ĐBSCL: Tất bật cho năm học mới

(Dân trí) - Nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang tất bật chuẩn bị bước vào khai giảng năm học mới. Trong đó, một trong những vấn đề “nóng” mà các địa phương tập trung giải quyết là công tác tuyển sinh, thiếu trường, lớp cũng như sắp xếp lại đội ngũ giáo viên.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã bước vào công tác giảng dạy. Còn những trường Tiểu học, Mầm non vẫn đang tất bật cho công tác tuyển sinh.

Tích cực tuyển sinh

Thầy Nguyễn Minh Khá - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thạnh (xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết, dự kiến năm nay trường tuyển sinh 427 học sinh nhưng hiện nay chỉ tuyển mới gần 70%.

Theo thầy Khá, trường có 2 điểm lẻ và việc tuyển sinh cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên trường cũng không thể xóa các điểm lẻ này do các điểm này ở vùng sâu, vùng xa, cách xa điểm trung tâm đến 7 - 8km nên học sinh đi học rất khó khăn. “Trường tuyển chủ yếu là học sinh trên địa bàn, nhưng một số học sinh ở giáp ranh với các địa bàn khác thì chuyển qua học bên đó nên trường cũng mất đi một số học sinh đáng kể”, thầy Khá cho hay.

Trường cũng đang thực hiện theo đề án 826 của tỉnh Bạc Liêu, trong đó có việc sắp xếp học sinh ở các điểm lẻ là không dưới 20 em/lớp và đây là điều nhà trường rất băn khoăn bởi số học sinh ở điểm lẻ rất ít, nếu không tuyển đủ thì khó mà mở lớp. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường cũng đang tích cực vận động học sinh học ở các điểm lẻ.

Theo thầy Khá, năm qua, trường luôn đảm bảo sĩ số học sinh 100% và năm nay mục tiêu của nhà trường cũng phấn đấu giữ vững, không để em nào bỏ học cũng như phấn đấu đạt kết quả tốt trong các hoạt động phong trào.

Còn cô Lâm Hồng Nhung - phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho hay, trường cũng đang tất bật với công tác tuyển sinh đầu năm. Theo dự kiến, trường tuyển 30 cháu cho lớp mầm, 60 cháu cho lớp chồi và 185 cháu cho lớp lá. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tuyển đủ số cháu như theo dự kiến.

Theo cô Nhung, ngay từ đầu năm, giáo viên của trường đã tỏa đi các ấp để vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Tuy nhiên, trường nằm ở vùng nông thôn, địa bàn rất rộng với 12 ấp nên việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là đối với các cháu nhỏ. Một phần nữa là đời sống của người dân còn thiếu thốn nên chưa đăng ký cho con em đến trường.

Trong khi đó, theo đề án 826 “Tiếp tục sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 - 2015” vừa được UBND tỉnh triển khai thực hiện thì số giáo viên dư không phải nhỏ. Theo đề án của tỉnh, nếu giữ nguyên hiện trạng số trường, lớp như hiện nay thì toàn ngành sẽ dư 220 giáo viên. Còn nếu sắp xếp lại số học sinh bình quân/lớp theo đúng quy định thì số giáo viên dư trên 1.300, trong đó dư nhiều nhất là bậc Tiểu học khoảng 600 giáo viên.

Về đề án 826, nhiều lãnh đạo các trường trên địa bàn tỉnh cho rằng, đề án 826 là khá hợp lý. Đơn cử như một lớp chỉ có 10 học sinh mà phải trả lương cho giáo viên cả một năm thì lãng phí công lao động. Còn theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, với số giáo viên dôi dư, tỉnh sẽ sắp xếp lại như cho nghỉ hưu, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ để chuyển qua công tác khác trong trường học như thư viện, y tế…

Theo kế hoạch năm học 2013 - 2014 của Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, các bậc Mầm non và Tiểu học tựu trường vào ngày 19/8; bậc THCS, THPT và GDTX tựu trường vào ngày 5/8; các trường sẽ khai giảng năm học 2013 - 2014 vào ngày 5/9.

Học sinh ĐBSCL bước vào năm học mới.
Học sinh ĐBSCL bước vào năm học mới.

Đẩy mạnh khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất

Theo thống kê, năm học 2012 - 2013, nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn còn thiếu phòng học, đặc biệt là phòng học ở bậc Mầm non và Tiểu học. Nhiều xã, phường chưa có trường Mầm non độc lập, chưa có nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình... Do đó, trong năm học mới 2013 - 2014, nhiều địa phương đã đẩy mạnh khắc phục tình trạng này.

Ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang cho biết, nhiều trường Mầm non đã được tỉnh đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng như: Mầm non Lương Nghĩa, Thuận Hòa (huyện Long Mỹ), Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng (huyện Phụng Hiệp), Phường 4 (TP. Vị Thanh)… góp phần đáp ứng nhu cầu học tập cho các cháu ở vùng sâu.

Trong khi đó, nhiều địa phương của TP Cần Thơ cũng đang cố gắng hoàn thành các công trình trường học để đưa vào sử dụng trong năm học này. Như quận Thốt Nốt đầu tư hàng chục tỷ đồng để sữa chữa lại các trường Mẫu giáo Tân Hưng, THCS Tân Hưng, THCS Thới Thuận 1; quận Bình Thủy cho xây mới Trường THCS Long Hòa khoảng 15 tỷ đồng; xây dựng Trường Tiểu học Long Tuyền 2 khoảng 38,8 tỉ đồng…

Còn tỉnh Đồng Tháp đã chi hơn 140 tỷ đồng để xây mới hơn 700 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục khác; cho sữa chữa trên 400 phòng học, phòng chức năng và mua mới nhiều bàn ghế học sinh…góp phần đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như công tác giảng dạy.

Theo ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu, ngành đã triển khai xong đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên với 692 phòng học và 349 căn nhà công vụ. Ngành đã đưa vào sử dụng 634 phòng học, 305 nhà công vụ và trong năm học này sẽ đưa tiếp 58 phòng học và 44 nhà công vụ vào sử dụng.

Lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL cho biết, dù vẫn còn những khó khăn nhất định nhưng nhìn chung, ngành giáo dục các địa phương đã đầu tư “hết mình” cho các công trình trường lớp để khắc phục tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, góp phần cho một năm học mới an toàn, phấn khởi, chất lượng.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm