ĐH FPT tuyển không đủ chỉ tiêu?
(Dân trí) - Trường ĐH FPT vừa thông báo tuyển sinh đợt tiếp theo ngày 16/9 cho chuyên ngành Kỹ nghệ phần mềm dạy bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Việc từ tháng 4 đến nay trường tổ chức liên tiếp 2 đợt thi dẫn đến một số thắc mắc: do không thu hút được thí sinh hay đây là một trong những chiến lược tuyển sinh và đào tạo?
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường.
Xin ông cho biết tại sao Trường ĐH FPT lại có đợt tuyển mới này? Phải chăng vì Trường ĐH FPT tuyển được ít sinh viên?
Các đợt tuyển sinh này nằm trong kế hoạch tuyển sinh 2007 của trường để có các khóa sinh viên mới nhập học vào đầu mỗi học kỳ. Việc tuyển sinh vào đầu mỗi học kỳ cũng là thông lệ của các trường đại học nước ngoài nhằm tạo cơ hội học tập tốt hơn cho thí sinh và đảm bảo cho tính liên tục của quá trình học tập cũng như sinh viên tốt nghiệp ra trường. Về cơ bản chúng tôi vẫn sử dụng kết quả thi đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức trong tháng 7 như một điều kiện cần để tuyển sinh. Các thí sinh cần có thêm điều kiện đủ là vượt qua kỳ thi sơ tuyển của trường ĐH FPT.
Theo kế hoạch, đến hết 2008 trường sẽ có 3000 sinh viên. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm nữa, trường ĐH FPT sẽ trở thành trường đại học lớn nhất Việt Nam về đào tạo CNTT nếu tính trên số sinh viên đại học chính quy.
Nhưng nếu xét về nhu cầu của thị trường thì số lượng sinh viên nêu trên đúng là vẫn quá ít. Riêng một mình Tập đoàn FPT trong năm 2007 đã có nhu cầu tuyển dụng 3000 kỹ sư CNTT. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 50% mỗi năm, đến năm 2010, khi lứa sinh viên đầu tiên ra trường, nhu cầu của riêng FPT đã là 10,000 kỹ sư CNTT / năm.
Hình thức tuyển sinh của trường như thế nào, thưa ông?
Muốn trở thành sinh viên của trường ĐH FPT, thí sinh bắt buộc phải qua một kỳ thi sơ tuyển để đánh giá đủ năng lực tư duy toán học và tư duy logic để có thể theo học. Mẫu và dạng đề thi chúng tôi đã công bố trên website của trường theo địa chỉ: http://www.fpt.edu.vn. Ngoài ra, thí sinh cần đảm bảo vượt chuẩn quốc gia (điểm sàn) trong kỳ thi đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Như vậy có quá rắc rối đối với học sinh không?
Kỳ thi này nhằm tuyển chọn được sinh viên tốt cho trường, đồng thời cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Những ai không đủ khả năng theo học ngành này, chúng tôi khuyên không nên cố theo đuổi làm gì.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phải dựa trên các điều kiện như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Nếu tuyển nhiều sinh viên như vậy, liệu điều kiện của trường có đáp ứng nổi?
Tiêu chí của chúng tôi là không thỏa hiệp với vấn đề chất lượng vì chúng tôi đang phải đặt cược uy tín và sự phát triển trong tương lai của Trường và cả Tập đoàn vào đó. Cơ sở vật chất và điều kiện học tập của trường luôn đảm bảo ở mức quốc tế với không quá 30 sinh viên/lớp. Ngay cả các giáo sư từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Stanford, MIT khi đến giảng dạy theo chương trình Access tại ĐH FPT cũng hoàn toàn hài lòng với cơ sở vật chất của trường.
Ngay trong năm nay trường sẽ tiến hành xây dựng một quần thể đại học hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích 60 ha dành cho 25.000 sinh viên học tập và sinh hoạt. Theo tiêu chuẩn do Bộ quy định thì ngay tại thời điểm này trường đã có đủ nguồn lực để đào tạo 1800 sinh viên. Trường cũng đang tiến hành tuyển dụng và hợp tác, trao đổi giảng viên ở quy mô toàn cầu để đáp ứng sự tăng trưởng trong tương lai.
Trường ĐH FPT đã tuyển được bao nhiêu sinh viên?
Hiện nay khóa I (2006) có 300 sinh viên đã kết thúc học kỳ II, chuẩn bị bước vào học kỳ III. Khóa II (2007) đang nhập học trong tháng 8 và có 500 sinh viên. Khóa tiếp theo hiện đang nhận hồ sơ xét tuyển và sẽ khai giảng muộn hơn.
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng đầu vào khóa II của trường ĐH FPT?
Khóa 2 chúng tôi tuyển 500 trong số trên 5000 hồ sơ đăng ký. Chất lượng đầu vào của khóa II có thể nói là rất tốt nếu xét theo thành tích học phổ thông. Có 3 em đoạt giải Olympic quốc tế, hơn 30 em là các học sinh giỏi đoạt từ giải nhì trở lên trong các kỳ thi Olympic quốc gia. Ngoài ra, một phần lớn sinh viên là học sinh các trường chuyên nổi tiếng trên cả nước.
Tuy nhiên quan điểm của trường là tuyển đầu vào những em có khả năng phù hợp với ngành đào tạo chứ không tuyển theo tiêu chí học sinh khá giỏi chung chung. Quan điểm giáo dục của thế giới là đầu vào không quá chặt mà quan trọng hơn cả là việc sàng lọc trong quá trình học và siết chặt chất lượng đầu ra. Tại ĐH FPT tuyệt đối không có chuyện cứ vào là có thể ra.
Vậy học phí của trường như thế nào, thưa ông?
Chương trình đào tạo của trường ĐH FPT được dạy phần lớn bằng ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Nhật) theo các chuẩn quốc tế về đào tạo CNTT như ABET, ACM và ITSS. Một phần không nhỏ các giảng viên là người nước ngoài đến từ các trường đại học và các tập đoàn CNTT lớn. Sinh viên trường ĐH FPT sẽ được đào tạo ngoại ngữ đến trình độ có thể theo học và khi tốt nghiệp sẽ có 2 ngoại ngữ.
Ngoài chương trình chuyên ngành, sinh viên trường ĐH FPT còn được đặc biệt chú trọng trong việc đào tạo tính kỷ luật, các phẩm chất, kỹ năng cá nhân, kiến thức xã hội, văn hóa, quan hệ và trách nhiệm cộng đồng.
Về vấn đề học phí, xin trích dẫn lời phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS. TS. Trần Hồng Quân trong Hội thảo về Mô hình và Cơ chế quản lý đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa vừa được tổ chức tại Hà Nội tuần trước: “Năm 2006, khi trường ĐH FPT công bố mức học phí thì hầu như tất cả ngỡ ngàng, nhưng sau đó thì thấy điều này hoàn toàn có lý. Không có lý gì khi chúng ta lại quy định mức trần học phí vì học phí là nguồn thu để bù lại chi phí đào tạo. Đầu tư bao nhiêu để đạt được chất lượng cỡ nào thì học phí phải bù tương đương.
FPT đã giải quyết tốt điều này, có điều kiện để đảm bảo đầu ra, triển vọng lương cao sau khi ra trường cho phép sinh viên vay tín dụng, nhà trường chấp nhận rủi ro, đảm bảo với Ngân hàng để cho sinh viên vay”.
Được biết nhà trường đã triển khai chương trình cho sinh viên vay học phí, trừ dần vào lương sau khi đi làm. Liệu việc này có khả thi khi sinh viên sẽ phải vất vả đi làm trả nợ trong vòng 3-5 năm?
Việc vay tiền để học đại học là mô hình được áp dụng rộng rãi trên thế giới và nó chính là lời giải duy nhất cho con em các gia đình nghèo có điều kiện theo học các chương trình tiên tiến để tự họ thoát ra khỏi cái nghèo bằng sức lực và trí tuệ của bản thân mình.
Slogan của trường là “Khát vọng đổi thay”, vậy sự đổi mới của trường được thể hiện trên những phương diện nào?
Tôi nghĩ rằng qua những câu trả lời trên phần nào cũng đã rõ những thay đổi to lớn và mang tính chất đột phá của trường ĐH FPT. Có thể tóm lại trong những việc sau: triết lý giáo dục lấy sinh viên và khả năng tự phát triển làm trọng tâm; đào tạo bằng ngoại ngữ; chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế; tuyển sinh theo tiêu chí phù hợp với ngành học; thu hút giảng viên và sinh viên nước ngoài; triển khai cho vay tín dụng học phí rộng rãi; cam kết đảm bảo việc làm cho toàn bộ sinh viên với mức lương cao; đưa chương trình đào tạo và phát triển cá nhân toàn diện vào chương trình chính khóa kéo dài 7 học kỳ, đưa sinh viên đi làm từ năm thứ 3, …
Ngoài ra chúng tôi quan điểm là sự đổi mới, sáng tạo cần phải được thể hiện bởi mọi người, từ sinh viên đến cán bộ giảng viên, mọi lúc, mọi nơi.
Đổi mới bao giờ cũng là việc vô cùng khó khăn và luôn gặp phải sự cản trở từ nhiều phía. Bởi thế chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội, các nhà quản lý, các vị phụ huynh, các em học sinh, sinh viên để có thể tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đứng trước vận hội mới của đất nước, không đổi mới nhanh và chớp lấy những cơ hội này là có tội với cả dân tộc.
Xin cảm ơn ông!