Đỗ đại học, cô học trò mồ côi có nguy cơ không thể đến trường
(Dân trí) - Sinh ra đã không biết mặt cha, mẹ cũng ra đi khi em mới tròn 6 tuổi, bản thân em mắc bệnh suy tim. Vượt qua hành trình tuổi thơ đầy nước mắt và giông bão, Cúc đã chinh phục ngưỡng cửa đại học. Thế nhưng, cánh cửa ấy dường như đang khép lại trước mắt cô học trò mồ côi…
Cô học trò tội nghiệp ấy là Trần Thị Cúc ở thôn 3 (còn gọi là thôn Đại Long, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Em là học sinh lớp 12A5 Trường THPT Hoằng Hóa III. Kỳ thi đại học vừa qua em đã đậu vào trường ĐH Nội vụ - Khoa Quản trị văn phòng với số điểm 17,5 (cộng cả điểm ưu tiên là 21 điểm).
Tuổi thơ đầy nước mắt
Sau khi đọc bài viết trên báo điện tử Dân trí, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn liên hệ để động viên, chia sẻ với cô học trò mồ côi Trần Thị Cúc. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của em Cúc: 0166 367 3393 (địa chỉ: thôn 3 (còn gọi là thôn Đại Long), xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
Ấn tượng về em ngay khi gặp là hình ảnh một cô bé gầy gò, đen đúa, đôi mắt và đôi môi thâm quầng. Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là em phải nhập học rồi thế nhưng cánh cửa đại học ấy dường như đang khép lại vì phía trước tương lai em mù mịt, em không biết xoay sở ra sao để có tiền đi học. Khi gặp chúng tôi, đôi mắt em ầng ậc nước. Cúc bảo mấy ngày qua em chỉ biết khóc, em tuyệt vọng không biết sẽ phải bước đi con đường nào nữa. Bản thân mang bệnh suy tim vì thế nếu chọn con đường bỏ học đi làm công nhân thì cũng thật khó khăn.
Câu chuyện về tuổi thơ “dữ dội” của cô bé mồ côi khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Bất hạnh đã theo em ngay từ khi chào đời. Sinh ra, em không biết cha mình là ai. 6 tháng tuổi, mẹ mang em trở về ở với bà ngoại. Vì căn bệnh hiểm nghèo nên sau 6 năm sinh em, mẹ em cũng bỏ lại em cho bà ngoại rồi ra đi. Với em hình ảnh về mẹ chỉ là tấm ảnh thờ bởi khi ấy em còn quá nhỏ để nhớ về mẹ và hiểu được sự mất mát lớn của cuộc đời.
Mãi cho đến khi đi học em mới dần nhận ra việc không có bố, không có mẹ là một bất hạnh. Nhớ về những ngày ấy, em lặng lẽ lau nước mắt. Câu trêu chọc của bạn bè “Cúc cụt đuôi, bố mẹ không nuôi ra đường mà ở” hằn sâu trong trái tim em cho tới tận bây giờ. Ngày đó, em đã nghĩ rằng không có bố mẹ là một cái tội để rồi bạn bè em đều xa lánh, kỳ thị. Những vết cứa bất hạnh cứ lớn dần lớn dần trong trái tim non nớt. Có lẽ vì tuổi thơ đầy đau khổ ấy đã khiến cô bé tội nghiệp luôn cố gắng học tập thật tốt.
Cuộc đời em chỉ còn bà ngoại, suốt những năm tháng bà cháu rau cháo nuôi nhau. Tài sản của hai bà cháu là gian nhà cũ nát, tối tăm với chiếc giường tre cũ kỹ, ít sách vở đặt cạnh bàn thờ mẹ em. Em cũng có cậu có dì nhưng người thì làm ăn xa, người ở gần thì bệnh tật, đông con, kinh tế khó khăn nên hai bà cháu cũng không thể bấu víu.
Bà vừa làm cha, vừa làm mẹ, là chỗ dựa tinh thần cho em. Những lúc đói nghèo, cơ cực em đã nghĩ đến việc bỏ học để bà thôi gánh nặng những lời động viên của bà lại khiến em có thêm động lực tiếp tục đến trường.
Với em, kỷ niệm về bà không bao giờ có thể kể hết nhưng cô bé nhớ và đau lòng hơn cả đó là 2 năm đằng đẵng bà bệnh nặng nằm một chỗ, em vừa học vừa đi làm, vừa chăm bà. Thế rồi, bà đã không ở lại với em. Sau khi em vào cấp 3 được một thời gian ngắn, bà cũng qua đời. Vậy là cô bé mồ côi ấy lại bơ vơ giữa cuộc đời.
Trong gian nhà cũ nát, em đã từng nghĩ từ bỏ việc đến trường nhưng rồi nhớ lời trăn trối của bà trước lúc ra đi, nhìn lên di ảnh của mẹ, em lại muốn mình phải cố. 18 tuổi trôi qua là 18 năm em luôn phải gồng mình cố gắng.
Sau ngày bà mất, số tiền trợ cấp cho người già cũng không còn chỉ còn lại tiền trợ cấp con mồ côi mỗi tháng 180 nghìn đồng. Ngoài giờ học em lại đạp xe sang các xã bên cạnh mua bắp ngô rồi rau khoai lang ra chợ bán lại kiếm thêm tiền. Cũng duy trì việc này em mới có tiền để ra Hà Nội thi đại học.
Chưa một lần dám đặt chân đến cửa bệnh viện
Mang trong mình căn bệnh suy tim nhưng không có tiền đi khám và chữa trị, em đã chịu đựng sống chung với bệnh. Nhận ra mình có bệnh từ khi còn học lớp 2 bởi chỉ cần mệt mỏi hay suy nghĩ em lại bị ngất xỉu. Em được mang ra trạm y tế và được chẩn đoán là suy tim nhưng cho tới tận bây giờ em bảo chưa một lần dám đặt chân đến cửa bệnh viện để đi khám vì biết rồi cũng chẳng có tiền mà chữa trị nên đành để vậy thôi.
Sau ngày bà mất, em lo lắng, suy nghĩ, sợ hãi thì bệnh lại tái phát nặng hơn nhưng rồi em vẫn cắn răng chịu đựng. Ngày đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân, mới bước ra khỏi phòng thi được một lúc thì em đã ngất xỉu khi ngồi phía sau xe cô giáo chủ nhiệm.
Gạt nước mắt, cô bé tâm sự: “Việc em ngất xỉu không còn xa lạ gì với các thầy cô nữa chị ạ. Mỗi lần như thế em lại được mọi người đưa vào trạm y tế gần nhất rồi xin thuốc về uống. Cũng chỉ là những gói trà gừng hay vài viên thuốc bổ thôi. Chưa lần nào em dám đi bệnh viện hay bỏ tiền ra mua thuốc cho mình cả vì có những ngày trong người em không có nổi một xu nào. Đến gạo ăn mỗi ngày các thầy cô và các bạn còn phải quyên góp cho em. Em cứ sống như thế rồi cũng trôi qua mỗi ngày”.
Hoàn cảnh, bệnh tật là vậy nhưng suốt những năm đi học, năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến hoặc học sinh giỏi. Từ năm lớp 9, em đã được tham gia các kỳ thì học sinh giỏi tổ chức ở trường, ở huyện và cả cấp tỉnh. Năm lớp 12 vừa qua, mặc dù chịu áp lực rất nhiều nhưng em cũng đã đạt giải khuyến khích cấp tỉnh môn Giáo dục công dân.
“Từ ngày bà mất em luôn nhủ rằng mình phải cố gắng học, chỉ có con đường học mới thoát khổ, nghèo nhưng cho đến bây giờ thì em lại không biết phải cố gắng như thế nào nữa. Giây phút em được cô giáo chủ nhiệm báo đã đậu đại học, em đã khóc. Vừa tủi thân vừa tuyệt vọng…” - cô bé tội nghiệp chia sẻ.