Điểm chuẩn ngành "hot" Logistics biến động thế nào qua các năm?

Quang Trường

(Dân trí) - Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một trong những ngành "hot" và khan hiếm nhân lực. Trong những năm gần đây, điểm chuẩn của ngành này luôn thuộc nhóm cao.

Trong vài năm trở lại đây, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành mới nổi nhưng đáp ứng rất tốt nhu cầu phát triển của xã hội. Ngày càng nhiều thí sinh quan tâm, các trường đại học top đầu bắt đầu tuyển sinh ngành học này.

Hiện nay có khoảng 30 trường đại học đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Trước năm 2016, dường như không có trường đại học nào tuyển sinh ngành này. Theo điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành này chủ yếu xét tuyển ở các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh),…

Trước năm 2020, chưa nhiều trường đại học đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hoặc đây chỉ là một mảng thuộc một số ngành học; điểm chuẩn còn lên xuống thất thường.

Ngay từ giai đoạn đầu mở ngành đào tạo, một số trường đã lấy điểm khá cao. Năm 2017, trường Đại học Bách Khoa - ĐH Quốc gia TPHCM lấy cao nhất với 25,75 điểm, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lấy 24,5 điểm, trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM lấy 24,25 điểm, trung bình hơn 8 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Tuy nhiên, ngay năm sau, điểm chuẩn ngành này của các trường giảm từ 3 - 4 điểm rồi lại tăng 2 - 3 điểm trong năm 2019.

Từ năm 2020 trở đi, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng dần xuất hiện độc lập trong chương trình đào tạo của nhiều trường, điểm chuẩn tăng vọt và đạt các kỷ lục.

Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào ngành này của trường Đại học Ngoại thương đạt mức kỷ lục là 28,8 điểm; một số trường khác cũng lấy điểm cao ngất ngưởng là trường Đại học Kinh tế quốc dân với 28,3 điểm, trường Đại học Thương mại và trường Đại học Kinh tế TPHCM với 27,4 điểm, trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM với 27,1 điểm.

Như vậy, nếu chưa cộng điểm ưu tiên, mỗi thí sinh phải đạt trên dưới 9 điểm mỗi môn trong tổ hợp 3 môn xét tuyển (kết quả thi tốt nghiệp THPT) mới có thể trúng tuyển.

Điểm chuẩn ngành hot Logistics biến động thế nào qua các năm? - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Trước đó, trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Bích Phương, Country Manager spinUp Vietnam cho rằng, nhu cầu của ngành Logistics là không thể chối cãi. Việt Nam có hơn 80% sinh viên học ngành Giao thông vận tải hay Logistics ra có việc làm ngay. Nhưng điều này chưa phản ánh được đòi hỏi của thị trường thế giới nói chung.

"Tại sao ngành Logistics trở nên hot và khan hiếm nhân sự đến thế? Bởi vì nhu cầu của người làm quản trị Logistics dù ở mắt xích nào của toàn bộ chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu đều đang tăng lên do Internet, do hạ tầng các dịch vụ Logistics phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là do thương mại điện tử kỹ thuật số.

Bây giờ chúng ta ngồi ở Hà Nội mà có thể đặt hàng từ Amazon hay từ Alibaba về đến Việt Nam, đôi khi chỉ trong 2 ngày chứ không còn là 7 ngày như trước", bà Phương nói.

Bà Phương đánh giá, nền kinh tế đã tiết kiệm được rất nhiều tiền nhờ tiết kiệm được thời gian, nguồn lực, nhờ có công nghệ, tự động hóa và dữ liệu,... toàn bộ giai đoạn tiết kiệm từ 7 ngày xuống 2 ngày và không còn biên giới lãnh thổ nữa, tất cả nhờ có sự vận hành phía sau cánh gà của ngành Supply chain (Quản lý chuỗi cung ứng). Đó là ngành cực kỳ hay mà Logistics chỉ là một phần của Quản lý chuỗi cung ứng.

Bà Phương cũng cho rằng, trong thời gian tới các trường đại học có thể nâng cấp chương trình đào tạo Logistics thành Quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cánh cửa tuyệt vời cho sinh viên Việt Nam, đặc biệt là những sinh viên có tiếng Anh tốt trở thành những nhân sự cực kỳ quan trọng trong mắt xích đó của thế giới, cơ hội là rất nhiều.

Ông Vũ Tất Thành - Chuyên gia Công nghệ nhận xét, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một trong ba ngành nghề (Công nghệ thông tin, Tài chính và Logistics) phát triển rất rộng trong tương lai, giúp thay đổi đáng kể cách thức con người sử dụng các dịch vụ. Ngành này càng ngày càng quan trọng khi thương mại điện tử phát triển.

"Tôi đọc nhiều tài liệu về các ngành như Logistics thì giờ họ đã sử dụng thuật ngữ Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho riêng ngành của họ, ví dụ Logistics 4.0 hay Supply chain 4.0", ông Thành cho biết.

Dưới đây là biểu đồ thể hiện sự biến động của điểm trúng tuyển ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trong 6 năm qua của 10 trường lấy điểm ngành này cao nhất (độc giả tương tác với biểu đồ để thấy đầy đủ thông tin).