Điểm chung của những thủ khoa nghèo
(Dân trí) - Nhiều thủ khoa nghèo khi chia sẻ về thành tích của mình đều nói đó là kết quả của bố mẹ. Nếu chỉ nghe có thể thấy các em hơi công thức nhưng nếu biết tường tận những việc bố mẹ các em làm sẽ hiểu lời các em nói.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1773/Chan-dung-thu-khoa-DH-CD-2011.htm'><b> >> Chân dung thủ khoa ĐH, CĐ 2011</b></a>
Không ít thủ khoa sinh ra trong những gia đình nghèo, không có nhiều điều kiện cho việc học nhưng lại giành được các kết quả rất tốt. Trong khi đó, không ít ông bố bà mẹ than vãn rằng con mình được “trang bị tận răng” cho việc học mà vẫn kém.
Nhiều thủ khoa đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học sinh ra trong những gia đình không có nhiều điều kiện cho việc ăn học, có em vừa học còn vừa phải lao động để kiếm tiền. Khi biết hoàn cảnh của các thủ khoa này, không ít người phải thốt lên sự thán phục. Trong điều kiện sống còn thiếu thốn, chưa nói đến điều kiện để học tập nhưng các em vẫn có thể phát huy hết khả năng của mình.
Phụ huynh lai kinh ứng thí cùng con trong kỳ thi đại học 2011.
Có nhiều yếu tố tác động đến lực học của mỗi học sinh nhưng các thủ khoa, học sinh giỏi, kể cả những em gia đình khá giả có một điểm chung là các em có được môi trường học tập tốt dù gia đình có điều kiện hay không. Môi trường học tập trong gia đình có thể nói là một trong những yếu tố quyết định đến đam mê học tập của các em.
Thủ khoa ĐH Ngoại thương với tổng điểm 29 - em Nguyễn Duy Hải là con một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Hàng ngày ngoài việc học, Hải còn dành thời gian để giúp bố mẹ việc nhà, đồng áng. Học để thoát nghèo là động lực của Hải nhưng để động lực đó có thể đạt được kết quả thì Hải khẳng định rằng đều nhờ bố mẹ. Hải kể, bố mẹ em không phải là những người học nhiều nhưng từ khi chị em Hải còn nhỏ, sau những giờ làm đồng áng mệt nhọc, thay vì nghỉ ngơi, họ lại ngồi để nghe con đọc sách, làm toán. Với vốn liếng chữ nghĩa có hạn của mình nhưng họ không ngại ngần cùng trao đổi, thảo luận với con.
“Chính từ hành động đó của bố mẹ, chúng em nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Hơn nữa, điều đó tạo được hứng thú trong học tập cho chị em trong nhà và việc học tự nhiên trở thành một đam mê với mình ngay từ nhỏ”, Hải cho hay.
Lập cú đúp thủ khoa hai trường đại học tốp đầu là ĐH Ngoại thương cơ sở 2 và ĐH Y dược TPHCM, thần tượng của em Lê Minh Khiết, quê Quảng Ngãi lại chính là bố - một người nông dân có thêm tay nghề về thú y. Gia đình có đến 5 người con, bố mẹ Khiết mang gánh nặng kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngoài công việc đồng áng, người mẹ mở thêm cửa hàng tạp hóa, còn ông bố cũng kiêm nghề thú y, những tưởng họ sẽ chẳng còn thời gian để biết con cái học hành thế nào.
Ít ai biết, ngay từ với đứa con đầu, mỗi tối chú Lê Kỳ, bố của em Khiết, đã thường ngồi kể cho con nghe về những câu chuyện về các danh nhân trong lịch sử, các tấm gương hiếu học. Cuối tuần, ông có thói quen chở con ra thị trấn đến các nhà sách, thư viện. Ông còn dành những đồng tiền mua gạo của ngày hôm sau để mua sách cho con. Những hành động giản dị đó tác động rất sâu sắc đến từng đứa con, nên không bao giờ vợ chồng ông phải lớn tiếng, quát tháo nhắc nhở con học hành. 5 anh chị em Khiết đều đỗ đạt vào các trường có tiếng.
Lúc con còn nhỏ, vợ chồng chú Lê Kỳ (bố thủ khoa Lê Minh Khiết) thường xuyên chở con đến nhà sách. (Ảnh: Hồng Long)
Anh trai của Khiết, thầy Lê Minh Khôi, giáo viên tại Trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) cho hay, bố mẹ bận việc như vậy nhưng chưa bỏ một buổi họp phụ huynh của người con nào, kể cả khi đã lớn tuổi. Họ quan tâm đến thầy cô, bạn bè của con mình không chỉ để nắm bắt được tình hình học tập của con mà tất cả công việc đó tạo cho anh em trong nhà được cọ xát, tiếp xúc cũng như thấy được vai trò của việc học và mong muốn của bố mẹ.
Ngoài thủ khoa thì bố mẹ các em cũng là một “tấm gương” cho nhiều người. Hàng ngày họ cũng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, họ cũng không có nhiều thời gian… nhưng không vì thế mà họ đặt việc học của con sang một bên. Họ có thể không có tiền để con được theo học ở những nơi tốt nhất, không thể cho con đi học thêm, không thể trang bị cho con những phương tiện học tấp tốt nhất nhưng họ lại giúp con khắc phục những khó khăn đó, giúp con tìm được đam mê trong việc học để đạt được kết quả tốt nhất.
Còn nhớ năm 2008, em Chu Thị Kim Liên (quê Hưng Yên) - thủ khoa với số điểm tuyệt đối 30/30 mồ côi bố, mẹ phải đi phụ hồ kiếm từng đồng lẻ nuôi hai đứa con. Cô Nguyễn Thị Lục, mẹ em chỉ biết đọc chữ nhưng lại nghĩ ra rất nhiều cách để khuyến khích con học. Khi chị em Liên còn nhỏ, tối nào cô Lục cũng dành ra vài chục phút thi làm toán, đọc chữa với con, đến phép chia là cô chịu nhưng vẫn thi thố nên hai con lúc nào cũng hào hứng với việc học. Không có tiền, cô Lục còn đi mượn sách, tài liệu cho con học.
Nhìn vào những việc làm của người mẹ này lại không thể không liên tưởng đến nhiều ông bố bà mẹ sắm cho con những dụng cụ học tập đắt tiền nhất, cho con học ở những lớp học cao cấp... mà vẫn luôn than thở con mình học kém, học không tốt. Bởi có thể họ không biết rằng những dụng cụ, những lớp học thêm “ngốn” rất nhiều tiền chưa hẳn đã giúp con mình thêm thích thú trong việc học. Hoặc cũng có thể họ không biết con làm gì trong phòng học đầy đủ tiện nghi, làm những với những cuốn tập, chiếc bút đắt tiền. Thậm chí có những ông bà mẹ không biết tên cô giáo của con, không biết bạn bè của con, không một lần đến lớp họp phụ huynh với con mà chỉ liên tục ép con “học đi, học đi” mà vẫn mong muốn con mình học tốt.
Hoài Nam