ĐH Quốc gia Hà Nội chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc từ ngày 19/5
(Dân trí) - Ngày 19/5, ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức chuyển trụ sở làm việc tại Hòa Lạc. Vào tháng 9 tới đây, sẽ đón các em sinh viên lên sống và học tập tại Hòa Lạc.
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Lê Quân cho biết, ngày 19/05/2022, nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là dấu ấn đặc biệt của ĐHQGHN khi toàn bộ Cơ quan chuyển trụ sở chính tới Hòa Lạc.
Để có được mốc son trọng đại này, trong vòng 6 tháng qua, toàn thể ĐHQGHN đã chung sức, đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực về Hòa Lạc, để chứng kiến những sự thay đổi hết sức nhanh chóng và vượt xa kỳ vọng.
Trước đó, cuối năm 2021, ĐHQGHN thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác triển khai nhiệm vụ đưa sinh viên của ĐHQGHN lên học tập tại cơ sở Hòa Lạc.
Trong Quý I và Quý II năm 2022, ĐHQGHN đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm,… tại hai tổ hợp HT1, HT2 và Khu Ký túc xá Zone 4, Thư viện và khu vực điều hành ĐHQGHN. Ban Giám đốc ĐHQGHN đã chuyển lên làm việc thường trực tại trụ sở Hòa Lạc từ tháng 3/ 2022.
Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình tiện ích thiết yếu phục vụ hoạt động học tập và làm việc của sinh viên, giảng viên cũng như phục vụ cộng đồng trong thời gian sắp tới, ĐHQGHN và các đối tác đã tích cực trồng thêm cây xanh tại đây, nhằm thực hiện phủ xanh 165 hecta.
ĐH Quốc gia Hà Nội kỳ vọng trở thành khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á
Kế thừa truyền thống học thuật hiện đại của Đại học Đông Dương (1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (1945), Trường Khoa học Cơ bản (1951), Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1956), ĐHQGHN được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ.
Với tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó luôn đau đáu về việc thành lập và tập trung đầu tư cho hai đại học quốc gia để Việt Nam sớm có các đại học đẳng cấp thế giới. Đích thân cố Thủ tướng đã chọn vị trí cuối Đại lộ Thăng Long ở Thạch Thất, Hà Nội, là nơi giao thoa, điểm nối trung tâm Thủ đô Hà Nội và Hòa Lạc làm địa điểm xây dựng ĐHQGHN.
Ngày 20/12/2003, Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã chính thức khởi công với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Từ đó đến nay, trải qua một chặng đường dài xây dựng và phát triển, ĐHQGHN được kỳ vọng trở thành khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á, "có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với ĐHQGHN mà còn là diện mạo của cả nước" - như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại ĐHQGHN năm 2016, khi ông đang giữ cương vị Thủ tướng.
Tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban lãnh đạo ĐHQGHN, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với tư duy, cách làm mới.
Thủ tướng yêu cầu triển khai dự án theo hướng khu đô thị đại học quốc gia, việc xây dựng có thể phân kỳ nhưng quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn. Thủ tướng gợi ý mô hình "5 trong 1" trong khu đô thị đại học này: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
Giám đốc Lê Quân cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, ĐHQGHN đã tập trung toàn lực vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa 15.000 sinh viên lên học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Điều này phù hợp với chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TP. HCM đang có trụ sở tại các quận trung tâm ra ngoại thành để giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và những ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, chỉ trong vòng 6 tháng, ĐHQGHN đã có một bước chuyển mình lịch sử khi hoàn thiện cơ bản tất cả các cơ sở vật chất như giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, Thư viện và khu vực điều hành ĐHQGHN.
Theo Giám đốc Lê Quân, với tinh thần quyết tâm, sự tập trung, tích cực và khẩn trương của tất cả các đơn vị, Nhà điều hành ĐHQGHN cùng không gian khuôn viên xung quanh đã được hoàn thiện, góp phần định hình rõ nét hơn bức tranh tổng thể các công trình để đón các em sinh viên lên sống và học tập tại Hòa Lạc vào tháng 9 năm nay.
Ngày 01 tháng 6 tới đây, Khối Cơ quan sẽ chính thức làm việc tại Nhà Điều hành ĐHQGHN, đánh dấu sự chuyển mình của toàn ĐHQGHN hướng tới một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, đời sống học thuật và quản trị đại học.
Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 65.000 học sinh, sinh viên; diện tích sử dụng đất sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu các dự án thành phần Đại học Quốc gia Hà Nội là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha.
Tổ hợp 2 tòa nhà thuộc Dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã bước vào giai đoạn hoàn thiện hạ tầng dùng chung, HT1 đã hoàn thành với quy mô 15.000m2 sàn xây dựng, HT2 đang triển khai hoàn thiện nội thất với quy mô 20.000m2 sàn xây dựng.
Dự kiến đến quý II/2022, toàn bộ cụm công trình sẽ hoàn thành đáp ứng cho 4.000 sinh viên.
Tổ hợp tòa nhà HT1 cao 5 tầng với hơn 14 nghìn mét vuông sàn, với 3 giảng đường 120 chỗ, 18 phòng học chia đều các tầng từ 50 đến 80 chỗ, 10 phòng thí nghiệm, 90 phòng làm việc khác.
Tổ hợp tòa nhà HT2 cao 6 tầng, hơn 20 nghìn mét vuông diện tích sàn với 2 giảng đường 120 chỗ, 4 giảng đường 80 chỗ, 22 phòng thí nghiệm, 11 phòng học, khoảng 100 phòng làm việc với công năng khác nhau.
Cả 2 công trình HT1 và HT2 gần tương đương với diện tích của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hiện nay ở nội thành Hà Nội.