Đổi mới kiểm tra, đánh giá: “Thuốc đắng mới giã được tật”

(Dân trí)-Kì thi tốt nghiệp THPT đã cận kề nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết để các địa phương tổ chức ôn tập cho HS. Nhiều giáo viên đã bày tỏ sự băn khoăn tại hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông”.

Gấp rút sẽ gây khó khăn cho cả thầy và trò

Đi thẳng vào vấn đề, Thạc sỹ Phạm Thị Huệ đến từ Sở GD-ĐT Nam Định phân tích: Lâu nay thời gian thi môn Văn ở kì thi tốt nghiệp THPT là 150 phút nay giảm xuống 120 phút sẽ gây khó khăn cho học sinh. Nếu như các bộ môn khoa học tự nhiên thì có thể bỏ bớt câu hỏi để phù hợp với thời gian thì môn Ngữ văn không thể làm như vậy. Ví dụ, khi phân tích một câu ca dao, tục ngữ chẳng hạn thì không thể phân tích nữa câu đề phù hợp với thời gian.

Từ thời gian dài xuống thời gian ngắn hơn thì cần phải được chuẩn bị kỹ năng để trả lời câu hỏi, làm sao vẫn đảm bảo được những ý cần thiết, tối thiểu của một đề bài nhưng trong khuôn khổ thời gian cho phép. Đứng dưới góc độ người dạy, 2 tháng để chuẩn bị cho học sinh kỹ năng trả lời là rất khó. Đây cũng là vấn đề cả giáo viên và học sinh đều lo lắng.

Cũng theo cô Huệ, đề thi Ngữ văn gồm phần học hiểu và làm văn thì Bộ GD-ĐT cũng nên công bố sớm tỷ lệ điểm cho mỗi phần là như thế nào. Đối với phần đọc hiểu thì ra theo hướng tích hợp hay là những câu hỏi rời rạc? Đây là vấn đề nhiều giáo viên băn khoăn.

Các đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT bày tỏ sự lo lắng về đổi mới kiểm tra, đánh 
Các đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT bày tỏ sự lo lắng về đổi mới kiểm tra, đánh giá được thực hiện ngay trong kì thi tốt nghiệp THPT 2014.

Cùng chung tâm trạng lo lắng, thầy giáo Ngô Vưu, giáo viên Trường THPT Quốc học Huế đặt vấn đề: Đổi mới là điều cần thiết nhưng công bố trong thời gian quá ngắn liệu có phù hợp hay không? Lâu nay chúng ta đã có quan điểm học gì thi thi như thế, bây giờ đổi mới nhanh quá thì giáo viên và học sinh thích ứng kịp hay không?

“Tôi có tham khảo một số đề mẫu được đưa lên mạng thì thấy đề rất hay nhưng so với năm trước thì mức độ khó hơn, yêu cầu nhiều hơn trong khi thời gian lại rút ngắn. Đối với học sinh giỏi, học sinh ở các thành phố lớn thì có thể bắt kịp nhưng liệu các em học sinh nông thôn, vùng khó có theo được hay không là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Bộ GD-ĐT sẽ phản ứng ra sao nếu chỉ có khoảng 10% học sinh dự thi môn Văn đạt 5 điểm trở lên với cách ra đề này? Theo tôi, đổi mới phải có lộ trình để học sinh, giáo viên tiếp cận” - thầy Ngô Vưu bày tỏ.

Dưới góc độ là người quản lý, thầy Trần Tiến Thành - Chuyên viên ngữ văn Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ: “Sự đổi mới trong kiểm tra, đánh giá với bộ môn Ngữ văn là rất cần thiết. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT có sự đổi mới thì cần có văn bản hướng dẫn, cấu trúc cụ thể để các Sở GD-ĐT phổ biến, tổ chức tập huấn cho các thầy cô an tâm”.

Dẫn chứng về sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ, một đại biểu phân tích: “Chúng ta đã kéo pháo lên đồi, chuẩn bị sẵn sàng rồi rồi nhưng sau đó lại quyết định lịch sự đó là lui quân và kéo pháo ra. Tôi muốn thông qua sự kiện này bày tỏ quan điểm, trước một quyết định lớn lao như thế này thì cần phải chờ điều kiện thích hợp, có sự đồng thuận của dư luận xã hội, có sự chuẩn bị của các nhà khoa học, người dạy, người học... Thời điểm thực hiện có lẽ nên là năm tới”.

“Muốn chữa bệnh nên có thuốc đắng”

Trước những băn của các đại biểu đến từ các trường phổ thông, các Sở GD-ĐT xoay quanh về đề thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: Thay đổi thói quen mà đòi hỏi có lộ trình thì rất là khó. Chúng ta xác định thay đổi kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện thì cần phải thực hiện sớm. Tôi xin nhắc lại, từ lâu rồi, Bộ GD-ĐT không có cấu trúc đề thi mà chỉ có ma trận đề thi. Năm nay, Bộ cũng không có cấu trúc đề thi nào cả. Hình thức ra đề có một phần đọc hiểu và một phần bài viết.

Phần đọc hiểu chỉ đơn thuần có một văn bản, dựa trên văn bản này, chúng ta sẽ đưa ra các câu hỏi để kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh. Việc ra câu hỏi như thế nào thì vận dụng cách của Pisa.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lắng nghe và giải đáp các ý
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lắng nghe và giải đáp các ý kiến từ phía cơ sở.

Vấn đề chúng ta các phải quan tâm trao đổi thêm đó là với hình thức ra đề đọc hiểu, bài viết thì kiểm tra được kỹ năng gì của học sinh? Tất nhiên đề thi phải ra phù hợp với năng lực của các em.

Thứ trưởng Hiển ví von: “Ai cũng biết thuốc ngọt cũng có thể chữa được bệnh nhưng lâu nay chữa được bệnh nhiều phần lớn là thuốc đắng”.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, với việc đổi mới về kiểm tra, đánh giá thì không trách khỏi được nhưng sự băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, trên cơ sở thống nhất mục tiêu thì sẽ bàn thêm nhưng cái cụ thể để làm sao phù hợp với học sinh, phù hợp với việc dạy và học nhưng phải hướng tới mục tiêu giáo dục đề ra.

“Nói là thay đổi nhưng thực ra không có gì xa lạ với các nhà trường. Chúng ta đã dạy đã học theo cách mới nhưng lâu nay chưa được nhiều do vẫn kiểm tra, đánh giá theo cách cũ. Giáo viên chưa có năng lực để làm quen với việc ra đề mở, chấm mở. Phải chăng là năm nay chúng ta có sự thay đổi mạnh mẽ hơn năm trước. Chúng ta nên ưu tiên hướng tới chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục. Còn việc đỗ tốt nghiệp cao hay thấp thì hay đặt ở phía sau” - Thứ trưởng Hiển nói.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm