Dạy thêm và học thêm vào “mùa”: Người học hãy cân nhắc kỹ
Đã có nhiều văn bản cấm dạy thêm, học thêm (DTHT), nhưng chỉ là chuyện “đánh trống bỏ dùi”, vì DTHT đã được “xã hội hóa”, vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, trở thành một “vấn nạn”. Các trường từ lớp mẫu giáo trở lên đành chấp nhận “sống chung” với DTHT.
Thường là vào đầu tháng 3, đặc biệt là khi Bộ GDĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp phổ thông, lúc đó mới chính thức bước vào “mùa” DTHT. “Thời vụ” kéo dài cho đến trung tuần tháng 7, lúc kết thúc các kỳ thi ĐH-CĐ. “Mùa” DTHT được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chấm dứt trước ngày thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT). Giai đoạn 2 “luyện thi ĐH” cấp tốc.
Các em học sinh nếu khả năng học lực chỉ ở mức trung bình nên xác định thi TNPT, sau đó thi vào trường trung cấp, dạy nghề thì không cần thiết phải học thêm. Làm người thợ có “bàn tay vàng” giá trị hơn một kỹ sư trung bình nhiều lần. Các em chỉ cần cù, chăm chỉ học trên lớp chính khóa là đủ kiến thức cơ bản thi đỗ TNPT.
Những học sinh có học lực khá thực chất, có nguyện vọng thi ĐH, cần thiết hãy học thêm. Không phải tất cả học sinh học thêm là thi đỗ vào ĐH. Trong khi nhiều “học sinh nghèo vượt khó”, sáng đến trường học, chiều về phụ cha mẹ chăn trâu, cày ruộng, vào rừng kiếm củi... cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vẫn đỗ thủ khoa ĐH.
“Mùa” DTHT đã đến. Người dạy, cũng như người học cần học tập người nông dân, cân nhắc kỹ, chọn phương án tối ưu, phù hợp với điều kiện, năng lực của mình, đáng học thêm thì học thêm, chọn trường vừa sức để nộp hồ sơ thi. Đừng “trèo cao, ngã đau”. Các cụ ta dạy: Biết mình... trăm trận trăm thắng. Năm học này Bộ GDĐT ban hành dự thảo quy chế “Quản lý DTHT”.
Nếu các nhà quản lý giáo dục của Bộ muốn dự thảo có giá trị thực tiễn, đi vào cuộc sống, Bộ nên cử cán bộ có năng lực thực sự đến các trung tâm DTHT điều tra, tìm hiểu xem có đủ sức quản lý DTHT được hay không? Kể cả việc “đá” quả bóng quản lý DTHT sang cho chính quyền sở tại? Hay thay dự thảo quản lý DTHT bằng một dự thảo khác chủ động, tích cực hơn, tìm được tiếng nói đồng thuận của thầy, trò, cha mẹ học sinh, dư luận xã hội là “Hợp pháp hóa DTHT” tạo hành lang pháp lý cho các thầy cô giáo có tài, có đức yên tâm hành nghề.
Và nghề cũng sẽ tự đào thải những kẻ làm ăn bất chính, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, làm “xấu mặt” ngành giáo dục đang trong quá trình cải cách để tự làm mới mình.