1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Dạy thí điểm chương trình đổi mới các môn Lý luận chính trị vào học kỳ hai năm 2018

(Dân trí) - Ngày 30/7, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm nội dung chương trình, giáo trình các môn Lý luận Chính trị (chuyên và không chuyên) với sự tham gia của đại diện 23 trường đại học, học viện ở khu vực phía Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết thực hiện triển khai Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, Ban Tuyên giáo và Bộ GD-ĐT đã thành lập ra Ban chỉ đạo Biên soạn chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị (chuyên và không chuyên) với 5 Hội đồng biên soạn 5 môn gồm: Kinh tế Chính trị Mác - Lênin, Hội đồng Biên soạn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Kinh tế Chính trị Mác - Lênin, Triết học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi toạ đàm
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi toạ đàm

Qua thời gian làm việc của các Hội đồng, đến nay bản thảo giáo trình các môn học nói trên đã hoàn thành và tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các giảng viên đang giảng dạy trực tiếp các bộ môn nói trên ở các trường ĐH, học viện để tiếp tục hoàn thiện bản thảo trên cơ sở đảm bảo tính liên thông, tính khoa học, tính chính xác, cập nhật trong quá trình đổi mới đất nước.

Theo đó, sau khi hoàn thiện giáo trình các môn Lý luận chính trị (chuyên và không chuyên), dự kiến Bộ sẽ được triển khai thí điểm ở một số trường vào học kỳ 2 năm học 2018-2019. Sau đó, sẽ sơ kết để đúc rút kinh nghiệm tiến tới thực hiện đại trà.

Còn PGS. TS Phạm Văn Linh, Trưởng ban chỉ đạo Biên soạn chương trình, giáo trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, việc đổi mới chương trình, giáo trình các môn Lý luận Chính trị (chuyên và không chuyên) là yêu cầu cần thiết cho việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

“Đây là một công việc khó bởi vì đòi hỏi chất lượng giáo trình và sách giáo khoa, nó không chỉ từ nhận thức trong từng người trong nhà trường mà còn đòi hỏi chất lượng giáo dục trong toàn xã hội. Yêu cầu đổi mới này đòi hỏi sự kết hợp sức mạnh trí tuệ của không chỉ cá nhân các thành viên trong hội đồng, của đội ngũ giáo viên và đòi hỏi mỗi cá nhân luôn có trách nhiệm ở mức cao nhất.

Ông Linh hi vọng các giảng viên sẽ có thời gian thảo luận, làm việc theo các tổ một cách nghiêm túc, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, tích cực đóng góp những ý kiến xác đáng, có tính chuyên môn cao, tính khoa học, tính sư phạm... cho các hội đồng để bản thảo giáo trình được hoàn thiện.

Đại diện 23 trường ĐH, học viện ở khu vực phía Nam sẽ góp ý cho nội dung đổi mới chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị
Đại diện 23 trường ĐH, học viện ở khu vực phía Nam sẽ góp ý cho nội dung đổi mới chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị

Dưới góc độ là những người trực tiếp giảng dạy, PGS. TS Phạm Văn Linh cũng lưu ý thêm với các giảng viên có thể góp ý thêm về thời lượng chương trình, số tín chỉ, cấu trúc bài học, chuẩn mực giáo trình, văn phong giáo trình, …Từ nội dung bản thảo, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học như thế nào?

Theo ông Linh, những nội dung góp ý cũng phải làm sao phù hợp với yêu cầu đổi mới, làm sao phát huy sự sáng tạo cho người học. Từ chỗ chỉ truyền kiến thức thì giờ đây đổi mới theo hướng khuyến khích kỹ năng trong các môn học như thế nào. Bản thân các môn giáo dục tư tưởng chính trị không phải không hấp dẫn, không phải không có tính khoa học thế nhưng tại sao tính hấp dẫn môn học vẫn chưa đạt được như cái vốn có của nó. Tất cả đều nằm ở chất lượng giảng dạy, phương pháp giảng dạy.

Lê Phương