Đề xuất Hà Nội giữ thi ba môn vào lớp 10, không "thấp thỏm như chứng khoán"
(Dân trí) - Nhiều người đề xuất Hà Nội nên giữ ổn định thi ba môn vào lớp 10 để những năm sau không tranh cãi thêm nữa. Phụ huynh cũng không phải lo âu, "thấp thỏm" như chơi chứng khoán.
Phụ huynh thấp thỏm như chơi chứng khoán
Ngày 22/2, UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch số 455/UBND-KGVX thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024. Phương thức tuyển sinh năm nay là: Học sinh thi 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Ngay sau khi quyết định này đưa ra, nhiều phụ huynh vui như mở hội bởi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã lắng nghe nguyện vọng của đông đảo phụ huynh, học sinh để chọn thi 3 môn.
Mặc dù vậy, theo ý kiến của phụ huynh, Hà Nội nên ổn định phương thức thi 3 môn vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT), thay vì năm trước thi 4 môn, năm sau thi 3 môn, khiến phụ huynh thấp thỏm lo âu như chơi chứng khoán.
Quyết định này giúp các con giảm tải những áp lực thi cử không cần thiết, phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều người cho rằng trong một kỳ thi, nếu khó thì là khó chung, dễ sẽ dễ chung nhưng rõ ràng thi 3 môn sẽ đỡ áp lực hơn 4 môn.
"Theo tôi, việc thi 3 môn cũng không làm các con kém đi, thi 4 môn không giúp các con giỏi hơn", chị Phạm Thị Hằng - phụ huynh có con học tại Trường THCS & THPT Lômônôxốp (Mỹ Đình, Hà Nội) bày tỏ.
Chia sẻ với PV Dân trí, Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận Nam Từ Liêm Hà Nội cho hay, từ năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn toán và ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc tuyển sinh lớp 10.
Bước sang năm 2020, 2022, do tác động của Covid-19, học sinh Hà Nội phải ở nhà, học trực tuyến trong thời gian dài, thành phố quyết định giảm bài thi thứ tư. Kỳ thi vào lớp 10 THPT chỉ còn ba môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ.
Khi đó, điểm xét tuyển = (Điểm toán + Điểm ngữ văn) x 2 + Điểm ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.
Như vậy, trong bốn năm thực hiện kế hoạch mới để tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội mới tổ chức thi môn thứ tư được hai lần (năm 2019 và 2021). Môn được chọn đều là lịch sử.
"Phương án thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội bằng 4 môn sẽ có "tuổi thọ" rất ngắn bởi đến năm 2022, thay chương trình mới ở THPT sẽ bất cập", hiệu trường này nói.
Do đó, vị hiệu trưởng này và một số nhà quản lý khác đề xuất thi vào lớp 10 bằng 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ trong thời gian tới để phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở THPT và giảm áp lực không cần thiết cho học sinh, phụ huynh.
"Quyết định thi 3 môn tuy là cho năm học 2023-2024, nhưng nên giữ ổn định và sẽ là tiền đề để những năm sau không phải tranh cãi thêm nữa", hiệu trưởng này nói.
Tránh "đẽo cày giữa đường"
Năm nay, Hà Nội có hơn 100 nghìn học sinh lớp 9 dự tuyển vào lớp 10 THPT. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập vẫn như năm ngoái (khoảng 60%).
Trước khi công bố phương án thi vào lớp 10, trước đó UBND TP Hà Nội đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến thầy cô giáo về việc tổ chức thi 3 hoặc 4 môn.
Phần lớn thầy cô giáo chọn phương án 3 môn thi vào lớp 10 năm 2023.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, con số khảo sát cụ thể khoảng 7.002/7.337 ý kiến lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi với 3 bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, việc tổ chức 3 bài thi nhằm giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ các năm học trước.
Trong khi mấy năm trở lại đây phụ huynh, học sinh Hà Nội thấp thỏm lo âu, chờ đợi như... chơi chứng khoán vì không biết học sinh thi vào lớp 10 bằng 3 hay 4 môn thi, môn thứ tư là môn gì.
Vấn đề mà nhiều người đặt ra hiện nay: Không phải thi 3 hay 4 môn là yếu tố quan trọng, quan trọng là hãy đổi mới cách ra đề thi để đánh giá học sinh tốt hơn.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cho rằng, cách tổ chức của Hà Nội đang như "đẽo cày giữa đường".
"Hà Nội nên ổn định phương án thi vào lớp 10 ngay từ đầu như Hưng Yên hoặc Hải Phòng, thay vì thay đổi xoành xoạch dựa trên dư luận khiến phụ huynh học sinh thêm rối rắm", thầy Hiền nói.
Theo thông lệ, kỳ thi vào lớp 10 THPT trên địa bàn Hà Nội sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6 hàng năm.
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.