“Dốc Ba Cô” và những câu chuyện xúc động của giáo viên gieo chữ vùng cao
(Dân trí) -“3 cô giáo đi bộ từ An Khê vào Chư Glong dạy học, đường rừng, núi cao khi các cô đi đến dốc Hle thấy dốc quá cao, trong khi các cô lại đói, khát nên đã ngồi dưới chân núi khóc… từ đó người ta đổi tên dốc thành “Dốc Ba Cô”, ông Broc kể.
Con dốc được thay tên cho người gieo chữ
Đó là con dốc nằm giáp danh giữa 2 xã Yang Trung và Chơ Glong của huyện Kông Chro, Gia Lai. Trước đây, “Dốc Ba Cô” được những người Bahnar bản địa gọi là dốc Hle (con bò), sau giải phóng, để ghi nhớ về công lao của những giáo viên đã một thời không quản gian nguy cõng con chữ đến với người dân nghèo, người dân đã đổi tên cho con dốc.
Sau khi nghe câu chuyện cảm động trên, chúng tôi tìm về huyện Kông Chro và tìm gặp rất nhiều cán bộ lão thành để tìm kiếm chút manh mối về “3 cô”. Nhưng ai cũng lắc đầu, họ chỉ khẳng định câu chuyện trên là có thật, còn về 3 cô giáo đi gieo chữ vất vả ngồi khóc dưới chân núi thì không ai biết giờ ở đâu. Còn ông Đinh Broc (54 tuổi, Trưởng Ban dân tộc huyện Kông Chro, Gia Lai) thì cho biết, câu chuyện trên, vào những năm 70 của thế kỉ trước ông được nghe những người dân quân kể và ông nhớ đến tận bây giờ.
Chúng tôi đi qua dốc “Ba Cô” để vào Chơ Glong, dốc bây giờ đã được san thấp đi rất nhiều, hai bên là núi đá và cây cối cũng không còn như xưa. Ông Đinh Kriu (60 tuổi), Chủ tịch Mặt trận xã Chơ Glong mừng ríu rít kể, ông là người vinh dự được học chữ của 3 cô giáo ngồi khóc dưới chân núi. Trong 3 cô, ông chỉ nhớ được tên cô giáo Lâm và Ghi. Sau giải phóng, các cô giáo đã vượt rừng đi bộ từ thị xã An Khê (lúc này An Khê và Kông Chro là 1 huyện) để vào Chơ Glong dạy học, với quãng đường chừng 60 km đường rừng núi. Và dốc Hle chính là dốc khá cao và dài, nó sẽ lấy đi rất nhiều sức lực của các cô, nhiệt huyết thì có thừa nhưng nhiều khi những giọt nước mắt vẫn không kìm lại được trước những gì mà các cô phải trải qua.
Ông Kriu nói, Chơ Glong giờ đã khác xưa rất nhiều, điện - đường - trường - trạm… đã vào đến tận nhà, nhiều người dân đã có nhà xây, nạn mù chữ đã không còn đối với thế hệ trẻ của xã. Còn trước đây, bản thân ông khi hơn 20 tuổi mới bắt đầu được học con chữ và chính cô Ghi và cô Lâm là người dạy chữ cho ông. “Bà con hồi đó đói lắm, lên rẫy, ở rừng miết. Các thầy, cô phải vào dạy xóa mù chữ, dạy tính toán, làm ăn. Rồi họ còn lên rẫy làm chung với dân làng nữa”, ông Kriu nhớ lại.
Tuy nhiên, các cô chỉ vào dạy tăng cường chừng 2 năm rồi quay trở lại An Khê, nên từ đó đến nay không ai biết thông tin về các cô nữa.
Nước mắt đầy tự hào của người cõng chữ
Chúng tôi tìm về Phòng Giáo dục của thị xã An Khê và may mắn gặp được thầy Đặng Hước - Phó Trưởng Phòng, thầy Hước kể, những năm 1970, thầy là Hiệu trưởng một trường trong Kbang và phải thường xuyên vượt rừng để vào trường. “Có lần mình đi trên đường còn gặp cả cọp con nữa, thời đó nguy hiểm lắm”, thầy kể. Nhắc về đồng nghiệp của mình, thầy nhớ lại: “Trước đây có lần anh em ngồi họp, mình có nghe cô Lâm và cô Ghi kể và khóc nức nở khi kể về chuyện vượt rừng vào Chơ Glong để dạy học”, rồi thầy lần tìm địa chỉ 2 cô giáo cho chúng tôi đến gặp.
Nhà cô Vũ Thị Lâm (SN 1959) nằm trên đường Tạ Quang Biểu (thị xã An Khê), cô Lâm hiện vẫn đang dạy tại Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (TX An Khê). Cô cho biết, cô vốn quê ở Thanh Hóa, năm 1977, sau khi tốt nghiệp lớp 10, mặc cho gia đình ngăn cản nhưng cô vẫn tình nguyện vào Gia Lai công tác: “Mặc dù chưa biết Tây Nguyên thế nào, nhưng đơn giản chỉ đi là đi thôi, đi theo lý tưởng của mình chứ không cần biết là khổ hay sướng”, cô Lâm nhớ lại.
Tháng 8/1978, cô Lâm và cô Ghi được cử vào Chơ Glong dạy học. Hai cô được thầy hiệu trưởng dẫn đường vào Chơ Glong, trên đường đi, họ đã phải chịu đói, chịu khát phải ăn cây rừng để lấy sức cầm cố. Khó khăn nhất là khi họ đi đến dốc Hle khi trong người vừa đói, vừa khát còn đỉnh dốc quá cao, cây cối um tùm khiến họ như muốn đầu hàng, nhưng rồi vì nhiệm vụ cấp trên đã giao, vì bà con đang cần mình mà họ đã lê từng bước để vượt dốc đến với bà con: “Dốc cao, cây cối um tùm mà chỉ cần người đi trước mình cách khoảng 2m là mình không thể thấy được”, cô Lâm nhớ lại.
Khó khăn nhất với các cô giáo trẻ chính là rào cản về ngôn ngữ, học sinh có những người đến 50 tuổi nhưng chưa biết tiếng phổ thông và các cô cũng chưa biết tiếng Bahnar. Vì vậy, các cô vừa dạy nhưng cũng phải vừa học lại ngôn ngữ của học sinh. Rồi chuyện, những người dân vẫn coi trọng chuyện “con chữ không làm no được cái bụng, chỉ có lên rẫy cái bụng mới được no”, nên không ai thiết tha với con chữ, khiến các cô phải lặn lội lên từng đám rẫy để vận động học sinh về học. Khó khăn chồng chất khó khăn, để có gạo ăn, các cô phải cùng người dân lên rẫy để đi làm… “Hồi đó khổ nhưng vô tư lắm, chẳng nghĩ ngợi gì. Cả trường có 2 chị em, 3 thầy giáo nhưng khi tối ngủ cả 5 anh em chúng tôi phải ngủ chung trong một căn lều nằm bên suối” - cô Lâm xúc động kể.
Gieo chữ ở nơi rừng thiêng, nước độc khiến cô và các đồng nghiệp liên tục bị sốt rét, tuổi trẻ, xa gia đình nhiều lúc nhớ nhà đến rơi nước mắt, nhưng vì quá thương các học trò nghèo nên cô vẫn quyết tâm ở lại với học trò. Hai năm sau, cô Lâm và cô Ghi lại được điều động đi nơi khác. Đến năm 1985, cô lập gia đình với chú Lương Xuân Tứ (cùng quê, lúc bấy giờ là bộ đội) và có 2 người con. Còn cô Ghi cũng đang sống tại địa bàn TX An Khê và đã nghỉ hưu. Cô Ghi thiếu may mắn hơn khi chồng cô mất sớm.
Quay trở lại với câu chuyện “Dốc Ba Cô”, cô Lâm cho biết, cô và cô Ghi không phải là nhân vật trong câu chuyện trên. Mà đó là câu chuyện của đồng nghiệp cô, trước cô một vài năm. Cứ tưởng mình may mắn được gặp “nhân vật chính”, vậy mà… Tuy nhiên, khi nghe xong câu chuyện hơn 30 năm cõng chữ đầy gian nan, vất vả và không kém hiểm nguy của các cô, rồi chứng kiến những giọt nước mắt đầy xúc động khiến chúng tôi cảm thấy mình thật vinh dự khi là người làm báo đầu tiên được các cô chia sẽ về hành trình cõng chữ đến vùng sâu, vùng cao của mình.
Thầy Đặng Hước tâm sự thêm: “Thời đó đi dạy khổ lắm, nguy hiểm nữa, đi giữa rừng gặp thú giữ là chuyện không hiếm. Nhưng khổ nhất vẫn là các cô giáo, vất vả không nói làm gì nhưng có cô bị sốt rét liên miên mà mất luôn khả năng sinh con, đến bây giờ sống cô đơn lắm…”.
Chính sự hy sinh thầm lặng của các thầy, các cô mà Gia Lai hôm nay đã có sự đổi thay đáng kể về giáo dục. Anh Đinh Văn Phiêu - Chủ tịch UBND xã Chơ Glong tự hào: “Đến nay thế hệ trẻ đã không còn mù chữ, từ 100% hộ nghèo bây giờ còn 28%, không còn nạn tảo hôn. Người dân đã biết trồng cây công nghiệp để kinh doanh, xã có cán bộ trình độ đại học, cao đẳng… hiện tại có 18 em học sinh đang là sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng”.
Thiên Thư