Đề Văn học sinh giỏi bàn về “Không thể hiểu vẫn yêu trọn vẹn”
(Dân trí) - Có thể không thể lý giải được vì sao cha mẹ, anh chị, bạn bè.... lại suy nghĩ, hành động như thế. Nhưng điều đó sẽ không là lý do, giới hạn của tình yêu thương. Một thông điệp về tình yêu mạnh mẽ, sâu sắc, cởi mở được đưa vào đề thi Văn học sinh giỏi lớp 9 của TPHCM vừa diễn ra sáng nay 13/3.
Cụ thể, câu 1 của đề trích những câu trong cuốn sách "Yêu những điều không hoàn hảo” của tác giả Hae Min:
Có thể bạn không tài nào hiểu được
Tại sao cha mẹ mình, anh chị em mình, bạn bè mình, …
Lại suy nghĩ và hành động như thế.
Nhưng cho dù bạn không thể hiểu họ
Và không vừa lòng với những điều họ làm
Bạn vẫn có thể yêu thương họ thật lòng.
Vì tình yêu thực sự
Vượt qua mọi hiểu biết của con người.
(…)
Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn
mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn.
Từ đó, đề yêu cầu: "Em có đồng ý với suy nghĩ “Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn” không? Hãy viết bài văn trình bày câu trả lời của em.
Theo đánh giá của nhiều người, người ra đề đã chọn dữ liệu nhẹ nhàng nhưng đắt giá. Những câu trích trên chứa đựng đầy triết lý về tình yêu nhưng cũng rất dễ hiểu, đặt con người ở tâm thế không nhất thiết yêu cầu mình phải hiểu hết mọi người, hiểu hết mọi hành động, suy nghĩ của người thân mới có thể trao yêu thương.
Trong tình yêu thương, còn cần ở mỗi người sự bao dung, tôn trọng, thông cảm sự khác biệt và lựa chọn của người khác...
Hay giản dị hơn, một giáo viên dạy Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cho rằng trong cuộc sống, thấy một mảnh đời cơ cực trên đường, có thể em không hiểu hết, không biết hết hoàn cảnh của người đó. Nhưng điều đó không thể ngăn các em yêu thương, chia sẻ thật lòng, trọn vẹn.
Tuy nhiên, giáo viên này cũng phân tích thêm, đề không áp đặt các em phải đồng tình với những câu trích trên. Học sinh hoàn toàn có thể phản biện lại, nêu quan điểm "tôi phải hiểu tôi mới yêu". Miễn sao các em đưa ra được dẫn chứng, lập luận bảo vệ quan điểm đó.
Yêu thương nhau trọn vẹn, xét cho cùng, chính là đạt đến sự hài hòa về cảm xúc, suy nghĩ, cách sống giữa ta và người khác. Điều kiện để tạo nên sự hài hòa ấy chính là “hiểu nhau”. Nhờ “hiểu nhau”, ta và người khác đều dần hoàn thiện mình hơn, sửa chữa sai lầm của bản thân, hướng về điều chân - thiện - mỹ của cuộc sống.
Ở phần làm văn, đề trích trong tác phẩm Dagestan của tôi, tác giả người Nga Rasul Gamzatov:
Có những câu thơ hay nhất trong bài thơ:
Nếu bài thơ là cánh đồng thì chúng là lúa mọc trong đó,
Nếu bài thơ là chiếc dây lưng thì chúng là con dao găm đeo ở đó,
Nếu bài thơ là con chim thì chúng là đôi cánh chim,
Nếu bài thơ là con nai đứng trên vách đá thì chúng là đôi mắt nai
trông về phía xa …
Từ những gợi ý trên và những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ, đề yêu cầu thí sinh hãy viết bài văn về những câu thơ hay nhất trong bài thơ.
Một giáo viên ở TPHCM đánh giá, đề thi rất hay, phù hợp với kỳ thi tìm kiếm học sinh giỏi Văn. Qua đề có thể thấy người ra đề là người đọc rất nhiều, chọn lọc những chất liệu cực tốt mang ý nghĩa văn học, giáo dục.
Cách đặt vấn đề rất tư duy, không gò bó, không áp đặt mà tạo độ mở rất lớn cho học sinh thể hiện tình cảm, quan điểm, cách nhìn, đánh giá của mình.
Đề dễ hiểu, không đánh đố, không khó. Tuy nhiên, để làm được bài tốt yêu cầu thí sinh phải có nhiều "vốn" về văn học, giàu tình cảm, thể hiện được suy nghĩ trưởng thành và sâu sắc...
Hoài Nam