Đề tham khảo Giáo dục công dân: Lý giải sức hấp dẫn của môn học được nhiều thí sinh lựa chọn

(Dân trí) - Đánh giá về đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân (GDCD) trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi với nhiều câu hỏi ở các mức độ khác nhau không chỉ đòi hỏi học sinh tái hiện lại những kiến thức đã học mà còn yêu cầu các em phải giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.

Cùng với bộ môn Lịch sử và Địa lý, môn Giáo dục công dân (GDCD) là yếu tố cấu thành nên tổ hợp các bộ môn khoa học xã hội. Đây là lần đầu tiên môn GDCD được đưa vào đề thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan.


Nhiều thí sinh lựa chọn môn Giáo dục công dân để dự thi

Nhiều thí sinh lựa chọn môn Giáo dục công dân để dự thi

Theo quy định chung, mỗi đề thi gồm 40 câu hỏi với các cấp độ khoảng: nhận biết (40%), thông hiểu (20%), vận dụng thấp (30%), vận dụng cao (10%). Mỗi câu hỏi đều kèm theo bốn phương án lựa chọn khác nhau trong đó chỉ có duy nhất một đáp án đúng.

Thầy Phạm Văn Sơn, giáo viên trường THPT Phả Lại, Hải Dương, nhận xét, khác với các bộ môn trong tổ hợp xã hội, đề thi GDCD thuần túy là kiến thức pháp luật nên đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối. Mặt khác, đề thi phản ánh những sinh hoạt, những mối quan hệ trong cuộc sống đời thường nên khá gần gũi với mỗi người.

“Câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, nên khá phù hợp với tâm lí của thí sinh và đặc biệt đã phân loại được năng lực của học sinh, điều này càng có ý nghĩa với môn GDCD bởi đây là môn thi cuối cùng trong kỳ thi” - thầy Sơn chia sẻ.

Cũng theo thầy Phạm Văn Sơn nếu câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu chỉ cần tái hiện lại những kiến thức đã học thì phần vận dụng đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp, khả năng phân tích, đánh giá tình huống từ đó bày tỏ thái độ của mình đối với những vấn đề của thực tiễn xã hội.

Cùng chung quan điểm trên, thầy Lê Đức Thoại, trường THPT Chu Văn An, huyện KrôngPa, Gia Lai, cho rằng, ở dạng câu hỏi vận dụng cao, đề thi cập nhật được nhiều thông tin, sự kiện mang tính thời sự đã và đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Điều này giúp thí sinh giảm áp lực và hứng thú tham gia giải quyết vấn đề bởi lúc này các em là người trong cuộc.

Tuy nhiên, thầy Lê Đức Thoại cũng lưu ý, để có được đáp án đúng, đề thi đòi hỏi thí sinh phải biết xâu chuỗi toàn bộ kiến thức đã học, phải có tư duy logic, kỹ năng phân tích, phán đoán và vận dụng. Đây có thể coi là ưu thế vượt trội của đề thi môn GDCD.

Với bốn cấp độ khác nhau, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu phân loại năng lực thí sinh, đề thi môn GDCD còn góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để từ đó mỗi công dân biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

“Quá trình học và vận dụng kiến thức vào việc làm bài thi là cơ sở để mỗi thí sinh thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, biết nhận xét, phê phán cái sai, cái tiêu cực trong cuộc sống, biết bảo vệ mình và tôn trọng lợi ích hợp pháp của cộng đồng” - Thầy Thoại nhấn mạnh.

Việt An