1. Dòng sự kiện:
  2. Căng thẳng Chính phủ Mỹ - ĐH Harvard

“Doping” mùa thi

Cà phê là loại "doping" gần như được sử dụng nhiều nhất, dù nhiều bạn thú thật uống xong bị hành: tim đập loạn xạ, mắt mở, nhồi chữ này vào thì rớt chữ kia ra...

Bắt con mắt phải mở

 

Mùa thi 2006 đang vào cao điểm. 23g ngày 22/4, tại phòng 215 dãy A7, ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, sau một hồi đùn qua đẩy lại, nhiệm vụ pha cà phê “vì sự nghiệp thức khuya học bài thi” cho cả phòng thuộc về Sao Ly (khoa xã hội học ĐHKHXH&NV).

 

Bịch cà phê được Thảo mang từ Kon Tum xuống được phát huy tác dụng triệt để. Bảy muỗng cà phê bột pha với một xíu nước sôi khiến từng giọt cà phê “rò rỉ...” chậm rì, thêm đường khuấy lên đặc như kẹo.

 

Không chỉ cà phê, trà đậm đặc cũng được các bạn ưa chuộng. Ấm trà nằm trực chiến trên bàn học của Nguyễn Hoàng Nam (lớp 12) có tới bốn phần trà, sáu phần nước. Chúng tôi nhấp thử, lưỡi như quắn lại vì đắng chát. Chưa đầy năm phút đã thấy bụng sôi cồn cào.

 

Một số loại thuốc tân dược chống buồn ngủ hiện được không ít HSSV sử dụng như “thần dược” để thức đêm như các loại thuốc bổ, tăng lực thông thường như B1, B6, B12, các loại viên sủi đa sinh tố... Nhân viên một hiệu thuốc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM) vốn thường xuyên giới thiệu cho học trò loại Berocca dạng viên sủi cho biết: “Mỗi ngày một viên, cần có thể hai viên. Uống lúc nào cũng được”.

 

Tuy nhiên khi hỏi lại những nhà chuyên môn thì được biết Berocca có tác dụng chống giảm stress, chứa hàm lượng vitamin C nhiều, không dùng cho người có bao tử yếu, chỉ uống vào buổi sáng và không dùng quá một viên/ngày, uống buổi tối sẽ gây triệu chứng bồn chồn khó ngủ, người có thần kinh yếu sẽ bị hồi hộp, lo âu, tim đập nhanh. Panadol Extra cũng là loại thuốc được bán cho học trò dùng để thức vì trong loại thuốc này có chứa chất cafein.

 

Chị Oanh - một nhân viên bán thuốc tây - cho biết: “Có thể thức nhưng thức theo kiểu ngầy ngật chứ không tỉnh táo”. Theo bác sĩ Trương Chí Thông - chuyên khoa tâm thần kinh: “Không nên lạm dụng thuốc một cách tùy tiện vì mỗi loại thuốc dù là thuốc bổ cũng sẽ có tác dụng phụ, nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến ngộ độc. Chưa kể thuốc quá hạn sử dụng, thuốc giả. Tốt nhất nên đến bác sĩ khám sức khỏe và chỉ định toa thuốc hợp lý”.

 

“Doping” tốt = phương pháp học

 

Đôi mắt đờ đẫn sau những đêm đánh vật với bài vở, Thu Hà bước vào phòng thi hai môn đầu tiên văn và địa lý với tinh thần và quyết tâm thi đã... mệt mỏi: “Nắm lấy cô, nghĩa là cố lấy (điểm) năm thôi là mừng rồi”.

 

Hay Lương Huỳnh Như (lớp 11 Trường THPT Phan Đăng Lưu, TPHCM) thú thật: “Tối qua mình thức trọn, 6g sáng ôm cặp đi thi luôn. Vào phòng thi mắt cứ cay xè, đầu lúc nào cũng ong ong, làm bài đại cho xong sớm về nhà ngủ bù”... Thiếu ngủ vào những ngày cận kề thi cử, hiện tượng đáng lo này không chỉ với Thu Hà, Huỳnh Như...

 

Trong khi đó, mỗi mùa thi bạn Phạm Hoàng Ngọc Châu, lớp 11, ở quận Gò Vấp lại thường làm cho ba mẹ hồi hộp. Được nghỉ 1-2 ngày trước thi, chỉ thấy Châu đọc sách, nghe nhạc và đi ngủ rất sớm. Châu tiết lộ: “Mình học theo kiểu nắm ý nên nhớ bài rất kỹ từ trên lớp và dành thời gian đọc thêm tài liệu...”.

 

Hay để giữ vững thành tích dẫn đầu lớp về học tập, bạn Nguyễn Thụy Mai Khôi (lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) bật mí: “Tôi không bao giờ bắt mình làm việc quá 22g. Mùa thi cũng vậy”.

 

Với Mai Lâm (cựu HS Trường chuyên Lê Hồng Phong, á khoa ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH&NV TPHCM ngay năm đầu tiên) thì dù phải thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, dẫn chương trình “Ngày chủ nhật của em”, “Nhịp sống Sài Gòn” trên truyền hình, nhưng học kỳ nào Mai Lâm vẫn luôn giữ điểm số trên 8,0. Bí quyết? Mai Lâm chia sẻ: “Thời khóa biểu được lên mỗi ngày và thực hiện một cách tuân thủ. Tôi có thói quen tập trung nên bài vở mỗi ngày thường chỉ cần 2-3 tiếng là xong”.

 

Theo Tố Oanh - Vương Hằng Sa

Tuổi Trẻ