Đề nghị bỏ 13 chứng chỉ CDNN: Giáo viên phấn chấn "nghe như mùa xuân về"

(Dân trí) - Khi Bộ Nội vụ có đề xuất bỏ quy định bắt buộc về nhiều loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp (CDNN) liên quan đến giáo viên, nhiều nhà giáo tỏ ra vui mừng, phấn chấn vì sắp được "cởi trói".

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. 

Bộ Nội vụ cho rằng, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ xác định có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GD-ĐT quy định.

13/87 chứng chỉ bồi dưỡng liên quan đến viên chức mà Bộ Nội vụ đề nghị bỏ thuộc ngành giáo dục.

Hiện Bộ GD-ĐT quy định 20 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp liên quan đến giáo viên. Như vậy theo đề xuất của Bộ Nội vụ, ngành giáo dục chỉ giữ lại 7 loại chứng chỉ thay vì 20 loại như hiện nay.

Trong 13 chứng chỉ thuộc ngành giáo dục được đề xuất bỏ, có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ hoàn toàn thống nhất và đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ về việc giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ nhà giáo.

Đề nghị bỏ 13 chứng chỉ CDNN: Giáo viên phấn chấn nghe như mùa xuân về - 1

Giáo viên mong rằng, Thủ tướng sẽ quan tâm, chia sẻ với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, giáo viên để có quyết định hợp lý nhất.

Trút bỏ được gánh nặng

Không giấu nổi vẻ vui mừng, giáo viên K.T.H. tâm sự: "Báo cáo đề xuất của Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có đội ngũ nhà giáo hoàn toàn hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của cá nhân tôi và đội ngũ giáo viên trên cả nước. Mong rằng, Thủ tướng sẽ quan tâm, chia sẻ với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, giáo viên để có quyết định hợp lý nhất".

Đồng tình với quan điểm trên, cô D.P. (giáo viên tại Hải Phòng) còn nói vui, sau khi đọc được đề xuất của Bộ Nội vụ trình lên Thủ tướng, cô và đồng nghiệp cảm thấy phấn chấn và "nghe như mùa xuân về".

"Quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, cào bằng, khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở để bổ sung hoàn thiện. Nút thắt này được cởi trói khi tôi nghe được đề xuất cắt giảm chứng chỉ của Bộ Nội vụ. Đây thực sự là một tin vui đối với hàng triệu giáo viên trên cả nước khi thoát cảnh lo các loại chứng chỉ để đủ chuẩn".

Theo cô D.P., chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên nên áp dụng với bộ phận quản lý thay vì giáo viên chuyên môn. Bởi, hiện nay, điều giáo viên quan tâm nhất là việc học chứng chỉ này có giúp ích cho công việc chuyên môn hay không, còn học chỉ để làm đẹp hồ sơ hay xếp… xó thì nên bỏ.

"Đối với đội ngũ giáo viên, để được đứng lớp, họ phải trải qua quá trình rèn luyện không ngừng: đi thực tập, thực tế, được trau dồi kiến thức ngay từ thời sinh viên. Khi về cơ sở giảng dạy, thầy cô cũng được bồi dưỡng chuyên môn, chuyên biệt. Do đó, việc bồi dưỡng chuyên môn qua các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phải thực sự mang đến hiệu quả, nếu không sẽ gây nên sự lãng phí và tổn thất không đáng có", giáo viên D.P. nhấn mạnh.

Giáo viên bỏ 2,5 triệu đồng học điều "đã biết rồi"

Giảng dạy tại một trường THCS ở thị trấn K'Bang, tỉnh Gia Lai; cô N.T.P. bày tỏ, lâu nay giáo viên rất khổ với các loại giấy tờ, chứng chỉ. Trước đó, để đủ điều kiện nâng hạng, cô và một số giáo viên đã phải đi đăng ký học tiếng Anh, Tin học.

"Nói chính xác hơn là đóng tiền và ghi danh để có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học; còn thi thực chất thì rất khó khăn. Bởi tôi không phải là giáo viên tiếng Anh, bản thân cũng đã có tuổi nên sự cập nhật là vô cùng hạn chế. Còn chứng chỉ tin học thì tôi chỉ có thể làm được phần ứng dụng cơ bản" - giáo viên N.T.P. chia sẻ.

Cũng theo cô N.T.P., hiện tượng giáo viên bỏ tiền mua chứng chỉ tin học và ngoại ngữ không phải là hiếm. Bởi nhiều giáo viên không có đủ thời gian, khả năng để học và thi lấy chứng chỉ nhiều lần.

Giáo viên này cũng thẳng thắn cho biết: "Chứng chỉ tiếng Anh 2,5 triệu đồng; tin học hơn 800 nghìn đồng. Tiền này chúng tôi tự bỏ ra, không có cấp quyền nào hỗ trợ. Giáo viên nào muốn thăng hạng thì phải sắm cho đủ thôi. Bằng và chứng chỉ là thật, nhưng kiến thức không có".

Tương tự như chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, giáo viên cũng rơi vào sự hình thức và đối phó.

Giáo viên K.T.H. giãi bày, cô buộc bỏ ra 2,5 triệu đồng để phải tham gia các lớp bồi dưỡng, học điều mình đã biết rồi.

Tuy nhiên, không học thì không có chứng chỉ, không có chứng chỉ thì chẳng những không được thăng hạng mà còn khó giữ được hạng hiện tại. 2,5 triệu đồng cho một chứng chỉ để hoàn tất hồ sơ "giữ hạng" - số tiền gần bằng nửa tháng lương mà nữ giáo viên K.T.H. được hưởng, một cái giá khá đắt.

Cô K.T.H. chia sẻ, cô hy vọng báo cáo đề xuất của Bộ Nội vụ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có đội ngũ nhà giáo sẽ sớm được Thủ tướng Chính phủ xem xét và thông qua. Không chỉ giúp giáo viên giải tỏa áp lực và tập trung bồi dưỡng chuyên môn, yên tâm giảng dạy, việc giảm thiểu những chứng chỉ còn giúp giảm thiểu tiêu cực cho ngành giáo dục hiện nay.

"Vẫn biết việc học là suốt đời, đặc biệt là nghề giáo thì càng phải học. Học để có thêm kiến thức truyền thụ cho học sinh và phục vụ công tác, nhưng điều đó phải xuất phát từ nhu cầu tự thân và thiết thực, chứ không nên quy định cứng nhắc - bắt buộc phải có chứng chỉ. Bởi khi đó, vô hình chung lại trở thành hình thức và đối phó" - nhà giáo này cho hay.