1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

ĐH Cần Thơ xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng đào tạo dài hạn

(Dân trí) - Trong năm 2014 ĐH Cần Thơ sẽ ban hành quy định về tổ chức và hoạt động đảm bảo chất lượng, xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dài hạn đến năm 2022.

Trường cũng sẽ tham gia chương trình trao đổi tín chỉ quốc tế giữa các trường đại học trong Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN). TS Phan Huy Hùng - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí Trường ĐH Cần Thơ cho biết thông tin trên khi trao đổi với PV Dân trí.
 
Nằm trong chiến lược phát triển nhà trường, năm 2013 Trường ĐH Cần Thơ đã chính thức thành lập Hội đồng ĐBCL nhằm tư vấn cho Hiệu trưởng về chiến lược và chính sách để thúc đẩy các hoạt động đảm bảo chất lượng (ĐBCL) giáo dục.
 
Năm 2003, Nhóm chuyên trách về công tác ĐBCL được hình thành và bắt tay vào việc tổ chức và xây dựng mô hình, hệ thống và công cụ hoạt động ĐBCL. Đến năm 2008, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng và Khảo thí (ĐBCL&KT) với đội ngũ cán bộ chuyên trách đã được thành lập nhằm tham mưu, giúp việc, thực thi và trợ giúp cho Hiệu trưởng trong công tác ĐBCL của nhà trường. Bên cạnh đó, các tổ ĐBCL và tự đánh giá chất lượng trường và chương trình đào tạo thuộc các đơn vị chức năng và các đơn vị đào tạo với đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm cũng đã được hình thành.
 
Hoạt động của Hội đồng Đảm bảo chất lượng trường ĐH Cần Thơ.
Hoạt động của Hội đồng Đảm bảo chất lượng trường ĐH Cần Thơ.

Về cơ bản, cơ cấu và quá trình duy trì và cải tiến chất lượng của Trường ĐH Cần Thơ được thực hiện dựa trên Mô hình quản lý chất lượng Châu Âu EFQM (European Foundation for Quality Management). Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng có sự điều chỉnh nhất định để phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Hoạt động ĐBCL trường và chương trình đào tạo (CTĐT) được thực hiện có sự phối hợp và lựa chọn phù hợp dựa trên mức độ yêu cầu và điều kiện được quy định trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ GD-ĐT, AUN và ABET. Trong đó, các bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT và AUN được áp dụng rộng rãi hơn vì đây là những chuẩn mực tin cậy và khá phù hợp với điều kiện của Trường Đại học Cần Thơ.

Năm 2006, Trường ĐH Cần Thơ được kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn chất lượng với 92,86% số phiếu tán thành của các thành viên trong Hội đồng Đánh giá Chất lượng Quốc gia.

Giai đoạn 2008-2012, nhà trường đã tổ chức tự đánh giá 81 lượt CTĐT trình độ đại học (trong đó có 30 lượt CTĐT tự đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT và 51 lượt CTĐT tự đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA).

Năm 2013, 3 CTĐT của Trường được kiểm định chất lượng (trong đó có 1 CTĐT của giáo viên ngành Sư phạm Vật lý được kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT và 2 CTĐT ngành Kỹ thuật điện - Điện tử và Kinh tế Nông nghiệp được kiểm định chất lượng quốc tế theo tiêu chuẩn AUN-QA. Nhà trường cũng đã triển khai tự đánh giá 14 CTĐT thuộc 9 khoa/viện theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Cũng trong năm 2013, nhà trường đã thành lập Hội đồng ĐBCL nhằm tư vấn cho Hiệu trưởng về chiến lược và chính sách để thúc đẩy các hoạt động ĐBCL giáo dục; và đáng chú ý là trở thành thành viên của Mạng lưới AUN hồi tháng 7.

Nhà trường cũng tham gia hoạt động xếp hạng của các tổ chức trong nước và quôc tế, theo bảng xếp hạng của Webometrics đến tháng 7/2014 Trường ĐH Cần Thơ được xếp hạng 39 trong Khu vực Đông Nam Á (tháng 7/2013 là 51); hạng 1.382 của thế giới (tháng 7/2013 là 1.690); và hạng 02 trong các trường của VN, sau ĐH Quốc giaHà Nội.

TS Phan Huy Hùng cho biết: Trung tâm đã xây dựng chiến lược đến 2020 là 100% chương trình đào tạo được tự đánh giá theo tiêu chuẩn quốc gia (Bộ GD-ĐT) và quốc tế (AUN-QA, ABET). Ít nhất 20-25% CTĐT được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA và ABET, ưu tiên các ngành trong lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản và môi trường. 

TS. Hùng cũng cho biết, để đạt được mục tiêu đưa ra thì nhà trường sẽ thực hiện các giải pháp như: “Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động, áp dụng các chính sách khuyến khích và thúc đẩy chất lượng theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế một cách phù hợp. Xây dựng cơ cấu tổ chức, nhân sự đảm bảo chất lượng ở cấp trường và cấp khoa đáp ứng yêu cầu hoạch định, chỉ dẫn, thực hiện, giám sát và đánh giá”.

Phạm Tâm