Đau đầu tìm “đầu mối” cải tổ giáo dục đại học

(Dân trí) - “Ồ ạt nâng cấp trường từ cao đẳng, thậm chí trung cấp lên đại học, thành lập trường mới một cách vội vàng, bà An cho là đi đôi với việc “hạ cấp” chất lượng” - đại biểu Bùi Thị An “quy tội” việc chất lượng giáo dục đại học giảm mạnh thời gian qua.

Nâng cấp trường = hạ cấp chất lượng
 
Đau đầu tìm “đầu mối” cải tổ giáo dục đại học  - 1
Chất lượng các cử nhân sau khi ra trường đang là câu hỏi cho giáo dục đại học.
 
Thảo luận về dự luật Giáo dục đại học, nhiều đại biểu Quốc hội “phê” cơ quan soạn thảo vẫn chưa khắc phục được xu hướng chung chung, kiểu luật khung, luật ống, thiếu cụ thể chi tiết. Để có thể đi vào căn cơ, gốc rễ, đại biểu đặt vấn đề cần “mổ xẻ” thực chất mô hình đào tạo bậc học này hiện nay.
 
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất đánh giá lại chất lượng giáo dục đại học thời gian qua, nhất là từ năm 2005 đến nay. Bà An yêu cầu thống kê số lượng cũng như quy mô các trường được thành lập mới, nâng cấp - khu vực “báo động” về chất lượng đào tạo kém.

Việc ồ ạt nâng cấp trường từ cao đẳng, thậm chí trung cấp lên đại học, thành lập các trường mới một cách vội vàng, bà An cho là đi đôi với việc “hạ cấp” chất lượng. Ở các trường dân lập, cần thành lập Hội đồng nhà trường bên cạnh Hội đồng quản trị.

Cùng chung nhận định về việc mở trường tràn lan, đại biểu Nguyễn Đình Quyền phân tích: “Tình trạng “tỉnh tỉnh, nhà nhà, ngành ngành” đi làm trường đại học như vừa qua rất bất hợp lý, nhất là trong giai đoạn đang cần tăng cường hơn nữa chất lượng đào tạo”.

Theo đó, đại biểu nêu quan điểm bắt đầu “cải tổ” từ việc khắc phục quy hoạch đào tạo đại học bất hợp lý thời gian qua.

Nhiều đại biểu cũng chỉ ra nhiều "lỗ hổng" trong dự thảo luật đối với mục tiêu cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo. Những quy định căn bản liên quan đến việc thẩm định chất lượng các trường đại học chưa rõ ràng. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy, khuyến khích sự phát triển các các loại hình giáo dục đại học, nhưng không đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga cho rằng nên quy định kiểm định bắt buộc với tất cả các trường để cải thiện chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội. Hoạt động kiểm định phải được tiến hành độc lập, công bằng, tránh nể nang.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tỏ ý băn khoăn khi dự luật được soạn thảo theo hướng vì lợi ích của người “đẻ trứng” (các trường ĐH, người đào tạo) hơn là vì người “ăn trứng” (cha mẹ cho con đi học, những người tuyển dụng). Ông Nghĩa ví von hình tượng, “người ăn trứng” chính là cả xã hội, thối hay thơm, ngon hay dở đều phải lãnh đủ.

Đào tạo đại học không hẳn “tiền nào vải nấy”
 
Đau đầu tìm “đầu mối” cải tổ giáo dục đại học  - 2
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: "Tình trạng tỉnh tỉnh, nhà nhà, ngành ngành làm đại học vừa qua rất bất hợp lý".

Một nội dung nhận nhiều phiếu thuận trong luật là chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Đây được xem là một nguyên tắc, một phương thức đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phân tích, trường nào đầu tư đúng mức cho cả thi tuyển đầu vào và chất lượng đầu ra sẽ ngày càng có thương hiệu, càng thu hút được đầu vào tốt và đầu ra đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Ông Ngân đề nghị mạnh dạn thay đổi cơ chế học phí, để các trường được tự chủ tài chính. Khi đó, các trường sẽ có cách lấy thu bù chi, tích lũy hợp lý, nâng cao chất lượng tương xứng. Mặt khác, các trường cũng cần được tự chủ về tổ chức, nhân sự, chương trình học, giáo án và hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đề cao quyền tự chủ của các trường trong khâu tuyển sinh. Nhà nước có thể can thiệp, khống chế bằng điểm sàn để không có tình trạng “vơ vét” sinh viên, đầu vào quá thấp, không đảm bảo đầu ra khiến xã hội nghi ngờ chất lượng, mất uy tín của cơ sở đào tạo kiểu như mang danh dân lập, tại chức…

“Gật đầu” với phân tích này, ông Trần Hoàng Ngân xoáy sâu thêm nghịch lý không hẳn “tiền nào vải nấy” khi các trường dân lập học phí cao, đầu tư cao hơn nhưng chất lượng vẫn là “khoảng tối” trong khi các trường công lập đào tạo nhiều hơn (trường công lập chiếm 80% số trường đại học hiện nay) chất lượng vẫn đảm bảo. Song khi so sánh với mô hình giáo dục nước ngoài lại bị đánh giá chất lượng không đạt do… học phí thấp, mức đầu tư thấp.

Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) lật lại vấn đề: việc cho phép các trường tự chủ tuyển sinh đã được làm từ cách đây khoảng 10 năm. Rồi mấy chục năm nay, biết bao thế hệ học sinh cứ bị thử nghiệm hết cách này đến cách khác mà vẫn chưa tìm ra phương án cuối cùng.

Tán thành với nghi ngại của ông Quỳnh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cảnh báo sự bất ổn nếu giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường vì các trường có rất nhiều chiêu tiếp thị để thu hút sinh viên. "Ở các nước, đầu vào đại học rất nhẹ nhàng còn đầu ra rất quyết liệt. Nước ta thì ngược lại, đầu vào căng thẳng nhưng đầu ra không kiểm soát được", đại biểu so sánh.

Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) cũng chung quan điểm không thể giao hết quyền tự chủ cho các trường bởi e ngại sẽ dẫn đến rối loạn. Theo ông Thông, giao quyền tự chủ cho các trường chỉ nên dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Trường nào đảm bảo chất lượng đào tạo tốt thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

P.Thảo