Đổi mới chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán, tài chính các trường đại học

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngày 12/8, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến "Đổi mới chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán, tài chính ở các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh 4.0".

Hội thảo nhằm đem đến cho các nhà quản lý, các giảng viên các cơ sở đào tạo phụ trách và quan tâm đến đổi mới chương trình đào tạo tại Việt Nam cơ hội giao lưu và thảo luận với các giáo sư, giảng viên người Việt có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, xây dựng, thẩm định giáo trình chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính đến từ các trường đại học của Anh, Úc và New Zealand: Đại học East London, Đại học Roehampton, Đại học Monash, Đại học Macquarie, Đại học New South Wales, Đại học RMIT và Đại học Wellington.

Đổi mới chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán, tài chính các trường đại học - 1

Toàn cảnh hội thảo và diễn giả tham dự.

Hội thảo tập trung vào hai khía cạnh nổi bật nhất là nội dung đào tạo về công nghệ, và tính ứng dụng vào môi trường làm việc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Hội thảo trực tuyến khởi động một diễn đàn thường xuyên trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra giữa các trường Đại học quốc tế với các trường Đại học Việt Nam cũng như với doanh nghiệp, người làm nghề kế toán, kiểm toán, tài chính tâm huyết ở Việt Nam, khu vực và toàn cầu từ mạng lưới của hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế. Diễn đàn thiết thực này hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, hoạt động giảng dạy tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược, tổ chức thực hiện quá trình thay đổi chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và kiểm nghiệm liên tục.

Chương trình đào tạo đại học nói chung và của ngành kế toán, kiểm toán, tài chính nói riêng đòi hỏi cách tiếp cận mới. Các trường đại học Việt Nam đã có nhiều nỗ lực điều chỉnh chương trình đào tạo và phương thức giảng dạy tiệm cận với xu hướng toàn cầu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17 vào tháng 6 hướng dẫn chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Đổi mới chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán, tài chính các trường đại học - 2

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện tại, Bộ đang khẩn trương chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành kế toán - tài chính. Năm 2019, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá chương trình đào tạo kế toán các trường đại học tại Việt Nam so với chuẩn mực đào tạo kế toán quốc tế, lấy chương trình đào tạo của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) làm đối tượng so sánh.

WB đề xuất chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán Việt Nam cần bổ sung chuẩn mực lập báo cáo tài chính IFRS, chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đạo đức, giá trị và thái độ nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khuyến nghị chuẩn đầu ra, chương trình và phương pháp đào tạo đại học cần thiết kế phù hợp với khung năng lực do các tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán xây dựng.

ACCA là hội nghề nghiệp quốc tế tại Việt Nam được công nhận trong khung trình độ quốc gia Anh quốc: hoàn thành toàn bộ chương trình tương đương Cao học, hoàn thành 9 môn đầu tương đương Cử nhân, hoàn thành 3 môn đầu tiên tương đương hết năm thứ nhất đại học.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo: "Tôi đánh giá cao các nỗ lực của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và ACCA tổ chức hội thảo trực tuyến ngày hôm nay và duy trì diễn đàn trao đổi thường xuyên. 

Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho khối ngành tài chính - kế toán, đổi mới chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam là nhiệm vụ chiến lược đòi hỏi thời gian, nguồn lực đầu tư lâu dài và sự chung tay của nhiều bên. Nhu cầu thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học quốc tế, các doanh nghiệp và hội nghề nghiệp để nghiên cứu học hỏi, vận dụng các chương trình đào tạo phù hợp cho Việt Nam là rất cần thiết.

Đặc biệt, cơ hội trao đổi với những thầy cô nắm giữ các vị trí lãnh đạo, trực tiếp làm công tác chuyên môn xây dựng giáo trình tại các trường đại học quốc tế có mong muốn được kết nối, đóng góp vào nền giáo dục nước nhà, là rất đáng trân trọng. Bên cạnh đó, sự phối hợp hiệu quả giữa trường đại học và các doanh nghiệp, với những người làm nghề tâm huyết ở Việt Nam, trong khu vực và toàn cầu từ mạng lưới của hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế là rất cần thiết."

TS Vũ Đức Chính - Cục trưởng, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính phát biểu:

"Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của chương trình phối hợp, tổ chức thi giữa Bộ tài chính và ACCA từ năm 2007 đến nay. Từ đó tạo điều kiện cho kiểm toán viên, kế toán viên và các chuyên gia tài chính được đào tạo theo chuẩn quốc tế ACCA có hiểu biết về pháp luật Việt nam. Đến nay, chương trình đã có gần hơn 10.000 người theo học, trong đó có nhiều người hoàn thành chương trình ACCA và trở thành hội viên của ACCA.

Cùng với sáng kiến phổ cập chứng chỉ IFRS ở các trường đại học của VACPA và ACCA, chúng tôi mong rằng hai hội tiếp tục nỗ lực, cùng với sự phối hợp giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, duy trì diễn đàn trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm đổi mới chương trình đào tạo, qua đó đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán và tài chính trong tương lai, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước."

Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch VACPA chia sẻ: "Thông qua diễn đàn, chúng ta sẽ được tiếp nhận các tri thức khoa học và các thông tin mới về xu thế phát triển nghề nghiệp; trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm đổi mới chương trình đào tạo giữa các trường đại học quốc tế với các trường đại học Việt Nam tập trung vào hai khía cạnh nổi bật nhất, đó là nội dung đào tạo về công nghệ và tính ứng dụng vào môi trường làm việc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Và đó sẽ là những tham vấn quý giá để hỗ trợ Việt Nam từng bước có được một chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán, tài chính phù hợp với xu thế phát triển của CMCN 4.0.

Đây là một cơ hội quý báu để các giảng viên người Việt Nam được cung cấp nhiều tri thức khoa học và thông tin hữu ích từ các giảng viên giữ các vị trí lãnh đạo, trực tiếp làm công tác chuyên môn, giảng dạy tại các trường đại học quốc tế, từ đó góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam vì mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán, tài chính tại các trường đại học và vì sự phát triển của hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam".

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thụy Minh Châu, Trưởng đại diện văn phòng ACCA Việt Nam chia sẻ: "Hội thảo lần này là bước khởi đầu cho một diễn đàn để chia sẻ các sáng kiến đổi mới chương trình đào tạo của ngành kế toán, kiểm toán và tài chính. ACCA Việt nam sẽ nỗ lực cùng các bên để duy trì diễn đàn này thông qua các hoạt động thường kỳ, đồng thời với các cam kết hỗ trợ các trường đại học VIệt Nam trong các dự án khác nhau, đặc biệt là đưa chứng chỉ phối hợp lập báo cáo tài chính của ACCA và VACPA (CertIFR) vào chương trình đại học trong thời gian tới, ACCA Việt Nam sẽ đồng hành cùng các trường đại học Việt Nam trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo, góp phần vào việc tạo ra nguồn nhân sự đáp ứng được các yêu cầu ngày càng nâng cao của doanh nghiệp".