Đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường: Dự giờ để biết học sinh cần gì

(Dân trí) - Một mô hình mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường vừa được Sở GD&ĐT Bắc Giang áp dụng đã tạo hiệu quả tích cực từ giáo viên tới học sinh.

Trao đổi với phóng viên về mô hình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học đang được triển khai hiệu quả tại tỉnh Bắc Giang, ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng, nếu được nhân rộng, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.


Trong khi dự giờ, chuyển từ thói quen quan sát việc dạy của giáo viên sang quan sát chi tiết việc học của học sinh, từ thói quen dự giờ ở vị trí phía cuối lớp học sang vị trí ở hai bên lớp học hoặc phía trên bục giảng.

Trong khi dự giờ, chuyển từ thói quen quan sát việc dạy của giáo viên sang quan sát chi tiết việc học của học sinh, từ thói quen dự giờ ở vị trí phía cuối lớp học sang vị trí ở hai bên lớp học hoặc phía trên bục giảng.

Dự giờ không còn ở vị trí cuối lớp

PV: Hiện nay, công tác sinh hoạt chuyên môn tại các cơ sở giáo dục của tỉnh Bắc Giang đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Huy Giáp: Trước đây, đa số các trường sinh hoạt chuyên môn truyền thống, hình thức tổ chức phổ biến nhất là dự giờ và rút kinh nghiệm bài dạy. Hình thức sinh hoạt chuyên môn này được tổ chức theo một quy trình tương đối thống nhất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách tổ chức sinh hoạt chuyên môn như vậy đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp, bởi nó hạn chế sự tham gia tích cực của cán bộ quản lý và các giáo viên trong nhà trường.

Nhận thấy hạn chế của hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong các trường tiểu học, năm học 2006-2007, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã thực hiện thí điểm sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học tại 5 trường tiểu học.

Trong quá trình thực hiện, Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn về sinh hoạt chuyên môn với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia của Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT nhằm định hướng, rút kinh nghiệm và đưa ra hướng đi đúng nhất cho cách thức sinh hoạt chuyên môn mới.

Qua các hoạt động đó, cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn mới dần hình thành, được cán bộ quản lý và giáo viên nhiệt tình tham gia thực hiện và góp ý xây dựng.

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hình thức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học?

Ông Hà Huy Giáp: Trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, nhà trường phải xác định mục đích nghiên cứu giờ dạy nhằm phát triển năng lực chuyên môn cho mỗi giáo viên trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng và hợp tác giữa các thành viên. Vì vậy, bài dạy minh họa không đánh giá hay xếp loại giáo viên, mà coi đó là cơ hội để các giáo viên nghiên cứu học tập, phát triển năng lực chuyên môn cho bản thân và đồng nghiệp.

Trong khi dự giờ, chuyển từ thói quen quan sát việc dạy của giáo viên sang quan sát chi tiết việc học của học sinh, từ thói quen dự giờ ở vị trí phía cuối lớp học sang vị trí ở hai bên lớp học hoặc phía trên bục giảng để quan sát được nét mặt, cử chỉ và hành động của học sinh. Hạn chế việc ghi chép các hoạt động của giáo viên mà ghi chép những vấn đề lưu ý trong hoạt động học của học sinh.

Sau dự giờ, mỗi giáo viên cần trả lời được các câu hỏi: Khi nào học sinh tập trung học? Khi nào học sinh không tập trung học? Lí do vì sao học sinh học hay không học? Cần phải làm gì để giúp các em học tập trung?....

Khi thảo luận về giờ dạy chuyển từ thảo luận về việc dạy của giáo viên sang thảo luận chi tiết về thực tế việc học của học sinh. Các ý kiến cần tập trung làm rõ từng tình huống, từng thời điểm em nào tập trung học, em nào chưa tập trung học (nên dùng minh chứng từ các hình ảnh, clip của tiết học). Từ đó phân tích nguyên nhân dẫn đến việc học hay không học của học sinh và nêu suy nghĩ làm thế nào để giúp các em học tập thực sự.

Người dự giờ không đưa ra gợi ý cách dạy hay chỉ ra hạn chế về thời gian, nội dung, kiến thức, tiến trình lên lớp... mà nên trao đổi những gì mình đã học được qua dự giờ học đó. Người chủ trì trong buổi sinh hoạt chuyên môn cần tạo cơ hội cho từng giáo viên được phát biểu ý kiến thẳng thắn và cụ thể về bài dạy, hạn chế việc gợi ý hoặc tóm tắt các ý kiến phát biểu, có như vậy họ mới học tập được nhiều hơn.


rong dự giờ, thảo luận giáo viên có thói quen quan sát, chia sẻ ý kiến chi tiết về việc học của học sinh.

rong dự giờ, thảo luận giáo viên có thói quen quan sát, chia sẻ ý kiến chi tiết về việc học của học sinh.

Lắng nghe và chia sẻ cùng đồng nghiệp

PV: Việc sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học đã đem đến những thay đổi như thế nào trong công tác giảng dạy?

Ông Hà Huy Giáp: Với cách làm như trên, mô hình sinh hoạt chuyên môn mới đã trở thành một hoạt động có sức hấp dẫn, thu hút được tất cả các cán bộ quản lý và giáo viên trong trường tiểu học tham gia tích cực.

Cán bộ quản lý hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên môn mới, mạnh dạn thay đổi và điều chỉnh những thói quen không có ý nghĩa của giáo viên trong sinh hoạt chuyên môn truyền thống.

Trong dự giờ, thảo luận giáo viên có thói quen quan sát, chia sẻ ý kiến chi tiết về việc học của học sinh nên họ có nhiều kinh nghiệm để thao tác với chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên và tài liệu, quyết định khi nào cần can thiệp và can thiệp như thế nào vào việc học của học sinh.

Đa số giáo viên sẵn sàng tham gia vào việc dạy minh họa, biết thiết kế các hoạt động học tập sâu, có ý nghĩa và loại bỏ các hoạt động không cần thiết, có khả năng quan sát và bao quát lớp học, điều chỉnh cách dạy thích hợp trên lớp để giúp học sinh học tập thực sự.... Đặc biệt, sau các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên đã mạnh dạn vận dụng các kinh nghiệm học được vào dạy học hàng ngày.

Các em học sinh hứng thú tham gia học tập và học tập sâu, biết lắng nghe và chia sẻ với bạn bè trong lớp, thói quen học nhóm, học tập cộng tác được hình thành, phát triển một cách tự nhiên.

PV: Với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình thực hiện, ông có thể chia sẻ về việc làm sao để hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học đạt được hiệu quả tốt nhất?

Ông Hà Huy Giáp: Đối với Sở GD&ĐT, đặc biệt là Phòng Giáo dục Tiểu học phải tiên phong trong lĩnh vực này. Trong các hoạt động chỉ đạo chuyên môn như thanh tra, kiểm tra, thi giáo viên dạy giỏi, đánh giá giáo viên, đánh giá nhà trường... phải gắn tư tưởng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học vào nội dung đánh giá.

Cán bộ sở, phòng GD&ĐT tăng cường đối thoại với trường tiểu học để chỉ đạo, giảm bớt khó khăn về thời gian, hồ sơ sổ sách, các hoạt động quản lý không cần thiết, giảm các cuộc họp mang tính hành chính... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.

Phòng Giáo dục Tiều học Sở GD&ĐT Bắc Giang đã trực tiếp tham gia dự giờ, phân tích bài học cùng 100% cán bộ quản lý và giáo viên là tổ trưởng, tổ phó và cốt cán ở các huyện, trực tiếp viết tài liệu và tổ chức giảng tại các lớp tập huấn.

Hình thành đội ngũ cốt cán về tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cùng với cán bộ sở, phòng sâu sát và kịp thời tháo gỡ các khó khăn khi tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cho các nhà trường hoặc khi trường cần nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn.

Đối với các nhà trường, ban giám hiệu nhất là hiệu trưởng phải thực sự thấy việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Với giáo viên, thường xuyên tham dự sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học ở trường, công khai bài học, tích cực học hỏi từ đồng nghiệp, không ngại dạy để mọi người dự giờ, luôn sẵn sàng học hỏi và chia sẻ với đồng nghiệp.

Trau dồi kỹ năng quan sát, nhận xét việc học của học sinh. Đồng thời, thay đổi thói quen nhận xét đồng nghiệp chỉ quan tâm vào các hạn chế mà thay vào đó là tăng cường nhận xét các ưu điềm và những nội dung đã học được từ đồng nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt An (thực hiện)