Điểm chuẩn khối A sẽ như thế nào?

(Dân trí) - Ngay sau khi kết thúc kì thi tuyển sinh ĐH khối A, nhiều thí sinh cho rằng với mức độ đề thi tương đối khó thì chắc chắn điểm chuẩn khối A sẽ giảm so với năm 2008.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên thì đề thi khối A năm nay chỉ có một số câu hỏi thực sự khó nhằm để phân loại thí sinh (TS). Mức độ thực sự khó của đề thi chỉ chiếm khoảng 20% còn lại những TS có học lực khá trở lên có thể làm được ít nhất là 80%, học lực dưới khá là từ 30-50%.

Như vậy, có thể khẳng định năm 2009, số TS đạt điểm tuyệt đối ở kì thi tuyển sinh khối A có thể sẽ không bằng so với năm 2008 nhưng vùng phổ điểm từ trung bình trở lên sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
 
Điểm chuẩn khối A sẽ như thế nào?  - 1
Thí sinh TPHCM bàn luận về đề Vật lý (Ảnh: VPMN)

Qua thực tế nhiều năm tuyển sinh cho thấy, điểm chuẩn khối A thường chia thành 3 phân vùng rõ nét: Vùng có điểm chuẩn ở mức từ 20 điểm trở lên dành cho khối các trường top trên; Vùng có mức điểm chuẩn trên sàn cho đến dưới 20 điểm dành cho các trường top giữa; Vùng có mức điểm chuẩn cận sàn dành cho các trường ĐH top dưới cụ thể là các trường tư thục, các trường ĐH mới thành lập…

Dựa trên phân vùng này chúng ta sẽ phân tích đánh giá mức điểm chuẩn năm 2009 dành cho 3 đối tượng tương ứng. Tuy nhiên trước mắt cần phải có nhận định về điểm sàn khối A.

Sàn khối A sẽ ở mức bao nhiêu?

Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì có 5 nguyên tắc xác định điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh. Nguyên tắc thứ nhất là dựa vào kết quả thi của TS. Nguyên tắc thứ hai là dựa vào tổng chỉ tiêu mà Nhà nước giao cho ngành. Nguyên tắc thứ ba là chính sách ưu tiên trong tuyển sinh là đối tượng và khu vực ưu tiên. Nguyên tắc thứ tư là cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội và loại hình trường. Nguyên tắc thứ năm là đảm bảo tính tự chủ của các trường trong công tác tuyển sinh để chủ động trong công tác xét tuyển và đảm bảo chất lượng đầu vào.

Khi xây dựng phương án điểm sàn để trình Hội đồng xét duyệt điểm sàn thì phải tính toán được hệ số luân chuyển để làm sao các trường đảm bảo được 5 nguyên tắc trên và các trường căn cứ vào điểm sàn như vậy tuyển đủ chỉ tiêu được giao và đảm bảo được chất lượng đầu vào.

Với tính toán như vậy, Bộ xác định mức điểm sàn để đảm bảo nguồn tuyển trung bình cả 4 khối A, B, C, D khoảng 200% (tức sẽ có khoảng 40% TS đủ điểm sàn). Tuy nhiên sẽ có sự “du di” của 4 khối.

Do khối A là khối thi có nhiều thí sinh dự thi nhất và vùng phổ điểm thường ở mức tương đối cao nên hệ số luân chuyển sẽ ít hơn so với các khối khác.

Chính vì thế nếu chất lượng mặt bằng điểm thi toàn khối A tăng hoặc giảm ở phạm vi hẹp thì chắc chắn điểm sàn sẽ không có sự biến đổi nhiều.

Với mức độ tương đồng như năm 2008 thì nhiều chuyên gia nhận định điểm sàn khối A hệ ĐH năm nay có thể sẽ ổn định ở mức 13 điểm.

Top trên ổn định

Qua các mùa tuyển sinh cho thấy, khối các trường top trên luôn có chất lượng thí sinh ổn định nhất. Chính vì thế dù mức độ đề thi như thế nào thì khối các trường này luôn có điểm chuẩn biến động rất ít.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì vùng phổ điểm khối A năm nay dành cho các trường top trên sẽ không có sự thay đổi nhiều nên chắc chắn mức điểm chuẩn theo khối sẽ ổn định.

Đối với các trường lấy điểm chuẩn theo ngành thì sẽ có sự dao động nhỏ bỡi nhẽ với mức độ của đề thi năm nay có thể sẽ làm cho phổ điểm trung bình các môn trên 8 giảm đi rất nhiều mà thay vào đó số lượng vùng phổ biến trung bình ở mức 7-8 sẽ tăng lên. Chính điều này sẽ làm cho điểm chuẩn một số ngành “hót” sẽ có xu hướng giảm so với năm 2008.

Top giữa chỉ biến động nhẹ

Đặc điểm của khối các trường top giữa là nơi tập trung chất lượng thí sinh không ổn định. Thông thường các thí sinh có học lực nằm giao giữa trung bình và khá đều chủ yếu đầu đơn vào khối các trường này.

Chính vì chất lượng đầu vào thí sinh như vậy nên chỉ cần một yếu tố nhỏ về đề thi (dễ, khó) sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ mặt bằng phổ điểm chung. Vì vậy mà điểm chuẩn thường thay đổi theo chiều hướng biến động rõ nét hơn

Tuân theo quy luật này thì nhiều thí sinh sẽ cho rằng điểm chuẩn khối A các trường top giữa sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên có một yếu tố mà ít người để ý đến đó là do năm 2009 số lượng hồ sơ ĐKDT khối các trường top trên giảm do thí sinh đã biết lượng sức mình. Chính vì sự giảm đó nên rất có khả năng một phần lớn thí sinh có chất lượng cao hơn năm 2008 đã đăng ký dự thi vào khối các trường top giữa.

Chính sự thay đổi đột biến này sẽ kéo mặt bằng phổ điểm khối A dành cho trường top giữa sẽ được cải thiện đáng kể. Sự cải thiện này có thể sẽ san lấp phần nào sự giảm sút do độ khó của đề thi. Do nguyên nhân này nên rất khó để kéo mức điểm chuẩn của khối trường này giảm xuống ở phạm vi thấp hơn năm 2008 nhiều.

Theo nhận định của nhiều trường ĐH top giữa thì chắc chắn điểm chuẩn năm 2009 sẽ biến động. Nhưng sự biến động này chỉ tập trung vào một số ngành nghề được coi là “hot” (tăng 1-1,5 điểm). Còn các ngành nghề khác sẽ tiếp tục duy trì ổn định hoặc thấp hơn chút ít (khoảng 0,5-1 điểm).

Top dưới sẽ cận sàn

Đặc điểm của khối các trường top dưới là khó tuyển đủ chỉ tiêu nên mức điểm chuẩn luôn ở mức thấp. Thực tế các năm tuyển sinh vừa qua cho thấy mức điểm chuẩn của các trường này chỉ ở mức ngang sàn. Tuy nhiên, năm 2008 một số trường đã tạo ra bước đột biến mới để nâng cao chất lượng đầu vào.

Giải pháp của năm 2008 của khối các trường top dưới đó là giành nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV2, NV3 và giảm chỉ tiêu xét tuyển NV1. Cách làm này đã đẩy điểm chuẩn của khối trường này cao hơn mức điểm sàn của Bộ chút ít. Song cách làm này cũng chỉ có thể làm điểm chuẩn “vênh” lên với sàn tối đa khoảng 2 điểm bởi các trường cũng rất sợ “mạo hiểm”. Nếu mức điểm chuẩn NV1 cao hơn sàn quá nhiều sẽ làm cho công tác tuyển sinh NV2, NV3 gặp nhiều khó khăn.

Nguyễn Hùng