Đề thi tốt nghiệp Vật lý: Đề phân hóa cao, các đại học dễ dàng xét tuyển

Minh Hạnh

(Dân trí) - Đề hay, độ phân hóa cao, có thể đạt được cả 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, kể cả những trường top đầu vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Đó là nhận xét của nhiều giáo viên với đề thi Vật lý trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Đề thi tốt nghiệp Vật lý: Đề phân hóa cao, các đại học dễ dàng xét tuyển - 1

Thầy giáo Nguyễn Phi Long, giáo viên Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) (nhận xét mã đề 222): Độ phân hóa cao, thiếu vắng câu hỏi thực tế

Cấu trúc của đề tương tự như đề minh họa lần 2 của Bộ GDĐT. Nội dung kiến thức trong đề có 4 câu hỏi lớp 11, còn lại 36 câu là thuộc chương trình lớp 12.

Trong số câu hỏi trong chương trình lớp 11 có 2 câu mức độ nhận biết, 1 câu mức thông hiểu và 1 câu mức vận dụng.

Các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 có khoảng 18 câu ở mức độ nhận biết, khoảng 9 câu thông hiểu, còn lại là vận dụng và vận dụng cao.

Với mức độ như vậy, học sinh học ở mức cơ bản, có thể làm được khoảng 6-7 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt từ 8-8,5 điểm. Để đạt được điểm 9-10, học sinh cần giải quyết được 4 câu vận dụng cao. Ví dụ như câu 40 (mã đề 222) về cơ học là tổng hợp kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh không chỉ nắm rất chắc kiến thức mà còn phải có năng xử lý, tư duy tốt về đồ thị.

Đánh giá chung: đề hay, độ phân hóa cao, có thể đạt được cả 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, kể cả những trường top đầu vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Tuy nhiên, đáng tiếc là đề còn thiếu vắng các câu hỏi thực tế.

Cô giáo Nguyễn Thùy Linh, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội- Amxterdam: Để đạt được điểm 9-10 cần phải giỏi

Cấu trúc giống tương tự như đề tham khảo của Bộ GDĐT. Với 20 cầu đầu kiến thức cơ bản, mức độ nhận biết, chủ yếu là nhớ công thức và kiến thức cơ bản của chương trình lớp 12 và một phần nhỏ chương trình lớp 11. 

Ở 10 câu tiếp theo ở mức độ thông hiểu, thí sinh cần phải có sự biến đổi và tính toán, nhưng ở mức độ không quá phức tạp, không quá khó.

Trong 10 câu cuối ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Có 5 câu đầu yêu cầu nắm vững kiến thức, vận dụng linh hoạt, kèm theo các kỹ năng về toán học, như xử lý đồ thị và các phép biến đổi toán học. Với 5 câu cuối cùng khá khó với thí sinh, đòi học phải có kiến thức rất vững vàng mới thực hiện tốt được bài thi.

Học sinh có học lực trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm, để đạt đượt 9 -10 cần phải giỏi.

Đề có độ phân hóa để các trường đai học xét tuyển sinh. Các câu vận dụng và vận dụng cao rơi chủ yếu vào chương trình học kỳ I của lớp 12. 

Trong số các câu vận dụng và vận dụng cao có 1 câu thuộc phần quang học lớp 11 có thể gây khó khăn cho học sinh vì đây là phần kiến thức các em cần nắm vững và ghi nhớ.

Để đạt được 9 -10 điểm là khó và có thể nói là rất khó để đạt được điểm 10. 

Cô giáo Phạm Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trường THPT Ban Mai: Phổ điểm ở mức 5 -7 điểm

Đề Vật lý có sự phân hóa cao, bám sát cấu trúc đề tham khảo lần 2 của Bộ GDĐT và đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi là vừa xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Đề thi trọng tâm trong chương trình Vật lí 12, số lượng các câu hỏi thuộc chương trình học kỳ 1 lớp 12 nhiều hơn so với chương trình học kỳ 2 lớp 12 (tỉ lệ 1,7); không có những nội dung đã giảm tải. Mức độ đề, có 70% thuộc mức độ nhận biết – thông hiểu, 30% thuộc mức độ vận dụng – vận dụng cao.

Dự đoán với đề thi này, phổ điểm ở mức 5 -7 điểm. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9 trở lên học sinh cần kiến thức sâu.

Nội dung các câu hỏi chủ yếu trong chương trình lớp 12 ( 36 câu – 90%), bám sát nội dung dạy học ở học kỳ 1 lớp 12 và những nội dung tinh giản thuộc học kỳ 2 lớp 12.

Nội dung câu hỏi thuộc chương trình 11 (4 câu – 10%) thuộc các chương: điện tích – điện trường, dòng điện không đổi, từ trường, mắt và các dụng cụ quang. Có 3 câu hỏi thuộc mức độ nhận biết – thông hiểu, 1 câu thuộc mức độ vận dụng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm