Đi tìm động lực học tốt

Hơn 15 triệu học sinh phổ thông cả nước đã chính thức bước vào năm học mới ngay sau lễ khai giảng rộn ràng. Ở đó gửi gắm rất nhiều kỳ vọng, những dặn dò, định hướng cho một năm học mới đổi mới căn bản toàn diện.

Sẽ tăng cường giáo dục trải nghiệm và sáng tạo, đổi mới thi cử, tăng khả năng vận dụng kiến thức giải quyết thực tiễn… Ở đó cũng có nhiều học sinh hứa hẹn sẽ học tốt để xứng đáng với truyền thống nhà trường, để bố mẹ vui lòng…

Tuy nhiên đâu là động lực lớn lao để học sinh học tốt, câu hỏi "học để làm gì”, dường như vẫn chưa được thầy và trò cũng như các vị phụ huynh quan tâm, tìm ra câu trả lời chính xác và mới mẻ trước thềm năm học mới đang có lắm cải cách này. 

Bạn đã từng đặt câu hỏi Học để làm gì”?
Bạn đã từng đặt câu hỏi "Học để làm gì”?

"Khi câu hỏi học để làm gì không được trả lời thì tính hướng đích của hệ thống sẽ không rõ ràng” - TS Giáp Văn Dương nhìn nhận. Hoạt động của hệ thống giáo dục sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Cải tiến, cải lùi, rồi lại cải tiến, rồi chạy lại vòng vòng, như mấy chục năm qua, là kết quả có thể dự đoán trước.

Thật vậy, có lẽ trách nhiệm khó khăn nhất mà ngành GD-ĐT đang đảm nhận từ năm học 2014 - 2015 này, năm học tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn việc triển khai Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, là làm sao giải quyết được những tiêu cực tồn tại, kể cả những tiêu cực không dễ nhận chân, như việc cần "xóa tan” mọi động cơ học tập cũ kỹ sai lầm mà không tạo ra sự hẫng hụt, hoang mang cho người học, người dạy và cho cả xã hội. 

Thực hiện điều này cũng là để không ai còn mơ hồ về động cơ học tập, tức đừng học vì khát vọng của người khác áp đặt và cũng đừng quẩn quanh vì thành tích điểm số, vì bằng cấp hư danh. TS Giáp Văn Dương mới đây đặt câu hỏi "bạn hiểu thế nào về học để làm người?”, khi mong rằng hệ thống giáo dục sẽ thay đổi từ "Học cái gì” sang "Học thế nào”, mà lý tưởng nhất là chuyển hẳn sang "Học để làm gì?”.

Hệ thống giáo dục hiện thời đặt trọng tâm vào "Học cái gì” nên sách giáo khoa chiếm vị trí trung tâm trong dạy và học. Cũng vì việc lấy "Học cái gì” làm trọng tâm mà hệ quả tất yếu là học để thi, bệnh thành tích là hệ quả tất yếu rất khó chữa được. Cứ thế, tất cả đều quay cuồng đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi "Học để làm gì”. Có đến hơn 95% số người được hỏi cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho mình. Và, câu trả lời của họ thường là học để thi, vì bố mẹ bảo học, vì không biết làm gì khác. Học vì tất cả mọi người đều như vậy, như một quán tính, hết cấp 1 thì lên cấp 2, lên cấp 3, rồi vào ĐH.

Thanh toán những định kiến hằn sâu trong quá khứ kiểu đó, học mà không biết học để làm gì, luôn là một thách thức rất lớn, không chỉ với ngành giáo dục, những nhà quản lý và đội ngũ giáo viên, mà với cả nhiều bậc cha mẹ học sinh.

Điều đó có thể thấy rõ khi ở buổi khai trường vừa diễn ra, có nữ hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội coi động lực của năm học mới này, là "thầy và trò quyết tâm xây dựng ngôi trường đạt chuẩn quốc gia vào đầu 2015, trở thành trường tiên tiến xuất sắc cấp thành phố. Riêng với học sinh khối 9, trường phấn đấu để các em cập bến được vào các trường cấp 3 mà học sinh và phụ huynh mong muốn”. Còn một thủ khoa trường chuyên hứa trong ngày khai giảng, sẽ "cố gắng học tập thật tốt, chăm chỉ để xứng đáng với truyền thống của trường”, "cố gắng học thật giỏi để cha mẹ vui lòng”…

Ngay cả lãnh đạo nhiều địa phương dự khai giảng cũng chỉ nhấn mạnh tới động cơ cần xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại; thực sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, mà ít chịu cắt nghĩa các thành viên trong ngôi trường đó cần một tư duy tiên tiến, một động lực học tập hiện đại ra sao trong xu thế hội nhập toàn cầu. 

Cùng sống và trò chuyện với học trò, với con cái thường xuyên, mới có thể cảm thấy một nỗi buồn khi thấy dường như trẻ con đang đánh mất động lực học tập trong trẻo ngay từ ngày đầu tiên đi học, vì những áp lực học tập quá sức chúng đang phải tiếp xúc hằng ngày và nhất là "Học để làm gì” đang có quá nhiều đáp án rối tung, mâu thuẫn. 

Trong một năm học đổi mới căn bản toàn diện mà chỉ nhắc đi nhắc lại mục tiêu giáo dục tri thức, đạo đức với giáo dục thể chất, giáo dục truyền thống văn hóa, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống… là điều không hề mới, nhất là khi UNESCO đã đưa ra câu trả lời: Học để biết, Học để làm, Học khẳng định mình và Học để chung sống với người khác. 

Nhưng ngay cả với nhận định sáng suốt cần được phổ biến này của UNESCO, TS Dương cũng cho rằng: "Đây không phải là câu trả lời duy nhất”. Mỗi người vẫn phải tự tìm ra cho chính mình câu trả lời cụ thể, tâm niệm bản thân để có được động lực học tập riêng. 

Vào ngày khai trường mới đây, PGS Văn Như Cương - có lẽ là vị hiệu trưởng hiếm hoi - chỉ ra, truyền cảm hứng được cho học sinh của mình về động lực học tập. Ông nói: "Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Trên một bình diện khác, trong năm học mới này Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, bỏ chấm điểm thường xuyên mà khuyến khích đánh giá sự rèn luyện, phát huy khả năng của các em trong lớp, trong trường, với đời sống xung quanh. Có thể thấy cách tiếp cận vấn đề học không vì điểm số của nhà trường gần với khái niệm "Học để biết, để làm, và khẳng định mình”, trái ngược với khái niệm học kiểu trả bài nhai lại, học vì điểm số, vì thành tích chớp lóe!

Hóa ra không chỉ những chuyện tiêu cực ở trường học liên quan tới cơm áo gạo tiền mới làm hỏng môi trường giáo dục lành mạnh lâu nay, khiến những thành viên ở đó hoang mang, không học hành đến nơi đến chốn. Nói như TS Dương, với một cá nhân, muốn việc học có hiệu quả thì phải trả lời bằng được câu hỏi "Học để làm gì?”. Với một hệ thống giáo dục, muốn cải cách thành công thì câu hỏi này cũng phải được bàn thảo một cách thấu đáo.

Phương châm tận tâm chỉ dạy cho người học ý thức "Học để làm gì?”, lấy điều này làm trọng tâm của cả hệ thống, sẽ tất yếu có đáp án cho câu hỏi "Học cái gì, học thế nào”. Một nền giáo dục đổi mới chỉ thực sự mới khi làm sáng lên những động cơ học tập trong sáng và thiết thân, thiết thực. 

Theo Thanh Như
Đại Đoàn Kết

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm