Dạy học từ thực tế

Thay vì giảng dạy theo kiểu “thầy đọc, trò chép”, nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã chủ động thiết kế các chương trình dạy học thực tiễn.

Học Lịch sử tại bảo tàng, học Sinh học tại thảo cầm viên hay học Văn thông qua các dự án du lịch, các hoạt động thiện nguyện… là cách mà nhiều trường học tại TPHCM đang triển khai cho đông đảo học sinh.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở Quận 4, các tiết học về đạo đức, sức khỏe thường được thầy cô trong trường thiết kế thành những buổi ngoại khóa giúp trẻ vừa học, vừa chơi nhưng vẫn biết áp dụng kiến thức vào cuộc sống.

Dạy học từ thực tế - 1

Chương trình học thực tế giúp học sinh có trải nghiệm thú vị bên ngoài sách vở.

Còn tại Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn ở Quận 1, hai năm nay, môn Văn được dạy theo hướng sinh động, gần gũi thông qua nhiều dự án thiết thực như tập làm hướng dẫn viên du lịch, tham gia các chương trình thiện nguyện…

Bà Nguyễn Thúy, người khởi xướng chương trình dạy Văn thuyết minh bằng dự án tại Trường THS Trần Văn Ơn ở cho biết, đây là cách làm để tạo hứng thú cho các em học sinh. Nhờ vậy mà thay vì học lý thuyết rồi làm bài kiểm tra trên lớp, các em học sinh trong trường được tham gia nhiều hoạt động bổ ích như tự làm đồ chơi tặng trẻ em nghèo, làm vật dụng từ đồ tái chế…

Bà Nguyễn Thúy nói: “Người giáo viên mà khi bước lên lớp được học sinh yêu thích vì mình nghĩ ra những phương pháp mới để các em học nhẹ nhàng hơn là niềm vui lớn. Ở đây học nhẹ nhàng nhưng các em vẫn nắm được trọng tâm của bài. Từ đó các em học sinh cảm thấy thích môn Ngữ văn, thích luôn cả cô, mình vui vì điều đó”.

Không còn những giờ học nhàm chán, khô khan, các tiết Văn thuyết minh giờ vui vẻ, nhộn nhịp hơn. Nét mới này giúp các em học sinh tích hợp được nhiều môn học và rèn kỹ năng giao tiếp, thuyết trình cũng như làm việc nhóm. Sau khi hoàn thành, các nhóm được giao nhiệm vụ thuyết trình về ý nghĩa của sản phẩm đó trước khi chia sẻ về dự án trên trang thông tin của lớp. Điểm kiểm tra của mỗi học sinh được đánh giá dựa trên kết quả sáng tạo và chất lượng dự án mà cả tổ thực hiện. Theo Phạm Uyên Nhi, học sinh nhà trường, cách học này thực sự rất thú vị: “Nếu chỉ ngồi trên lớp học xong làm bài kiểm tra rất nhàm chán. Khi tụi em ra ngoài trải nghiệm sẽ thích thú hơn. Do đó tụi em mong rằng tất cả các môn học đều sẽ có được những trải nghiệm thực tế như thế này.”.

Từ năm học này, tiếng chuông chuyển tiết tại Trường THCS Lê Quý Đôn được thay thế bằng các làn điệu dân ca ba miền. Đây cũng là thời điểm Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc của trường đi vào hoạt động chính thức với lịch định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần.

Bà Lê Thị Ngọc Loan, giáo viên bộ môn Âm nhạc Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn cho biết, cách dạy mới này đã thu hút được sự quan tâm của học sinh. Đến thời điểm hiện tại có khá nhiều em tự nguyện đăng ký tham gia câu lạc bộ. Không chỉ chọn học đánh đàn bầu, đàn tranh, nhiều em còn thích thú ngân nga các làn điệu quen thuộc: “Cách dạy âm nhạc truyền thống bài bản nhưng mang tính hàn lâm. Còn cách dạy này thực tiễn. Chúng tôi sẽ dạy các em độc tấu rồi hòa tấu. Khi chơi đàn cùng nhau, học sinh sẽ vỡ ra được các nhịp, phách rồi các âm thanh phải nhấn nhá sao để tạo được nét cảm nhận khi từng nốt nhạc vang lên.”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM việc chủ động thiết kế các tiết học thực tiễn dựa trên phương pháp giáo dục tích cực đang được nhiều trường triển khai thành công.

Thời gian tới, ngành giáo dục – đào tạo thành phố sẽ đẩy mạnh mô hình này để kích thích tinh thần sáng tạo, đam mê khám phá của học sinh các cấp.

Vấn đề cần lưu ý ở đây là các trường cần có sự đổi mới đồng bộ, xuyên suốt để tạo được môi trường thuận lợi nhất cho học sinh trải nghiệm: “Đi kèm với đó là việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Nhà trường đánh giá năng lực học sinh không chỉ thông qua việc kiểm tra kiến thức thuần túy mà soạn được những câu hỏi để học sinh thể hiện được các mức độ thông hiểu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn như thế nào”.

Cách dạy tích cực đòi hỏi sự đầu tư chỉn chu và óc sáng tạo không ngừng của người thầy.

Để có được một buổi học trọn vẹn gắn liền với thực tiễn, chuẩn bị một giáo án hoàn chỉnh thôi chưa đủ, cái mà giáo viên cần có là sự kết nối, dẫn dắt khéo léo để học sinh phát huy được thế mạnh của mình.

Mỗi tiết học giờ đây biến thành một dự án, nơi mà giáo viên đóng vai trò tư vấn, gợi mở, còn người chịu trách nhiệm tìm hướng giải quyết tình huống là các em học sinh chứ không ai khác.

Theo Mỹ Dung

VOV