ĐH Hàng hải thực hiện xét tuyển kết hợp với thi tuyển vào năm 2015

(Dân trí) - Tuyển sinh năm 2015, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam dự kiến sẽ sử dụng phương án xét tuyển và kết hợp thi tuyển để phù hợp với từng loại hình đào tạo của nhà trường.

Tuyển sinh năm 2015, mỗi trường đại học sẽ có kế hoạch tuyển sinh riêng
Tuyển sinh năm 2015, mỗi trường đại học sẽ có kế hoạch tuyển sinh riêng.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Hàng Hải, hiện nay, có nhiều phương án tuyển sinh khác nhau đang được Bộ GD-ĐT đưa ra để xin ý kiến góp ý. Các phương án tuyển sinh của nhà trường phụ thuộc vào việc Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay 1 kỳ thi quốc gia từ năm 2015.

Nhà trường xây dựng 3 phương án theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp, cụ thể gồm:
 
Phương án 1: Trường hợp Bộ GD-ĐT giữ phương án tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung (gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi ĐH, CĐ). Trường Đại học Hàng hải Việt Nam sử dụng phương án xét tuyển (trường tham gia tổ chức kỳ thi quốc gia, sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia) và kết hợp thi tuyển (tổ chức các kỳ thi riêng) phù hợp với từng loại hình đào tạo.
 
Phương án 2: Trường hợp Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ. Trường ĐH Hàng hải Việt Nam sử dụng phương án sơ tuyển (dựa trên kết quả học tập 3 năm lớp 10, 11 và 12) và kiểm tra (tổ chức các kỳ thi riêng có tính đặc thù, phù hợp với từng loại hình đào tạo).
 

Phương án 3. Trường hợp Bộ GD&ĐT chỉ xét tốt nghiệp THPT và tiếp tục tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ theo hình thức 3 chung như hiện nay.

 
Lãnh đạo nhà trường cho biết, trong các phương án trên, Phương án 1 có tính bao trùm bởi nếu Nhà trường đảm bảo thực hiện đầy đủ Phương án 1 thì sẽ bao gồm cả 3 hình thức tổ chức: 1. Tổ chức kỳ thi quốc gia; 2 - Tổ chức các kỳ thi riêng; 3- Tổ chức xét tuyển theo kết quả điểm 3 năm THPT.  Các Phương án 2 và Phương án 3 chỉ liên quan đến một hoặc hai hình thức tổ chức ở trên của Phương án 1. Do vậy, trường ĐH Hàng Hải xây dựng Đề án chỉ tập trung vào Phương án 1.
 
Cụ thể: trường hợp Bộ GD-ĐT giữ phương án tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung, trường Đại học Hàng hải Việt Nam sử dụng phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển.

* Xét tuyển

Nhà trường triển khai đồng thời theo 03 tiêu chí xét tuyển khác nhau:

   + Tiêu chí 1: xét tuyển theo tổng điểm của 03 môn thi của Kỳ thi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với khối thi phù hợp cho từng ngành, chuyên ngành. Việc xét tuyển dựa trên việc chia các ngành/chuyên ngành được chia thành các Nhóm ngành:

 + Nhóm ngành Hàng hải (các ngành đi  biển, luật hàng hải);

+ Nhóm ngành Kỹ thuật & Công nghệ;

+ Nhóm ngành Kinh tế & Quản trị kinh doanh;

+ Nhóm ngành Ngôn ngữ.
 

- Mỗi Nhóm ngành sẽ có điểm sàn Nhóm ngành và điểm chuẩn từng chuyên ngành. Điểm sàn Nhóm và điểm chuẩn từng chuyên ngành được xác định dựa trên tổng số chỉ tiêu và tổng điểm thi của thí sinh (kể cả ưu tiên) theo nguyên tắc xếp từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu của Nhóm ngành hoặc chuyên ngành đó. Thí sinh đạt điểm sàn Nhóm ngành song không đạt điểm chuẩn chuyên ngành được xét chuyển sang các chuyên ngành trong cùng Nhóm mà còn thiếu so với chỉ tiêu.

* Đối tượng và thời gian áp dụng Tiêu chí 1:  áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy dài hạn từ năm 2015. Mỗi năm xét tuyển 1 đợt (kéo dài từ tháng 7 - tháng 9). Một số loại hình đào tạo đặc biệt như Chương trình tiên tiến, Lớp đại học chất lượng cao, Lớp chọn sẽ bổ sung thêm phần đăng ký vào các chương trình trên sau khi trúng tuyển, hoặc có bổ sung việc kiểm tra Tiếng Anh theo quy định riêng của nhà trường từng năm.

+ Tiêu chí 2: xét tuyển theo kết quả học tập 3 năm lớp 10, 11 và 12 và kết quả điểm trung bình của 3 môn thuộc khối xét tuyển đại học (A, A1), cụ thể bao gồm:

 Học lực xếp loại Khá trở lên 03 năm lớp 10, 11, 12;

 Có kết quả các môn Toán, Lý, Hóa hoặc Toán, Lý, Tiếng Anh đạt trung bình 03 năm (lớp 10, 11, 12) đạt từ 6.5 trở lên (cho hệ ĐH), từ 5.5 trở lên (cho hệ CĐ);

 Hạnh kiểm xếp loại Tốt;

Sức khỏe tốt.

* Đối tượng và phạm vi áp dụng Tiêu chí 2: trước mắt, trong năm 2015 dành 25% chỉ tiêu Nhóm các ngành đi biển (ĐH và CĐ). Mỗi năm xét tuyển 1 đợt (kéo dài từ tháng 7 - tháng 9). Sau năm 2015, sẽ nghiên cứu phạm vi áp dụng Tiêu chí 2 đối với các ngành ĐH, CĐ phục vụ cho chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế biển, hải đảo.

+ Tiêu chí 3: sử dụng phương thức ghi danh xét tuyển: thí sinh đạt điều kiện tốt nghiệp THPT được ghi danh vào học. Nhà trường thực hiện sàng lọc trong quá trình đào tạo tại Trường, đảm bảo số lượng sinh viên tốt nghiệp theo đúng chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao hàng năm.

* Đối tượng và phạm vi áp dụng Tiêu chí 3: áp dụng cho toàn bộ bậc ĐH, CĐ hệ Vừa làm vừa học từ năm 2015 (kể cả dài hạn vừa làm vừa học và liên thông vừa làm vừa học). Mỗi năm thực hiện ghi danh xét tuyển 2 đợt vào tháng 4 và tháng 10.

Thi tuyển 2 môn

Nhà trường tổ chức các kỳ thi riêng gồm 02 môn thi: Cơ sở ngànhChuyên ngành (hoặc các môn thi phù hợp khác tùy theo ngành và loại hình). Đối tượng đầu vào là học sinh đã tốt nghiệp THPT đối với bậc Đại học, đã tốt nghiệp Đại học chuyên  ngành phù hợp đối với bậc Sau đại học (Cao học và Nghiên cứu sinh).

* Đối tượng và phạm vi áp dụng hình thức thi tuyển: áp dụng cho tuyển sinh Sau đại học, tuyển sinh loại hình liên thông chính quy (Trung cấp, Trung cấp Nghề – Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng nghề - Đại học). Mỗi năm tổ chức thi 02 đợt vào tháng 4 và tháng 10.

Lịch tuyển sinh của trường: có thể nêu khái quát lịch cho từng loại hình như sau:

            + Bậc Sau đại học: thi tuyển riêng 2 đợt/năm (tháng 4 và tháng 10).

+ ĐH, CĐ chính quy, dài hạn: xét tuyển 1 đợt/năm (từ tháng 7 - tháng 9);

               (Lịch này có thể thay đổi tùy theo lịch của Kỳ thi quốc gia chung)

            + Liên thông ĐH chính quy: thi tuyển riêng 2 đợt/năm (tháng 4 và tháng 10);

            + ĐH hệ vừa làm vừa học: ghi danh xét tuyển 2 đợt/năm (tháng 4 và tháng 10);

Về phương thức đăng ký của thí sinh: Triển khai đăng ký qua mạng, gửi hồ sơ qua đường bưu điện (hoặc trực tiếp tại trường) để giảm thiểu thời gian đi lại, chi phí của thí sinh.

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh: theo đúng quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Lệ phí tuyển sinh: thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Theo lãnh đạo nhà trường, khi thực hiện phương án trên, các hiện tượng tiêu cực có thể phát sinh như dễ tái diễn việc ôn luyện thi như đã diễn ra từ trước năm 2002; Tiêu cực trong chấm thi, xét tuyển. Tuy nhiên, nhà trường đưa ra giải pháp chống tiêu cực là sử dụng đề của Bộ GD-ĐT hoặc từ Trung tâm Khảo thí quốc gia (trong tương lai); Xây dựng các quy trình tổ chức và quản lý khách quan nhằm hạn chế tối đa tiêu cực trọng các khâu của quá trình tuyển sinh.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

 
Hồng Hạnh
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm