Bạn đọc viết:
Dạy thêm, học thêm: Đừng áp cái nhìn phiến diện
(Dân trí) - Trước tiên tôi không phủ nhận thực tế có những "con sâu làm rầu nồi canh" làm cho bức tranh dạy thêm - học thêm còn đầy những mảng màu tiêu cực. Thế nhưng đừng áp cái nhìn phiến diện để làm u ám thêm bức tranh giáo dục Việt Nam. Xin dẫn chứng bằng 2 câu chuyện của bản thân tôi:
1. Năm lớp 10 tôi quyết định đi học thêm môn Văn. Thoạt nghe ắt nhiều người sẽ bật cười bởi quan niệm văn đơn giản là học thuộc bài chứ có gì mà học thêm. Thực chất mỗi buổi học thêm văn với tôi là một thế giới muôn màu hấp dẫn. Trước khi bắt đầu bài giảng, cô sẽ cho tôi đọc tác phẩm rồi tha hồ nói lên suy nghĩ của mình. Tự trình bày cảm xúc yêu/ghét nhân vật, tự tìm kiếm những chất liệu nghệ thuật làm nên tác phẩm hay tự hóa thân vào tác giả để sống lại giai đoạn lịch sử để hiểu về ra đời của tác phẩm. Mỗi tiết dạy thêm, chúng tôi được đào sâu, ngụp lặn trong những bài thơ, áng văn, được biết thêm những câu chuyện bên lề tác phẩm. Chúng tôi được phản biện về tác phẩm, về nhân vật và được lắng nghe. Và từ đó tôi hiểu và yêu thêm những tác phẩm mình được học. Để làm được điều đó, với 45 phút của một tiết học trong lớp là điều rất khó. Không phải vì các thầy cô không tận tâm hay "ém hàng" mà đơn giản vì họ sợ "cháy giáo án". Bởi thế đôi khi giáo viên chỉ đủ để truyền tải 1 chiều những kiến thức khuôn mẫu trong sách giáo khoa mà không có sự phản biện. Đó mới là sự "áp đặt" cả về kiến thức lẫn tư duy, Vậy làm sao chúng tôi có thể yêu một áng thi ca hay hiểu trọn vẹn cả một quyển tiểu thuyết đồ sộ chỉ trong 1-2 tiết học ngắn ngủi.
Với môn toán cũng thế, những tiết học ngắn ngủi trong lớp liệu đã đủ để các em tự mình mày mò tìm ra những cách giải hay, mới lạ ...hay chỉ đủ để thầy cô nói qua một lượng kiến thức khổng lồ với vài bài tập cơ bản? Chưa kể khi trình độ các em với nhiều mức độ khác nhau, làm sao trong cùng 1 tiết học các em yếu có thể giải những bài toán cơ bản nhất, trong khi các em khá có thể thử sức ở mức cao hơn? Chính các môn đòi hỏi tư duy nhiều khiến các em càng phải học thêm!
2. Câu chuyện thứ 2 bắt đầu khi con tôi vào lớp 1. Tôi đã chủ trương không cho con mình học thêm trước mà chỉ dạy bé biết sơ vài chữ cái trong mấy tháng hè. Dù bé rất thông minh và chăm học nhưng phải nói là bé thật sự "bơi" khi vào lớp 1. Những chữ, vần ghép mà tôi phải mất hàng tuần mới giúp bé nhớ được thì trong lớp cô chỉ có thể lướt qua trong vài buổi học theo giáo án. Dù cô không ra bài tập nhưng tối nào tôi cũng phải cùng con ngồi vào bàn học để kèm cho cháu theo kịp chương trình. Nhiều bậc phụ huynh khác thì than thở không biết cách dạy sao cho con hiểu. Trong lớp thì cô không tài nào kèm cặp, nắn nót từng nét bút cho cả 46 em. Rốt cuộc cô giáo cũng nhờ phụ huynh hỗ trợ mà phụ huynh cũng "năn nỉ" cô giúp giùm.
3. Vậy nguyên nhân từ đâu? Xin thưa là có rất nhiều. Đó là từ sự quá tải của chương trình. Đơn cử như môn Anh văn. Với lượng kiến thức từ lớp 6 đến 12 chắc đã đủ cho các em thi lấy bằng quốc tế. Nhưng lượng kiến thức đó được "nhồi nhét" trong những giờ học nặng ngữ pháp, thiếu thực hành, khô khan... Nên hậu quả là các em phải đổ xô đến các trung tâm. Môn Văn thì đòi hỏi các em học sinh còn chưa đến tuổi trưởng thành phải hiểu những kiệt tác của nhân loại qua vài trích đoạn trong những tiết học ngắn ngủi... Môn toán thì hàn lâm, nặng lý thuyết nên hệ quả là học sinh chúng ta đi thi quốc tế thì lý thuyết được giải cao nhưng bước vào thực hành thì ú ớ!
4. Nguyên nhân thứ hai là do cho tới bây giờ chúng ta học vẫn chỉ để thi. Nên thay đổi cách thi là nhà nhà đổ xô đi học thêm theo cách thi mới. Thi xong kiến thức cũng bay. Thử hỏi có mấy ai không làm về lĩnh vực khoa học tự nhiên còn nhớ tích phân, hàm số là gì? Hay mấy ai còn nhớ trong chiến dịch Thu Đông ta diệt mấy tên địch, thu bao nhiêu vũ khí?
Tôi tâm đắc với "tâm thư" của một bạn học sinh khi nói: Vì sao giáo viên chỉ phải dạy một môn còn các em phải học giỏi tất cả các môn. Câu chuyên dạy thêm-học thêm chắc sẽ giảm bớt nếu các bậc phụ huynh chấp nhận con mình ở mức "làng nhàng" trong 1 môn học nào đó, và chắc chắn môn đó sẽ không thi ĐH.
Nếu nói học sinh trường quốc tế không phải học thêm. Xin thưa vì các em sẽ không thi đại học ở Việt Nam. Nếu thi thì em sẽ phải học thêm còn nhiều hơn học sinh ở trường phổ thông bình thường.
Nếu nói thế giới không học thêm thì xin thưa tại Nhật Bản, một quốc gia phát triển, cũng là nơi là áp lực dạy thêm-học thêm cực kỳ kinh khủng!
Nếu nói giáo viên dạy thêm vì tiền. Đó là sự xúc phạm không nhỏ. Bởi họ có kiến thức, có kỹ năng thì sao không thể sống bằng kiến thức, kỹ năng đó. Hay kiến thức, tư duy phải là "miễn phí" ? Và chúng ta "hả hê, sung sướng, hài lòng" vì thầy cô sống "thanh bạch" . Đúng ! Giáo dục không phải là cơ chế thị trường, mua bán.... Nhưng kiếm sống chân chính bằng kiến thức và kỹ năng của mình là điều bình thường và đáng trân trọng. Và học sinh có quyền chọn những người thầy, người cô dạy giỏi để được trao truyền những kiến thức tốt nhất bằng cách hấp dẫn nhất.
Chỉ khi có những "con sâu" dùng quyền lực, mánh khóe của mình để "đì", dọa nạt bắt các em đi học thì mới đáng lên án! Nhưng không thể vì lý do đó mà chúng ta nhìn không đúng bản chất vấn đề. Dạy thêm/học thêm là cái tất yếu của một nền giáo dục "hàn lâm" đang quá tải về chương trình, nặng về thành tích! Khi và chỉ khi giải quyết được "căn bệnh" đó thì mới chấm dứt chuyện dạy thêm-học thêm!
Vân Trần
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!