Dự giờ: Thầy, trò cùng… khổ

“Cách đây mấy hôm lớp em có tiết dự giờ. Lúc đó cô giáo ngọt ngào <i>“con ơi” “con à”</i>, nhưng khi thầy cô vừa đi một phát là cô kêu mấy đứa trả lời sai lên mắng tơi tả” - Thy Kiều, học sinh lớp 7 ở quận Thủ Đức (TPHCM) ấm ức kể.

Một trong những tình huống để lại nhiều giai thoại hài hước nhất trong ngành giáo dục có lẽ là những tình huống dự giờ. Nhưng thực tế, ít có thầy cô hay hiệu trưởng nào chịu khó lắng nghe ý kiến từ phía những học sinh trong chuyện này.

 

“Diễn” dự giờ

 

Trên mạng, tại một diễn đàn của học sinh trung học, học sinh có nickname Congchuayeudieu viết: “Đối với mình, được (chứ không phải bị) dự giờ là vinh hạnh lắm. Khi đó, cô giáo mình dạy trước bài mới, chọn những bạn thật xuất sắc để trả lời câu hỏi của cô, cô còn nói: lúc ấy các em cứ giơ tay cả lên, cô chỉ gọi những bạn đã định thôi. Phải để những thầy cô khác thấy lớp chúng ta năng động chứ”. Rồi em này bình luận: “Nói thế mà cô không hề biến sắc. Dự giờ mà cô cứ như tập kịch ấy, làm tụi mình mất cả hứng(!)”.

 

Một học sinh nickname Bengoc kể lại cách chuẩn bị dự giờ của lớp mình với một thái độ khác: “Có lần chuẩn bị dự giờ văn, cô ra sẵn cho lớp đến 20-30 câu hỏi, thêm bài soạn về nhà làm đến mỏi tay. Được mỗi cái là ai thích giơ tay thì giơ, không thì thôi”. Học sinh này cũng bày tỏ sự ủng hộ cách làm “cực hay” của cô giáo Anh văn khi cô này nói: “Ngày mai có đoàn (thanh tra) của Sở về, người ta vào dự lớp mình thì dự mà không thì thôi. Nếu có dự thì các em vẫn cứ học như thường không có việc gì phải cuống quít cả lên”.

 

Chị Thanh có con trai học lớp bốn ở trường tiểu học T.H.Đ (Q.1, TPHCM) kể rằng liên tục mấy tuần liền, hôm nào có tiết học kỹ thuật là cu con bắt mẹ lúc thì nấu cho một món ăn, lúc thì phải thêu hoa trên vải… “Bạn nào không mang vô cô đuổi ra khỏi lớp”, cháu bé kể. Hỏi ra mới biết là lớp được thông báo có tiết dự giờ, nhưng cứ lần lữa hết tuần này qua tuần khác mà không thấy ông bà nào xuống dự nên cô giáo phải dặn học sinh cứ chuẩn bị phòng hờ.

 

“Không biết tiết học hấp dẫn thế nào, nhưng cha mẹ bị hành thế này cũng thấy ngán tận cổ, huống chi đến học trò”, chị Thanh than thở.

 

Những thành tích ảo

 

Dự giờ một tiết học môn Văn ở trường tiểu học, nhìn bề ngoài có thể nói giờ học diễn ra thật hào hứng và sôi nổi khi phần lớn học sinh đều phát biểu trôi chảy, mạch lạc. Nhưng thực chất, để có một tiết học thành công như vậy, cả lớp thường phải chuẩn bị công phu nhiều ngày trước. Học sinh phải cùng nhau học đi học lại nhiều lần. Còn cô giáo thì phải cân nhắc chọn đi chọn lại những em có giọng đọc to, rõ, tập cho các em học thuộc lòng các câu hỏi chuẩn bị sẵn.

 

Ban giám hiệu hay “ai đó” đi dự giờ một lớp học (để đánh giá) mà không báo trước sẽ là chuyện lạ. Nhưng báo trước việc dự giờ cũng có thể gây ra một áp lực tâm lý đối với học sinh. “Cho dù trong tiết dạy đó thầy cô có chuẩn bị chu đáo hơn một tí, có quan tâm tới học sinh nhiều hơn một tí, nhưng nó vẫn là một cực hình đối với học sinh, dù là học sinh giỏi hay trung bình”, cô giáo Minh của một trường THCS tại quận 5 tâm sự.

 

Vậy một tiết học có thể được coi là thành công khi trước khi vào học cả thầy và trò đã bị đè nặng một tâm lý đối phó căng thẳng? “Có một thực tế là dự giờ đã trở thành một thứ áp lực đè lên vai giáo viên và họ đã san sẻ một phần áp lực đó cho những học sinh thơ ngây của mình”, Minh Thu - sinh viên năm cuối khoa tiểu học trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận xét.

 

Trong góc nhìn đó, có thể thấy sự băn khoăn của thầy Nguyễn Thanh Dũng ở trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cũng là mối quan tâm chung của tất cả các thầy cô giáo: “Dạy học từ lâu được xem là nghề luôn cần có sự sáng tạo của người thầy. Liệu người thầy có thể phát huy sự sáng tạo hay không nếu luôn nơm nớp lo sợ bởi sự kiểm tra gắt gao của người khác?”.

 

Đáng tiếc là hàng chục năm theo chủ nghĩa thành tích, ngành giáo dục vẫn coi dự giờ là một cách thức đánh giá.

 

Theo Diệu Thuỳ
Sài Gòn Tiếp Thị