Đổi mới thi THPT: Tác động mạnh đến thí sinh

Đề thi thu hẹp lại trong chương trình lớp 12, kết quả thi THPT sẽ chiếm 70% điểm xét tốt nghiệp. Đây là 2 điểm thay đổi lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2019 tác động trực tiếp tới thí sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ chiều 4/12 đã có hướng dẫn gửi các sở GD-ĐT, các học viện, trường ĐH về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Thay đổi nội dung đề thi, trường ĐH sẽ chấm thi

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ có những điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập. Cụ thể, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 để giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi.

Về công tác coi thi, Bộ GD-ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Thứ trưởng Độ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ có quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do, đồng thời có hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật. Sẽ có camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24/24 giờ và bộ cũng sẽ tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi.

Liên quan đến công tác chấm thi, Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép. Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và bảo đảm trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức "đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh).

Đồng thời sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn ngữ văn) do sở GD-ĐT chủ trì.

Một điểm mới quan trọng nữa là năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Các trường ĐH chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh bảo đảm nguyên tắc tự chủ. Theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.


Thí sinh thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Thí sinh thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Giảm bệnh thành tích, chống tiêu cực

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT thông tin một số thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhiều chuyên gia và đại diện các trường ĐH có những nhận định về tác động của những thay đổi này.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, đánh giá quy định "nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12" là hợp lý, có lợi cho thí sinh vì các em chỉ tập trung ôn tập lớp 12, không bị dàn trải. "Lộ trình mỗi năm đưa vào kiến thức của một lớp dưới vào đề thi của Bộ GD-ĐT trước đây là quá vội. Tôi cho rằng muốn thay đổi đều cần thời gian, đốt cháy giai đoạn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh" - ông Khuyến nói.

Cũng theo ông Khuyến, việc Bộ GD-ĐT tăng tỉ lệ kết quả thi lên 70% trong xét công nhận tốt nghiệp THPT là thích hợp với điều kiện hiện tại. Chuyên gia này nhận định trong hoàn cảnh bệnh thành tích có mặt ở khắp nơi, rất khó kiểm soát được việc cho điểm thi ở các trường thì quy định này là rất tốt. "Lâu dài khi chúng ta quản lý được chất lượng đào tạo thì có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cần xét học bạ là được. Tuy nhiên, thời điểm nào quản lý được chất lượng thì chưa ai có thể nói được" - ông Khuyến nói.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng thông tin về kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT mới công bố có 2 vấn đề các em quan tâm là đề thi và cách tính điểm tốt nghiệp THPT. Dự kiến của phương án năm 2019 cũng đã tương đối cụ thể nên tạo sự an tâm cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, bộ cần sớm có hướng dẫn ôn tập để học sinh và nhà trường có định hướng ôn tập.

Theo chuyên gia này, năm 2019, việc xét tốt nghiệp có thay đổi về tỉ lệ điểm, trong đó điểm lớp 12 chỉ chiếm 30% là một cải tiến tốt, vừa giúp đánh giá quá trình và cũng giảm thiểu nguy cơ một số trường lợi dụng điểm trung bình lớp 12 để tăng tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh. Với quy định về công tác tổ chức thi thì việc giao cho các trường ĐH chủ trì dù có thể phức tạp hơn trong công tác chuẩn bị từ các trường nhưng cũng sẽ giảm được tiêu cực xảy ra như năm 2018.

Trong phương án tổ chức in sao đề thi, ông Sơn cho rằng nên bố trí thành các điểm in sao tập trung như những năm còn thi "3 chung" và các trường ĐH chủ trì cụm thi chỉ cần nhận bàn giao túi đề thi, bảo mật và bàn giao về các điểm thi. Các điểm thi tại các tỉnh có thể bố trí tập trung theo cụm tương ứng với các huyện và tùy điều kiện thực tế sẽ sắp xếp để có sự trộn danh sách thí sinh, tránh việc các em dường như thi tại chỗ.

Về công tác chấm thi theo định hướng cũng đã giải quyết được bất cập gây ra tiêu cực. Việc chấm trắc nghiệm nên tập trung lại thành các điểm lớn và bộ sẽ chủ trì như những năm còn thi "3 chung" khi bộ tập trung và chấm thi giúp các trường, vừa bảo đảm an toàn vừa giảm thiểu chi phí tổ chức.

Trong việc chấm tự luận thì khâu làm phách và bảo mật phách là quan trọng, chính vì vậy nên chỉ cần các trường ĐH chủ trì vấn đề này cũng đã giải quyết được những khả năng tiêu cực. Trong khâu chấm thi, trường ĐH kiểm soát chặt khâu thống nhất phương án chấm dựa trên đáp án, hướng dẫn chấm của bộ và giám sát khâu chấm kiểm tra thì sẽ ngăn ngừa được tình trạng "lỏng" trong công tác chấm thi.

Đánh giá chung về những thông tin trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng với cách tổ chức này, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý với các điểm thi ở những khu vực khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất khó bảo đảm thì nên tập trung thí sinh về những khu trung tâm để tổ chức thi hơn là thi tại chỗ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM, nhận định những thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019 về cơ bản là tốt. Tuy nhiên, ông Cường đề nghị trường ĐH cần được giao với vai trò chủ trì chứ không chỉ là phối hợp tổ chức thi.

Cần quy trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực

Nhận xét về quy định giao cho các trường chấm trắc nghiệm, ông Lê Viết Khuyến cho rằng đây là việc không cần thiết và Bộ GD-ĐT đang chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. "Đó là hình thức đối phó. Cách làm này tốn kém mà chưa chắc đã tốt" - ông Khuyến nêu quan điểm. Theo ông Khuyến, Bộ GD-ĐT cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương khi xảy ra tiêu cực. "Rõ ràng là người đứng đầu địa phương đã không làm hết trách nhiệm. Giả dụ nếu giao cho các trường ĐH, họ cũng không nghiêm túc thì sao? Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp là việc của các địa phương, chấm thi cũng là việc của họ chứ không phải các trường. Nhiều địa phương tổ chức thi nghiêm túc, họ cảm thấy bị tổn thương vì sự mất lòng tin của Bộ GD-ĐT" - ông Khuyến cho hay.

Theo Yến Anh - Huy Lân

Người Lao Động