Đề xuất thí điểm đào tạo Cao đẳng nghề cho học sinh tốt nghiệp cấp 2
(Dân trí) - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng các đơn vị, chuyên gia đã họp bàn, thảo luận giải pháp triển khai thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng nghề cho học sinh đã tốt nghiệp THCS (học hết lớp 9).
Thực trạng và giải pháp thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS
Hiện tại, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) chưa được tuyển thẳng vào học ở trình độ cao đẳng (CĐ) nghề mà cần phải học trình độ trung cấp (TC), sau đó cần phải trải qua các kỳ thi để học liên thông lên trình độ CĐ.
Tuy nhiên, theo tình hình thực tiễn, đa phần người học hết lớp 9 mong muốn được học thẳng lên trình độ cao đẳng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; cùng với đó là nhu cầu cấp bách về nâng cao chất lượng nguồn lao động trong nước nhằm góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Theo đó, tại điểm đ, Mục 2 của Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS, để người học không phải liên thông từ TC lên CĐ như quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có đầu vào tốt nghiệp THCS.
Trên cơ sở triển khai Chỉ thị số 24 nói trên, chương trình phối hợp công tác giữa Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN); Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội (CTXH) Việt Nam và chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở". Hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về nội dung này.
Tại hội thảo này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình nêu vấn đề: "Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ngành GDNN đã đang hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra.
Năm nay, tuyển sinh đầu vào các cơ sở GDNN có sự tăng đột biến số lượng học sinh tốt nghiệp THCS. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, với sự thay đổi đa dạng của chương trình đào tạo cùng với những thách thức mới, đặt ra nhiều bài toán với ngành chúng ta, đặc biệt là GDNN đối với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS".
Ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam nhấn mạnh: "Đối với việc đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, trên cơ sở đó, chúng ta cần nghiên cứu kĩ để xây dựng đề án thí điểm trình Chính phủ".
Ngay tại buổi Hội thảo, ông Phan Chính Thức - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH cũng trình bày một số khuyến nghị, giải pháp triển khai nội dung thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS trong Chỉ thị số 24/CT-TTg.
Theo đó, ông Thức đề xuất lộ trình thí điểm đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS cụ thể là: Xây dựng đề án vào năm 2021; Tổ chức đào tạo thí điểm từ năm 2021-2025; Tổng kết trong thời gian năm 2025-2026, kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình từ 2026-2030.
Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS chọn học các trường nghề đang tăng trưởng
Bà Phạm Ngọc Anh - chuyên gia cao cấp của Chương trình đổi mới GDNN Việt Nam (GIZ) mong rằng: "GDNN mở và linh hoạt, liên thông là cách tiếp cận và cũng là giải pháp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng hiện nay.
Tuy nhiên, nhận thức trong xã hội về vấn đề này hiện nay đang còn nhiều khác biệt, vấn đề chính sách, phối hớp giữa các Bộ, ngành liên quan còn nhiều lỗ hổng.
Chính vì thế chúng ta cần phải tích cực phối hợp, đồng hành để tham vấn, xây dựng những chính sách phù hợp để giúp GDNN đạt được các tiêu chí mở, linh hoạt, đến được với mọi thành phần trong xã hội".
Ông Phạm Đức Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục GDNN báo cáo đánh giá tình hình tuyển sinh, tổ chức đào tạo cao đẳng (CĐ) cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Ông Thắng cho biết: "Hiện nay, Vụ Đào tạo chính quy đã ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật để các trường tiến hành đào tạo, tuyển sinh và giải quyết việc làm trong những năm qua, tạo thành một hệ thống đồng bộ. Mặt khác, chúng tôi đang ngày càng hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ các trường thu hút học sinh tham gia GDNN".
Theo số liệu báo cáo của Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục GDNN tại hội thảo, tính đến cuối năm 2019, trên cả nước có 1.914 cơ sở GDNN trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.053 trung tâm GDNN/GDTX. Trong đó, có 244/399 trường cao đẳng và 437/458 trường trung cấp có thực hiện tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Mạng lưới các cơ sở GDNN rộng khắp cả nước đã góp phần thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo đến mọi vùng miền, tạo thêm nhiều cơ hội thuận lợi cho người học khi có nguyện vọng và nhu cầu học nghề.
Trung bình mỗi năm có khoảng 5,3 triệu HS học THCS và hơn 1,3 triệu HS học xong THCS, trong đó có khoảng 5% học sinh không tham gia thi tốt nghiệp hoặc thi không đỗ tốt nghiệp THCS.
Theo tổng hợp báo cáo của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả tuyển sinh đối tượng THCS vào học trung cấp (TC) khoảng 195.173 học sinh.
Có thể thấy, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học TC trong năm 2019 đã tăng đột biến, lên khoảng 15% (giai đoạn 2011 - 2015, học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (trung cấp nghề và TCCN) chiếm khoảng 8% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS).
Tính đến tháng 11/2020 cả nước tuyển sinh được 1.940.000 học sinh, sinh viên GDNN đạt 86% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng được 520.000 học sinh, sinh viên đạt 90% so với kế hoạch, sơ cấp và đào tạo thường xuyên được 1.420.000 người đạt 85% so với kế hoạch.
Từ kết quả thống kê sơ bộ cho thấy tình hình tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS tại nhiều cơ sở GDNN trong năm 2020 có nhiều dấu hiệu tốt.
Những ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt tập trung ở các lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật cơ khí, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin như: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Quản trị mạng, Thiết kế trang web, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng...;
Bên cạnh những ngành nghề có kết quả tuyển sinh tốt, có một số ngành nghề còn khó tuyển sinh, thậm chí không tuyển sinh được, đặc biệt là những ngành nghề thuộc các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, như: Khoan nổ mìn; Sản xuất vật liệu xây dựng; Luyện thép; Luyện Gang; Công nghệ kỹ thuật mỏ, Công nghệ kỹ thuật hóa chất...