Điều chỉnh giá sách giáo khoa, giảm cao nhất 11,2%

Mỹ Hà

(Dân trí) - Chiều nay (5/4), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố điều chỉnh giá sách giáo khoa, trong đó giảm cao nhất 11,2%.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm học 2024-2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) thực hiện điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa (SGK) tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11).

Đồng thời, đơn vị này xây dựng giá bán SGK các lớp 5, 9, 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.

Cụ thể, đối với SGK tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11) trong năm học 2024-2025, NXBGDVN đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để điều chỉnh, giảm giá bìa so với các năm trước.

Điều chỉnh giá sách giáo khoa, giảm cao nhất 11,2% - 1

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giảm giá SGK năm 2024 (Ảnh: M. Hà).

Cụ thể giá bìa bộ SGK "Kết nối tri thức với cuộc sống" giảm 9,6%, giá bìa bộ SGK "Chân trời sáng tạo" giảm 11,2%.

Đối với SGK các lớp 5, 9, 12, tức những sách mới xuất bản năm đầu tiên, NXBGDVN đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản. Nhà xuất bản hiện chưa có giá cụ thể cho các bộ sách này.

Theo NXBGDVN, giá SGK các lớp đã được NXBGDVN hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định.

Ông Tùng cho biết thêm, việc giảm giá sách trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý xác định trách nhiệm của một doanh nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, NXB thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí để giảm giá SGK, hỗ trợ người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kiến nghị tại Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15-2023 ngày 18/9/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, NXBGDVN nên điều chỉnh giảm giá SGK năm nay.

"Có nhiều yếu tố cấu thành nên giá một bộ SGK, trong đó có 5 yếu tố quan trọng gồm: Chi phí tổ chức bản thảo; nhuận bút; Chi phí sản xuất gồm giấy và công in; Các chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành); Chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay)", ông Tùng cho hay.

Cũng theo ông Tùng, trong những chi phí mà NXBGDVN đã rà soát tiết giảm để giảm giá sách ở 2 khoản mục quan trọng gồm: Chi phí tổ chức bản thảo và chi phí lưu thông.

Điều chỉnh giá sách giáo khoa, giảm cao nhất 11,2% - 2

NXB Giáo dục Việt Nam đã cắt giảm chi phí ở 2 hạng mục để giảm giá sách giáo khoa (Ảnh: M. Hà).

Về chi phí tổ chức bản thảo, NXBGDVN đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế cho thấy, sản lượng này lớn hơn so với sản lượng dự kiến, do đó chi phí này phân bổ trên từng bản sách giảm xuống.

Thứ hai là chi phí khâu lưu thông tiếp tục được NXBGDVN tiết giảm, theo đó việc tiết giảm chi phí phát hành và bán hàng đã giúp giảm được 2,5% giá bìa để có thể giảm giá sách. 

Trả lời PV Dân trí về việc vì sao trước đó, NXBGDVN cho biết, năm 2024, giá SGK giảm cao nhất 24%, đại diện NXB cho biết, con số này đưa ra trên giá của từng cuốn sách và tính giá của cuốn giảm cao nhất. Còn tỷ lệ giảm 11,2% là giá giảm sau khi đã tính toán trên cả bộ SGK, đây là con số cuối cùng. 

Báo cáo cho thấy từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành.

Dù nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn, giá sách giáo khoa mới cao hơn 2-4 lần so với sách cũ. Bên cạnh đó là tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo khiến chi phí tăng.

Nội dung này được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, liên quan kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông năm ngoái. 

Mới đây nhất, Chính phủ Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá SGK; sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn SGK; thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.