Đấu thầu đào tạo giáo viên: Giải pháp không chuẩn sẽ để lại hệ lụy lớn!

(Dân trí) - Vấn đề đấu thầu đào tạo giáo viên không đơn thuần là việc mua bán mà đây là trọng trách đối với tương lai giáo dục của đất nước.

Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại Hội nghị: "Triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ - CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương" do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay 29/4 tại Hà Nội. Ý kiến của GS Nguyễn Văn Minh đã được rất nhiều đại biểu dự hội nghị tán thành.

Đấu thầu đào tạo giáo viên: Giải pháp không chuẩn sẽ để lại hệ lụy lớn! - 1

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị 

Nghị định 116/2020/NĐ - CP tác động tới toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định: "Nghị định 116/2020/NĐ - CP là một văn bản quan trọng, tác động không chỉ đối với việc gắn đào tạo với sử dụng mà hệ quả có tác động rất to lớn đến chất lượng đội ngũ giáo viên, tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, mầm non và cuối cùng quyết định sự thành bại của giáo dục đất nước. Nhất là chúng ta đang triển khai đổi mới giáo dục".

Theo GS Minh, trước đây, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã có những tác động tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, mọi chính sách đều chỉ thích hợp với một giai đoạn lịch sử. Về sau, những hệ quả của nó để lại không phải tất cả đều ưu việt.

Tâm lý ỷ lại, tình trạng thừa thiếu cục bộ, chất lượng đầu vào một số cơ sở đào tạo chưa thật tốt, nguồn lực con người, tài chính cũng bị tác động.

Với Nghị định 116/2020/NĐ - CP của Chính phủ về tổng thể đã định hướng để giải quyết các bất cập trên và mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên nhằm phát triển giáo dục đất nước.

"Hội nghị hôm nay bàn về vấn đề thực hiện. Giải pháp đúng sẽ mang lại hiệu quả tốt, giải pháp không chuẩn sẽ đưa đến hệ lụy khó lường" - GS Minh nhấn mạnh.

Phân tích về Nghị định 116/2020/NĐ-CP, GS Minh cho biết, so với Chính sách cũ (Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị định 86) thì Chính sách mới (Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 116) có nhiều đổi mới.

Cụ thể: Chính sách hướng tới việc đầu tư đúng đối tượng (sinh viên sư phạm); mức hỗ trợ thích đáng  là học phí + sinh hoạt phí) và đảm bảo hiệu quả của việc đầu tư.

Chính sách đã nêu rõ, đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu tuyển dụng của địa phương và sinh viên phải cam kết khi hưởng chính sách; hạn chế tối đa việc sinh viên sư phạm ra trường đã được hưởng chính sách không làm đúng nghề; gắn được việc đào tạo với nơi có nhu cầu sử dụng;

Chính sách đã yêu cầu tính trách nhiệm của người hưởng với lựa chọn của mình khi tiếp nhận ưu đãi là sinh viên phải ký cam kết trước khi vào học thì mới được hưởng chính sách và có ràng buộc pháp lý rõ ràng.

Bên cạnh đó, chính sách đã đa dạng hóa các nguồn tài trợ cho đào tạo sư phạm: từ ngân sách nhà nước (Bộ và các địa phương),  từ các công ty và cơ sở có nhu cầu sử dụng lao động, từ  các gia đình và cá nhân nếu có nhu cầu học sư phạm và không cần hưởng chính sách thì các em vẫn đóng học phí bình thường.

Đặc biệt, với mức hỗ trợ thỏa đáng là học phí và sinh hoạt phí, cơ chế đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp nên sẽ thu hút sinh viên giỏi. Do đó, cơ chế đặt hàng, đấu thầu, đào tạo theo nhu cầu xã hội đặt ra cho các trường yêu cầu phải năng động hơn đồng thời cũng tự chủ hơn.

Đấu thầu đào tạo giáo viên: Giải pháp không chuẩn sẽ để lại hệ lụy lớn! - 2

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Đấu thầu đào tạo giáo viên không đơn thuần là việc mua bán 

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Minh băn khoăn, lo lắng và đưa ra cảnh báo khi triển khai thực hiện chính sách đấu thầu đào tạo giáo viên trong thực tế, cần phải tìm hiểu kỹ trước một quyết định rất hệ trọng, để làm sao thực hiện tốt nhất có thể.

GS Minh cho hay, từ kinh nghiệm đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển cho thấy, chất lượng đầu vào rất thấp, chỉ bằng điểm sàn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp xong lại không về địa phương công tác. Do vậy, khi triển khai Nghị định 116/2020/NĐ - CP cần nghiên cứu kỹ triển khai thế nào để có sinh viên đầu vào tốt nhất?

Đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là điều kiện cần, "không có bột thì khó gột nên hồ". Thiếu những thí sinh có năng lực thì không dễ tổ chức đào tạo tốt được. Phải có giải pháp để đào tạo được giáo viên có chất lượng cao nhất có thể.

Theo đó, cần bảo đảm cân đối cung - cầu, bài toán ngân sách, số lượng theo yêu cầu và giải quyết các hệ lụy thừa thiếu cục bộ, các vấn đề xã hội khác hiện nay. Điều này, cần sự chủ động của các địa phương và các cơ sở đào tạo cùng phối hợp.

"Việc đấu thầu, đặt hàng nằm trong quy luật của thị trường, bài toán chất lượng và tài chính có được đặt ra một cách trách nhiệm cao nhất hay không?, làm sao để loại trừ các chi phối tiêu cực, vì nhớ rằng, đây không đơn thuần là việc mua bán mà đây là trọng trách đối với tương lai giáo dục của đất nước" - GS Minh nhấn mạnh.

"Tiền nào của ấy"

Góp ý về công văn hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, có nêu rõ: "UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên đối với cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc địa phương để đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương".

GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: "Việc này chắc chắn diễn ra theo xu thế chung, nghĩa là cơ sở có bao nhiêu chỉ tiêu sẽ giao hết trước khi làm việc với cơ sở khác.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy, ngưỡng đầu vào sẽ đúng sàn, như vậy liệu chăng vấn đề thí sinh đầu vào có tốt nhất hay chưa? Nên chăng, thí sinh sẽ được chọn trường trên cơ sở cam kết của họ theo đúng quy định? cách nào tối ưu hơn?... nhìn chung, thí sinh sẽ chọn trường yêu cầu dễ nhiều hơn, và vô hình chung tạo ra lộ trình cho giảm chất lượng".

GS Minh góp ý, địa phương muốn có giáo viên có chất lượng, một trong các cách  để thí sinh đăng kí, đầu tiên là xét từ kết quả thi từ cao xuống thấp và để thí sinh tự chọn trường theo ngưỡng đảm bảo chất lượng của mỗi cơ sở đào tạo. Nếu làm được sẽ giảm thiểu các khâu phức tạp.

Về đấu thầu và tham gia đấu thầu đào tạo giáo viên, GS Minh lưu ý tới 2 vấn đề đó là năng lực của cơ sở đào tạo và giá.

Theo ông, mỗi cơ sở giáo dục đều đã được kiểm định và đảm bảo các yêu cầu; cơ sở nào cũng "tuyên ngôn" đào tạo chất lượng cao và chưa có một cơ sở nào "tuyên ngôn" chất lượng khá. Như vậy, rất khó nói về năng lực (trừ số giảng viên, cơ sở vật chất), hay hơn là cơ sở đào tạo ít người học thì đất rộng, nhà cửa khang trang, nên chỉ còn giá để nói.

Khi bàn về giá, GS Minh ví von câu tục ngữ "tiền nào của ấy". Ông cho rằng, cạnh tranh về giá có những mặt tích cực, nhưng nếu thiếu thận trọng thì sẽ có những tiêu cực, mà tiêu cực để ra đời những thế hệ nhà giáo chất lượng không cao thì hệ lụy khôn lường. Khâu định giá không đơn giản, không loại trừ tác động thân hữu…

GS Minh đề xuất: "Bộ GD&ĐT cần dự báo nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các địa phương đăng kí nhu cầu theo từng giai đoạn với số lượng cụ thể vì Nhà nước bỏ tiền ra thì Nhà nước phải quản lý chất lượng, quản lý và phân bổ sản phẩm (sinh viên tốt nghiệp).

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn để sinh viên được quyền đề xuất nguyện vọng trên cơ sở yêu cầu của địa phương cần; nếu sinh viên không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi hoàn".

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ thì các thông tin liên quan đến giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên phải được công khai tại các trang thông tin điện tử của các địa phương, bộ /ngành có liên quan, cơ sở đào tạo giáo viên và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người học tham khảo, lựa chọn và cam kết tham gia học tập, công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương.

Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp và công khai danh sách, năng lực đào tạo trong năm tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo viên; chỉ tiêu đào tạo, điểm trúng tuyển theo ngành đào tạo (2 năm liền kề năm tuyển sinh) của các cơ sở đào tạo giáo viên để UBND cấp tỉnh, người học tham khảo, lựa chọn ngành đào tạo, cơ sở đào tạo trong nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu của địa phương.

Bộ GD-ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 15/5/2021.

Bộ GD-ĐT công khai danh sách, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên trên Cổng tin của Bộ trước ngày 15/5/2021.

Bộ GDĐT thông báo các thông tin hỗ trợ tới các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 30/5/2021.

UBND cấp tỉnh hoàn thành giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên đối với cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 15/6/2021.

Các cơ sở đào tạo giáo viên báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả thực hiện việc đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 trước ngày 31/12/2021.

 Hồng Hạnh

* Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm