Đề án "Đổi mới GDĐH" sẽ gây tranh luận trong xã hội

Các trường được tự chủ trong tuyển sinh, tự chủ trong việc bổ nhiệm chức danh PGS, GS. Thí sinh được xét tuyển vào ĐH, CĐ và học theo tín chỉ, chứ không phải học tập trung dài hạn như hiện nay...

Đó là những nội dung của đề án đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam, đã được bàn luận khá nhiều trên các diễn đàn. Nhưng với việc Chính phủ chấp thuận đề án này vào tháng 11 thì những nội dung trên sẽ dần dần trở thành hiện thực.

 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển. Bộ trưởng khẳng định:

 

- Chính phủ chấp thuận chủ trương đề án đổi mới chất lượng GDĐH nước ta, theo tôi đây là một bước đột phá trong tiến trình đổi mới toàn diện và sâu sắc nền GDĐH nước ta. Dự kiến đến tháng 6-2006, đề án này bắt đầu được triển khai giai đoạn 1 (2006-2010).

 

Một trong những điểm mới của đề án này là Bộ GD-ĐT chủ trương giao cho các trường ĐH cơ chế tự chủ chứ không còn chịu lệ thuộc cơ quan chủ quản như trước đây. Bộ trưởng cho rằng như vậy sẽ tạo động lực để hệ thống GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo?

 

Đổi mới cơ chế quản lý ĐH đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính mở đường, đang rất cấp bách và sẽ được Bộ GD-ĐT ưu tiên hàng đầu.

 

Trong các nội dung có liên quan đến cơ chế quản lý nhà nước đối với GDĐH, chúng tôi sẽ tạo cơ chế, điều kiện để các trường ĐH, CĐ nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo đó, các trường ĐH sẽ được tự chủ toàn diện: từ tổ chức tuyển sinh, đào tạo đến cơ chế tài chính, nhân sự. Trong đó, về tài chính, các trường được tự chủ hạch toán thu chi. Bằng cách này, chắc chắn sẽ tạo động lực "cạnh tranh" bình đẳng giữa các trường ĐH, khuyến khích nâng cao chất lượng giáo dục ĐH...

 

Tuy nhiên, trước những chủ trương, giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều người vẫn nghi ngờ rằng những chủ trương, giải pháp này khó thoát khỏi tình trạng chỉ là hô hào, khẩu hiệu...

 

Chúng tôi đã trình Chính phủ, đã lựa chọn ra một số nội dung cụ thể, đã khá chín muồi để bắt đầu làm ngay trong thời gian tới. Tôi hiểu, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Từ trước tới nay, chủ trương đường lối thường là rất tốt, nhưng khâu tổ chức thực hiện lại không mang lại kết quả. Nhưng nếu chọn ra một số nội dung cụ thể để quyết tâm làm thì sẽ làm được.

 

Lần này phải làm dứt điểm, làm có hiệu quả. Tôi hiểu, niềm tin của xã hội rất quan trọng. Cụ thể, trong đề án chúng tôi đã nêu ra chín nội dung. Chắc chắn những nội dung này đưa ra sẽ gây ra sự tranh luận trong xã hội.

 

Tại sao vậy?

 

Bởi sẽ có những nội dung không giống như chúng ta vẫn quan niệm. Chẳng hạn, mỗi trường ĐH hiện nay đều có một cơ quan quản lý, gọi là cơ chế chủ quản. Như vậy có nên không? Theo tôi, ĐH là một tập thể các nhà khoa học có trình độ... Cho nên phải tạo một cơ chế để họ có thể tự chủ. Trong thực tế, hiện nay cơ chế tự chủ của hai ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM) đã chứng tỏ mô hình tự chủ rất tốt.

 

Mặt khác, hiện nay nhiều người vẫn còn rất nặng khái niệm "biên chế". Từ đó sinh ra những phân biệt không cần thiết như giảng viên trong biên chế và ngoài biên chế, giảng viên các trường ĐH công lập và ngoài công lập... Những quan niệm, những phân biệt trên phải bỏ đi.

 

Tôi nghĩ, đã là giảng viên thì trong biên chế, ngoài biên chế, dạy ở trường công hay ngoài trường công... thực ra chỉ khác nhau ở nguồn trả lương thôi. Còn tất cả những quyền lợi khác họ đều giống nhau. Nhưng cơ chế như hiện nay đã tạo tâm lý là cứ phải vào biên chế, biên chế suốt đời... Đổi mới chất lượng GDĐH cũng chính là phải xóa bỏ sự vô lý trên.

 

Vậy bộ trưởng sẽ "xóa" như thế nào?

 

Chúng tôi sẽ cho phép một số trường đại học được hưởng quy chế tự chủ rộng rãi như quy chế của hai ĐH Quốc gia. Trong đó, cho phép thí điểm việc tuyển dụng và trả lương cho giảng viên theo cơ chế mới. Từng bước xóa bỏ cơ chế "chủ quản" đối với các trường ĐH (trừ một vài lĩnh vực đặc thù).

 

Bộ GD-ĐT sẽ chuyển hẳn việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư về các trường ĐH, gắn việc bổ nhiệm này với hoạt động cụ thể của từng trường. Đồng thời, sẽ siết chặt hơn yêu cầu đối với luận án tiến sĩ và chức danh giáo sư. Bộ sẽ chuyển một số viện nghiên cứu cơ bản về các trường ĐH lớn.

 

Cũng như phần trên tôi đã đề cập, sẽ xóa bỏ sự phân biệt không cần thiết giữa giảng viên "trong biên chế" với giảng viên "theo hợp đồng" giữa giảng viên công lập với giảng viên ngoài công lập bằng cách chuyển mạnh sang cơ chế hợp đồng dài hạn đối với giảng viên, hạn chế tối đa số "biên chế suốt đời".

 

Nhưng mấu chốt của đổi mới chất lượng GDĐH lại là đổi mới cách dạy và học trong các trường CĐ, ĐH hiện nay...

 

Đúng. Đào tạo trong các trường ĐH hiện nay vẫn chỉ theo lối cũ, công thức cũ. Đào tạo như vậy rất "cứng", rất lạc hậu. Thực hiện đề án đổi mới chất lượng GDĐH, một trong những giải pháp mà chúng tôi đã đưa ra là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế, đưa công nghệ thông tin vào để làm thay đổi cơ bản cách dạy và học.

 

Chúng tôi đã nghĩ tới việc phải lựa chọn, nhập một số chương trình, giáo trình tiên tiến trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ của một số nước để giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh. Thậm chí, sẽ mời các chuyên gia nước ngoài và trí thức Việt kiều về giảng dạy hoặc giữ một số chức vụ chuyên môn tại một số trường ĐH. Sắp tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ cho thành lập một trường ĐH mới theo tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam.

 

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đã chủ trương chuyển toàn bộ hệ thống ĐH hiện nay sang hình thức đào tạo theo tín chỉ. Sinh viên cứ học hết tín chỉ là tốt nghiệp. Như vậy, có sinh viên phải học 5-6 năm, nhưng có sinh viên chỉ cần học 3-4 năm.

 

Tất nhiên, hình thức đào tạo này sẽ đặt ra những vấn đề khó như sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt Đảng... ra sao? Nhưng không phải vì những lý do đó mà chúng ta cứ giữ nguyên kiểu đào tạo như hiện nay. Đầu vào ĐH, CĐ sẽ được mở rộng trong thời gian tới nhưng chúng ta cũng chấp nhận sự sàng lọc mạnh trong quá trình đào tạo.

 

Bộ trưởng có tin tưởng những nội dung được nêu ra trong đề án mà Chính phủ đã tán đồng sẽ trở thành hiện thực?

 

Giáo dục phổ thông của chúng ta đã đạt được những bước tiến đáng tự hào so với các nước trong khu vực. Nhưng GDĐH lại đang tụt hậu khá lớn. Tôi tin rằng đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta phải đổi mới GDĐH. Nếu không thì sẽ quá muộn, thời cơ sẽ qua và sự tụt hậu càng lớn.

 

Xin cảm ơn bộ trưởng!

 

Đề án Đổi mới giáo dục ĐH: Sẽ vào ĐH bằng xét tuyển

Sẽ cải tiến thi tuyển sinh ĐH theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại, thiết kế một kỳ thi nhiều môn cung cấp kết quả đánh giá khoa học, chính xác và công khai để các trường THPT xét tốt nghiệp và các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển chọn người học.

Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là hai kỳ thi có mục tiêu khác nhau nhưng có cùng bản chất vì đều đánh giá căn cứ trên năng lực học tập được qua chương trình THPT. Do đó chỉ một kỳ thi quốc gia chung có chất lượng cao có thể cung cấp thông tin để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH.

Muốn vậy cần tách biệt khâu thi và khâu xét tuyển thành hai khâu độc lập, thi trước, xét tuyển sau. Sử dụng kết quả của chỉ một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH chẳng những giảm bớt một kỳ thi, giảm bớt căng thẳng và tiết kiệm chi phí, mà còn làm cho phương châm giáo dục toàn diện ở THPT trở nên khả thi hơn.

* Học theo tín chỉ và có thể học ĐH bất cứ lúc nào và không chỉ một lần trong suốt cả cuộc đời

Toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH sẽ chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, tạo thuận lợi cho người học có thể tích lũy dần kiến thức theo khả năng và điều kiện của mình, có thể di chuyển học tập dễ dàng trong nước và quốc tế.

* Học và "chấm điểm" thầy

Rất nhiều ý kiến lo ngại khi vừa qua ĐH Quốc gia TP.HCM, và một số trường dân lập cho sinh viên "chấm điểm" các thầy - thực chất chỉ là lấy ý kiến để kiểm định giáo dục nói chung. Theo đề án đổi mới giáo dục, thì sẽ xây dựng quy trình thích hợp để đánh giá giảng viên thông qua các nhà quản lý, các đồng nghiệp, và đặc biệt là thông qua sinh viên.

Đề án cho rằng đánh giá việc giảng dạy từng môn học bằng cách lấy ý kiến sinh viên chưa trở thành thói quen trong cộng đồng giáo chức nước ta, trong khi ở nhiều nước điều đó được xem là hoạt động bình thường và cần thiết. Thông tin từ các ý kiến đánh giá này thường khá chính xác, đặc biệt khi số sinh viên nhận xét đủ đông.

Đề án chưa đề cập đến khả năng sẽ "loại" các thầy từ kết quả đánh giá của sinh viên

 

 

Theo Thể Thao & Văn Hóa