Đầu Xuân bàn chuyện phát triển giáo dục

Vào thời điểm cuối năm với nhiều bận rộn, nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và 8 nhà giáo có nhiều năm trong nghề dạy học đã dành hơn 2 giờ rưỡi đồng hồ để bàn chuyện phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Tất cả cho giáo dục

 

8 nhà giáo lão thành được mời đến là GS Hoàng Như Mai, GS Lê Trí Viễn, GS Trần Thanh Đạm, PGS-TS Lương Ngọc Toản, GS-TS Nguyễn Chung Tú, GS-TS Trần Hồng Quân, GS Phạm Phụ, thầy Nguyễn Văn Hạnh. Không thiếu một ai trong buổi họp mặt cuối năm, từ GS-TS Nguyễn Chung Tú đi phải có người dìu đỡ cho đến GS Hoàng Như Mai tóc trắng như cước, đã chứng tỏ rằng các thầy tuy tuổi cao nhưng tâm huyết dành cho giáo dục vẫn không hề suy giảm theo thời gian.

 

GS-TS Nguyễn Chung Tú nhấn mạnh: Không có biện pháp nào chống lại tiêu cực một cách hữu hiệu nhất. Có biện pháp con người cũng tìm cách đối phó, cho nên phải để con người tự ý thức được làm bậy là xấu, biết xấu để tránh, để không làm. GS đề nghị bộ phải cải tổ lại chương trình phổ thông, trong đó bậc tiểu học cần phải đặt nặng vấn đề giáo dục đạo đức, ở bậc THCS ít nhất mỗi tuần phải có 2 giờ dạy luân lý. Đây là 2 cấp bậc cần đặt nền tảng đạo đức để khi học lên trên nữa, các em tự xây dựng ý thức có những hành vi tốt.

 

Đồng tình với ý kiến cần phải thay sách vì sách quá tải, GS Phạm Phụ trích dẫn một nghiên cứu cho thấy: Sức khỏe tâm thần ở các nước khác bình quân chỉ có 4,5% nhưng ở Việt Nam là 19%. Cách thiết kế chương trình môn toán, môn tiếng Việt… ở phổ thông giống như là đào tạo học sinh trở thành nhà toán học, nhà ngôn ngữ học. Trong khi đó, chúng ta chỉ có 25% lao động có qua đào tạo. Nghĩa là giáo dục chúng ta thiếu rất nhiều nhưng lại thừa rất nhiều, chương trình giáo dục phổ thông đang “giết chết” học sinh.

 

GS cho rằng đổi mới đơn giản nhất và ít tốn kém nhất chính là thay đổi lại nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông. GS Hoàng Như Mai đề nghị: Cần phải có khẩu hiệu “Tất cả cho giáo dục”. Có điều kiện đãi ngộ người thầy xứng đáng để người thầy toàn tâm cho giáo dục. Khi lương đủ sống, xã hội đòi hỏi tinh thần trách nhiệm người thầy ở mức cao nhất.

 

Không hội nhập, chúng ta sẽ trả giá!

 

Trong bối cảnh đất nước gia nhập WTO, chúng ta phải cạnh tranh ở nhiều mặt, thị trường thương mại, hàng hóa, lao động… Không đứng ngoài cuộc những cạnh tranh này, bản thân ngành giáo dục cũng chịu một áp lực rất lớn. GS-TS Trần Hồng Quân sốt ruột: Nội dung, chương trình, phương pháp của chúng ta lạc hậu nhiều chục năm. Phải nhanh chóng hội nhập, nếu không cả đất nước phải trả giá, chứ không riêng gì giáo dục.

 

Theo ông, phải tìm giải pháp để giáo dục đột phá, lối ra đã rõ, nếu chúng ta tập trung vào giải quyết vấn đề giáo viên, không chỉ ở khâu đào tạo mà còn ở chế độ chính sách. Ông đưa dẫn chứng từ khi có hệ số ưu đãi cho người thầy thì ngành giáo dục tuyển được nhiều người khá vào ngành, hơn hẳn cái thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

 

Nếu như GS Lê Trí Viễn còn băn khoăn có nên kêu gọi nước ngoài đầu tư ở lĩnh vực giáo dục hay không thì GS-TS Trần Hồng Quân lại có quan điểm mạnh dạn hơn. Đó là có chính sách lôi kéo đầu tư, hợp tác quốc tế trong giáo dục, hoàn chỉnh cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, để “trường ra trường, lớp ra lớp”. Ông cho rằng đầu tư nguồn nhân lực, đào tạo con người có kỹ năng làm việc là ưu tiên số 1, tất nhiên không tách rời với đầu tư con người toàn diện.

 

Thầy Nguyễn Văn Hạnh đề nghị bộ quan tâm đến nghiên cứu chiến lược giáo dục, chú ý vấn đề dân tộc hóa, quốc tế hóa, tiếp thu chọn lọc cái hay của nước ngoài, biết mình cần gì, thiếu gì. PGS-TS Lương Ngọc Toản nói: “Bộ cần nghiên cứu và biết khai thác sức mạnh thời đại. Nên khai thác những gì thế giới làm được tạo bước tiến cho giáo dục. Bên cạnh việc giáo dục đạo đức, cần học ngay trình độ công nghệ và khoa học, áp dụng chương trình tiên tiến của thế giới để giáo dục đi lên”.

 

Thận trọng hơn, GS Trần Thanh Đạm cũng lưu ý nguy cơ “chưa hòa nhập đã hòa tan” và đề nghị giáo dục nên trở lại theo 3 phương châm: dân tộc, khoa học, đại chúng. GS phân tích nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gian lận trong thi cử ngày càng tinh vi vì sức ép vào ĐH. Chỉ cần thiếu nửa điểm là thí sinh đứng ngoài giảng đường ĐH, do vậy phụ huynh học sinh và học sinh tìm mọi cách để con em vào ĐH, con đường thường được xem khởi đầu của sự tiến thân và thành đạt.

 

Theo Hồng Liên

Sài Gòn Giải Phóng