Đơn sơ ngày khai giảng ở những nơi địa đầu Tổ quốc

(Dân trí) - Mùng 5/9, hàng chục triệu học sinh hòa mình trong niềm vui ngày khai giảng năm học 2016-2017. Trong khi học sinh ở thành phố xúng xính trong quần áo, cặp sách mới thì ở nhiều vùng núi, nhất là các điểm lẻ, ngày khai giảng vẫn chỉ là mơ ước xa xỉ với các em.

Học sinh diện chính sách phải đủ sách vở, bút mực

Trận lũ vừa qua đã cuốn phăng nhiều ngôi nhà trong bản nhưng từ ngày 15/8, thầy và trò Trường tiểu học bán trú Nậm Mười (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã ổn định lớp học chuẩn bị cho năm học mới. Mặc dù miền núi còn khó khăn nhưng nhà trường cố gắng ngày khai giảng đủ phần lễ và hội nhưng đơn giản, gọn nhẹ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Ông Dương Xuân Trường, hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Mười cho biết, năn nay trường có 34 giáo viên và 375 học sinh. Cách đây vài ngày, nhà trường chuẩn bị nghi thức đón học sinh lớp 1. Hiện, trường có 5 điểm, trong đó một điểm trường chính và 4 điểm lẻ. Việc khai giảng chỉ triển khai ở điểm chính còn 4 điểm lẻ (có điểm cách 15-16km), hầu như không có điều kiện triển khai lễ khai giảng.

“Trẻ em miền núi rất khó khăn. Phần lớn gia đình không có điều kiện đưa các con về điểm chính để khai giảng nên chỉ một số em xuất sắc, trong diện khó khăn được gia đình hoặc giáo viên đưa về điểm chính để khai giảng”, ông Trường nói.

Tại Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, mọi công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng đã được hoàn thành. Năm nay, tùy thuộc tình hình thực tế nhưng dự kiến địa phương này có 200.000 học sinh đến trường, với 20.000 thầy cô giáo. Việc khai giảng cũng đầy đủ phần lễ và hội, được tổ chức tại các điểm trường chính.

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết, ngành đã chỉ đạo cho ngày khai giảng từ lâu, đến cả huyện, thành phố và các trường về thực hiện năm học cũng như khung thời gian năm học và về lĩnh vực chuyên môn. Thứ hai, đối với học sinh, Sở GD&ĐT cố gắng để các em trong diện chính sách có đủ các điều kiện về đồ dùng học tập như sách, vở, bút mực. Ứng gạo trước trong 2 tháng đầu cho các đối tượng học sinh được hưởng gạo.


Cô Giáo Ngân trong một lần đến nhà vận động học sinh khó khăn đi học (ảnh: Mỹ Hà)

Cô Giáo Ngân trong một lần đến nhà vận động học sinh khó khăn đi học (ảnh: Mỹ Hà)

“Việc khai giảng phải đầy đủ nhưng cô gắng sao cho các em thật vui tươi và không nặng nề. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nếu nói thiếu đến mức không có chỗ học thì không có trường hợp nào. Tuy nhiên, nếu chưa kiên cố hóa thì ở đây còn rất nhiều, nhất là các điểm trường lẻ do đặc điểm địa hình núi cao vực sâu nên nguồn kinh phí trong hệ thống giáo dục còn thiếu rất nhiều. Tuy nhiên, ngành vẫn cố gắng để tất cả các em đều có thể đến trường và không phải thất học vì thiếu sách, vở, bút mực”, ông Sử cho biết.

“Nói khai giảng chứ cũng có lễ hội gì đâu”

Để hiểu rõ hơn về việc học tập của học sinh cũng như nỗi lòng của giáo viên vùng núi, chúng tôi đã trò chuyện với một số giáo viên thâm niên ở một số địa phương như Hà Giang, Yên Bái....

Thầy Dương Xuân Trường cho biết, từ năm 1994, thầy đã xung phong đến cắm bản tại Nậm Mười. “Hồi đấy đường đi còn chưa có, chúng tôi đi bộ đến 5 tiếng mới đến lớp. Gọi là trường nhưng chỉ có 15-20 học sinh. Độ tuổi của học sinh cũng không đồng đều vì có khi cả bố và con đều đi học.

Từ năm 1996-1997, nhà nước có chế độ động viên thầy cô lên miền núi, năm đó trường mới có khai giảng. “Nói khai giảng chứ cũng có lễ hội gì đâu, chúng tôi tuyên bố vào năm học mới và cứ thế giáo viên vào lớp dạy”, thầy Trường nhớ lại.

Nhờ xã hội hóa, điểm trường Pù Trừ Lủng (Đồng Văn, Hà Giang) đã có trường mới trong ngày khai giảng.
Nhờ xã hội hóa, điểm trường Pù Trừ Lủng (Đồng Văn, Hà Giang) đã có trường mới trong ngày khai giảng.

Đã gần chục năm nay, cô giáo Vũ Thị Ngân từ Tuyên Quang đến “cắm bản” làm giáo viên tại Lao Xa, Đồng Văn, Hà Giang. Ngân cho biết, mình là một trong những giáo viên đầu tiên của điểm trường này. “Hồi mới lên đây, chúng em ở điểm trường lẻ nên học sinh có biết khai giảng là gì đâu. Thời gian sau này, giáo viên từ điểm lẻ về khai giảng tại điểm chính còn học sinh cũng không có điều kiện tham dự”, Ngân tâm sự.

Ngân chia sẻ thêm: “Nếu toàn xã Sủng Là có hai điểm trường tạm bợ nhất thì chính là điểm trường Pù Trừ Lủng và điểm Lao Xa (nơi cô đang dạy - PV). Cứ sau mỗi một kì nghỉ hè, gần như giáo viên ở đây lại phải đi vận động toàn bộ các em quay trở lại lớp bởi các em nghỉ hè đã quen hoặc có trường hợp gia đình bắt ở nhà làm nương rẫy giúp bố mẹ. Hôm nào đi dạy, em cũng có gói kẹo trong túi. Tất nhiên là loại kẹo rẻ rẻ thôi nhưng cũng có ích ra phết. Thi thoảng, có học sinh được giáo viên đến nhà vận động đi học nhưng chẳng ai trông em cho. Thế nên để được đến lớp, chúng phải cõng theo cả em trên lưng. Anh, chị ngồi học, em tha thẩn chơi gần đó. Chẳng còn cách nào khác, giáo viên chúng em lại phải phát kẹo để học sinh… dỗ em”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Vàng Mí Khành, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giiang) cho biết, địa phương có 5 điểm trường lẻ trên đây chưa bao giờ biết khai giảng là gì. Các em chỉ được nhập học bình thường, không bóng bay, không cờ hoa, không lễ lạt. Lễ khai giảng chỉ được tổ chức ở điểm trường chính. Thậm chí, do thiếu kinh phí hỗ trợ nên nhà trường còn động viên các giáo viên điểm lẻ tự làm giáo cụ dạy học.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm