Đạt điểm cao môn Lịch sử: Rất dễ!

(Dân trí) - PGS.TS Vũ Quang Hiển - Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, để đạt được điểm cao môn Lịch sử rất dễ nếu thí sinh luôn tự đặt và trả lời 3 câu hỏi sau.

Thứ nhất: “... như thế nào?” (trình bày, nêu, khái quát, tóm tắt)

Thứ hai: “Tại sao?” (giải thích)

Thứ ba: “Phân tích” (vừa trình bày, vừa giải thích, chứng minh, so sánh, đánh giá, phê phán)

Khi làm bài học sinh cần chú ý một số điểm như sau:

- Mỗi sự kiện hoặc quá trình lịch sử đều gắn với một hoàn cảnh nhất định, tức là nó chịu sự chi phối của những điều kiện cụ thể.

- Các sự kiện, các khía cạnh của mỗi sự kiện hoặc quá trình lịch sử không diễn ra độc lập bên cạnh nhau, hoặc kế tiếp nhau, mà có liên quan với nhau trong không gian và thời gian nhất định.

- Một sự kiện lịch sử có thể diễn ra trong một thời điểm, nhưng cũng có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài, được trình bày trong những bài khác nhau của SGK.

- Mỗi sự kiện lịch sử đều có nguyên nhân, nội dung, kết quả, ý nghĩa riêng. Có sự kiện bao gồm nội dung, nhưng cũng có những nội dung bao gồm nhiều sự kiện.

- Học sinh cần nói lại, hoặc viết ra giấy nội dung trả lời, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết, không được sử dụng tài liệu. Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thi cần học lại và viết lại.

Điều đáng chú ý là học sinh không bắt buộc phải trình bày mọi vấn đề lịch sử một cách máy móc, giống từng câu, từng chữ như SGK, mà có thể thay đổi câu chữ và bố cục, miễn là đảm bảo đúng nội dung. Mặt khác, có thể trình bày cả những kiến thức không có trong SGK. 

PGS.TS Vũ Quang Hiển cho biết,nhiều người cho rằng môn lịch sử là môn chỉ cần học thuộc lòng như sách giáo khoa là có thể đáp ứng được mọi kỳ thi. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Nếu vậy, người học chi cần mua SGK về học thuộc tại nhà, mà không cần tới trường.

“Học vẹt” là một hiện tượng cần chống trong toàn bộ quá trình dạy và học, cũng như trong kiểm tra, đánh giá. Hình thức kiểm tra, đánh giá đang hướng về chống học vẹt, đòi hỏi sự thông hiểu và vận dụng kiến thức, tức là biết lựa chọn, phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá các sự kiện và quá trình lịch sử.

4 kỹ năng làm bài hiệu quả:

1. Phân tích câu hỏi trong đề thi. Phải đọc hết và hiểu chính xác từng chữ trong câu hỏi. Một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là “thừa”. Đọc kỹ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi (trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá...)

2. Phân bố thời gian cho hợp lý. Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp.

3. Lập dàn ý. Hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy “mở bài”, đừng mất nhiều thời gian suy nghĩ về “mở bài”. Khi đã xác định đúng nội dung sẽ biết mở bài thế nào, và nên mở bài trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, khắc sẽ biết kết luận. Đừng nghĩ trước kết luận, và cũng chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.

4. Về hình thức, không phải ai cũng viết được chữ đẹp, câu hay, nhưng hãy cố gắng viết cho rõ ràng, đúng câu, đúng chính tả, đừng dùng từ sáo rỗng, dài dòng, đừng viết tắt. Hãy luôn nhớ: Đúng, đủ, rõ ràng, thế là đã tốt; lời văn giản dị, thế đã là hay.

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm