án môn thi trắc nghiệm vì nếu chọn đáp án sai thì có thể dùng tẩy để tẩy sách và khoanh tròn vào đáp án chuyển đổi.
Theo Cục trưởng Cục khảo thí, TS Nguyễn An Ninh thì việc thí sinh sử dụng bút mực, bút bi để tô đáp án trả lời thi trắc nghiệm thì cũng không sao, bài thi sẽ vẫn được máy định dạng chấm bình thường. Tuy nhiên nếu đã tô như vậy thì rất khó để tẩy xoá khi muốn chọn đáp án khác.
Cũng có một sai sót đáng tiếc của không ít thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh đợt 1 vừa qua về việc không kê khai đủ danh mục thông tin trên phiếu trả lời thi trắc nghiệm.
Thí sinh cần chú ý: Trên phiếu thi trắc nghiệm có 10 mục thí sinh phải điền thông tin, thí sinh có trách nhiệm điền hết các mục này. Nếu thí sinh điền thiếu thông tin máy sẽ không định dạng được.
Theo quy chế chấm thi thì nếu bài thi mà máy không định dạng được sẽ không được chấm lại bằng tay và thí sinh bắt buộc phải chấp nhận kết quả điểm thi mà máy chấm.
5. Thí sinh cần nâng cao trách nhiệm của mình
Sau kì thi tuyển sinh đợt 1 kết thúc không ít thí sinh đã bị rơi vào tình trạng bài thi bị huỷ, hoặc không được chấm vì không xin đầy đủ chữ lý của hai cán coi thi.
Theo quy chế tuyển sinh thì trước khi làm bài thi thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi và nhất thiết phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi. Nếu bài thi thiếu chữ ký của giám thí coi như là không hợp lệ, bài thi sẽ không được chấm.
Do đó, để tránh việc bị “trượt oan” thì dù có bận rộn với việc làm bài như thế nào thí sinh cũng phải yêu cầu hai giám thi ký vào giấy thi của mình.
Nguyễn Hùng