Định hướng tương lai giáo dục “Thái độ đúng đắn” trong học sinh...

Hướng nghiệp cho học sinh (HS) đồng nghĩa với việc định hướng cuộc sống tương lai, là khâu quan trọng nhất trong cuộc đời lập nghiệp của mỗi HS. Tuy nhiên, không phải hiện nay mỗi HS đều có định hướng chọn nghề để có một công việc tương lai một cách hợp lý và đúng đắn.

Để tìm hiểu xung quanh vai trò của công tác Hướng nghiệp HS và giúp HS có cách lựa chọn nghề phù hợp, phóng viên chúng tôi có cuộc chia sẻ, trao đổi với ThS Trần Phương - Trường Đại học Hoa Sen, giảng viên đang tham gia các hoạt động giảng dạy Hướng nghiệp tại TP.HCM như THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Gia Định...
 
Định hướng tương lai giáo dục “Thái độ đúng đắn” trong học sinh... - 1
Thạc sỹ Trần Phương - Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM
 
Định hướng tương lai giáo dục “Thái độ đúng đắn” trong học sinh... - 2
Chuyên gia Hướng nghiệp đang tham gia giảng dạy ngay ở lớp tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM
 
Định hướng tương lai giáo dục “Thái độ đúng đắn” trong học sinh... - 3
Giảng viên ĐH Hoa Sen tham gia công tác giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM
 
Định hướng tương lai giáo dục “Thái độ đúng đắn” trong học sinh... - 4
Học sinh lớp 12 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM nghe giảng dạy chương trình Hướng Nghiệp tại trường
 
PV: Thưa thầy, ý nghĩa của công tác Hướng nghiệp cho HS THPT được hiểu như thế nào?
 
ThS Trần Phương: Đa phần HS tại các trường THPT hiện nay mà tôi tham gia công tác giảng dạy đều nhận thấy rằng: các bạn vẫn chưa rõ mình thích gì, sở trường, sở đoản của mình ra sao? Các bạn HS như bị chơi vơi, lạc lối giữa thế giới nghề nghiệp muôn vàn sắc màu và cấp độ. Cũng dễ hiểu vì các bạn chưa lần nào được tiếp xúc với ngành nghề đó, chỉ mới nghe qua với những lời quảng cáo, truyền tai đầy cám dỗ như ngành này đang “hot”, ngành kia đang là “mốt” mà không hề biết những khó khăn, thử thách mà bạn sẽ phải nếm trải.
 
Vì thế tôi cho rằng: Hướng nghiệp HS là các hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân. Khi mỗi cá nhân đều có được chuyên môn nghề nghiệp vững vàng, ổn định, họ sẽ có nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân. Ở một góc độ khác, hướng nghiệp có hiệu quả tạo ra một lực lượng lao động có định hướng rõ ràng, do họ có năng lực nghề nghiệp tốt, làm tăng năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển về kinh tế xã hội một cách toàn diện.
 
PV: Trong quá trình tham gia công tác giảng dạy Hướng nghiệp thầy có thể cho biết các nguyên nhân cơ bản khiến các bạn HS sai lầm trong việc chọn nghề?
 
ThS Trần Phương: Theo tôi có 4 nguyên nhân cơ bản
 
Thứ nhất là “Thái độ không đúng”:
 
- Nhiều bạn HS cho rằng nghề thợ thấp kém hơn kỹ sư, giáo viên THCS thua kém giáo viên THPT… Thực ra mỗi nghề (hay đúng hơn là mỗi chuyên môn đó) có những bậc thang tay nghề của nó. VD: công nhân cơ khí có 7 bậc tay nghề. Người công nhân được đào tạo theo chương trình riêng, họ có vai trò quan trọng riêng trong các nhà máy, xí nghiệp. Một số bạn đã coi nhẹ công việc của người thợ, của thầy giáo cấp I, của cô y tá, chỉ coi trọng công việc kỹ thuật, của thầy giáo dạy ở bậc trung học hoặc đại học, của bác sĩ… Chính vì thế mà chỉ định hướng vào những nghề có sự đào tạo bậc đại học; thành kiến với một số nghề trong xã hội, chẳng hạn, coi lao động chân tay là nghề thấp hèn, chê nhiều công việc dịch vụ là không “thanh lịch”…
 
- Các bạn HS còn dựa dẫm vào ý kiến người khác, không độc lập việc quyết định chọn nghề. Vì thế đã có nhiều bạn chọn nghề theo ý muốn của cha mẹ, theo ý thích của người lớn, theo lời rủ rê của bạn bè. Cách chọn nghề này đã dẫn đến nhiều trường hợp chán nghề vì không phù hợp; bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài của nghề, thiếu hiểu biết nội dung lao động của nghề đó. VD như với các nghề diễn viên điện ảnh, dẫn chương trình, người mẫu thời trang… rất hấp dẫn với các bạn trẻ, nhưng để thạo nghề thì phải rèn luyện gian khổ, vì vậy cũng dễ gây nhầm lẫn đối với ai chỉ thích vẻ hào hoa bề nổi của nghề đó. Có HS chỉ tin vào quảng cáo của các cơ sở đào tạo mà chọn nghề vào học cũng sẽ dễ chán trường, chán nghề…
 
- HS còn cho rằng đạt thành tích cao trong việc học tập một môn văn hóa nào đó là làm được nghề cần đến tri thức của môn đó. VD: có người học giỏi môn văn đã chọn nghề làm phóng viên báo chí. Đúng là nghề này cần đến người viết văn hay, diễn đạt tư tưởng rành mạch. Song, nếu không nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, dám xông xáo… thì không thể theo đuổi nghề này được. Sai lầm ở đây là do không thấy rằng năng lực đối với môn học chỉ là điều kiện cần, chứ chưa là điều kiện đủ để theo đuổi nghề mình thích.
 
- Không đánh giá đúng năng lực lao động của bản thân nên lúng túng trong khi chọn nghề. Do đó, có hai tình trạng thường gặp: hoặc đánh giá quá cao năng lực của mình, hoặc đánh giá không đúng mức và không tin vào bản thân. Cả hai trường hợp đều dẫn đến hậu quả không hay:
 
- Thiếu sự hiểu biết về thể lực và sức khỏe của bản thân, lại không có đầy đủ thông tin về những chống chỉ định y học trong các nghề. Điều này cũng rất dễ gây nên những tác hại lớn: người yếu tim lại chọn nghề nuôi dạy trẻ, người hay viêm họng và phổi lại định hướng vào nghề dạy học, người có bệnh ngoài da lại đi vào nghề “dầu mỡ”…
 
Thứ hai là thiếu hiểu biết về yêu cầu của nghề: Các bạn HS khi chọn nghề chưa hiểu rõ nghề mình chọn có yêu cầu như thế nào đối với người lao động. Khi không có đủ những phẩm chất tâm lý và sinh lý để đáp ứng yêu cầu của một nghề cụ thể thì đừng chọn nghề đó. VD: Người phản ứng chậm chạp không nên vào nghề lái xe, người tính quá hiếu động không nên chọn nghề điều độ thông tin giao thông, người không làm việc với các con số không nên học nghề kế toán…
 
Thứ ba là thiếu thông tin về thị trường lao động: Thông tin về thị trường lao động là những thông tin về nhu cầu sử dụng nhân lực của tỉnh, thành phố trong kế hoạch năm: nhu cầu sử dụng nhân lực các loại cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất và cho các loại doanh nghiệp và liên doanh của các thành phần kinh tế khác.
 
Cuối cùng là thiếu điều kiện tài chính để theo học nghề: Nhiều người đã chọn được nghề phù hợp nhưng thiếu điều kiện tài chính theo học như không đủ tiền đóng học phí, không có điều kiện ở trọ đi học. Nhiều gia đình có con thi đỗ vào trường đại học nhưng đành phải cho con ở nhà vì thu nhập của gia đình không đủ sức cung ứng cho việc học của con em.
 
PV: Vậy điều kiện để các bạn HS chọn đúng nghề là gì?
 
ThS Trần Phương: Khi bạn HS đã hiểu rõ các nguyên nhân khiến bạn ra quyết định sai lầm khi chọn nghề thì điều kiện để chọn nghề đúng đơn giản là bạn phải tránh xa các nguyên nhân dẫn đến sự sai lầm đó và tham khảo những lời khuyên sau:
 
- Bạn cần nắm học lực của bạn ở các môn thuộc khối thi mình chọn ở mức nào. Nếu bạn chọn một ngành học nào đó nhưng chưa tự tin vào học lực của mình, bạn có thể mạnh dạn chọn một trường có điểm chuẩn thấp hơn (các trường ĐH vùng, trường địa phương,...) hoặc nhắm đến bậc học cao đẳng, TCCN, trung cấp nghề sau đó liên thông lên đại học, cao đẳng; hoặc chọn các trường ngoài công lập. Bạn nên chọn những trường có đào tạo liên thông ngay tại trường hoặc những trường có liên kết đào tạo liên thông với các trường đại học khác
 
- Bạn cần phải tham khảo điểm chuẩn các năm trước của trường mình định ĐKDT để đối chiếu với mức điểm tối thiểu dự kiến của mình có thể đạt được ở khối dự thi (lưu ý: nên chọn trường có mức điểm chuẩn chênh lệch thấp hơn so với điểm dự kiến mình đạt từ 1-2 điểm).
 
- Bạn cần thường xuyên theo dõi thông tin qua báo, đài, mạng Internet để nắm bắt những thông tin mới nhất về tuyển sinh.
 
- Thường xuyên theo dõi thông tin trên website của các trường. Đồng thời, lưu giữ tất cả các tờ gấp, brochure, cẩm nang tuyển sinh của trường để tham khảo.
 
- Xem xét điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình của mình có phù hợp với mức học phí của trường đã chọn không? Nếu có điều kiện tài chính, bạn cũng có thể quan tâm đến các trường của nước ngoài, không thi tuyển theo qui định của Bộ.
 
PV: Xin cám ơn thầy về buổi trò chuyện.
 
Uyên Linh