Đào tạo y khoa: Nóng điểm ưu tiên trong tuyển sinh

Năm 2018 khối trường y dược được tuyển sinh thế nào; cộng điểm ưu tiên ra sao được đề cập nhiều tại Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường Đại học (ĐH) Y dược Việt Nam lần thứ XVI.

Hội nghị được tổ chức hai ngày 26, 27/8 tại Hà Nội với sự tham gia của 17 trường ĐH Y dược trên toàn quốc.

Y đa khoa vắng bóng học sinh chuyên Sinh trường Ams

Chia sẻ về tuyển sinh năm 2017, ông Vũ Văn Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định cho biết năm nay có nhiều thuận lợi như xét tuyển dựa vào thi THPT quốc gia, không phải tổ chức một kỳ thi nên đỡ tốn kém.

Được sử dụng các tổ hợp khác nhau để xét tuyển: tăng nguồn tuyển cho các trường, nhất là các trường tốp dưới. Có sự hỗ trợ của phần mềm lọc ảo chung toàn quốc và có sự thống nhất thời gian tuyển sinh nên tỷ lệ thí sinh ảo giảm đi.

Có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Không giới hạn nguyện vọng tạo nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng ở 1 trường duy nhất phù hợp với kết quả thi. Tuy nhiên, theo TS Thành, mùa tuyển sinh năm nay cũng bộc lộ một số khó khăn. Như nhiều hình thức xét tuyển nên không quản lý được.

Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD ĐT chỉ hỗ trợ xét tuyển đợt 1, các đợt xét tuyển bổ sung rất khó để kiểm soát. Không thể xác định đúng điểm chênh khi xét tuyển giữa các tổ hợp theo chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố vì Bộ yêu cầu các trường xác định điểm này trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển (không có dữ liệu cụ thể)…

Một vấn đề đang nóng dư luận năm nay đó là điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng. PGS Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết thực tế năm nay ngành y đa khoa của trường có 500 chỉ tiêu. Trong số 501 thí sinh trúng tuyển thì có 27 thí sinh tuyển thẳng và chỉ có 21 thí sinh thuộc khu vực 3 không được cộng điểm.

“Đáng buồn hơn là trong 501 thí sinh trúng tuyển vào y đa khoa của ĐH Y Hà Nội không có một thí sinh nào đến từ lớp chuyên sinh của trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam” - ông Hinh cho hay.

PGS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ tại hội nghị. (Ảnh: Nghiêm Huê)
PGS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ tại hội nghị. (Ảnh: Nghiêm Huê)

Hiệu trưởng trường ĐH Y dược TPHCM, PGS.TS Trần Diệp Tuấn cho biết kết quả tuyển sinh hàng năm của trường có khoảng 90 - 92% thí sinh đỗ vào Y đa khoa là có điểm ưu tiên. Khoảng chưa đến 10% tuyển thẳng.

Cộng điểm ưu tiên như thế nào?

Tại hội nghị, lãnh đạo một số trường đưa ra quan điểm cần xem xét lại chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực cho các thí sinh.

PGS.TS Hoàng Năng Trọng, hiệu trưởng trường ĐH Y Dược Thái Bình cho rằng có thể thời gian qua Bộ chạy theo dư luận nên nếu giữ tuyển sinh như hiện nay thì phân luồng không có ý nghĩa vì đã đăng ký là sẽ đỗ vào một trường ĐH. Trong khi trước trước đây, thí sinh đăng ký theo nguyện vọng của mình nên nhiều em thi đến vài năm mới đỗ được vào ngành y.

Theo PGS Hoàng Năng Trọng, cộng điểm là đúng chủ trương của Đảng, nhà nước. Đối tượng ưu tiên cũng khó thay đổi và sẽ không có nhiều. Nhưng cộng điểm theo khu vực cần được xem xét. “Tôi muốn nhà nước quy định thêm, nếu ở miền núi, các em sử dụng điểm cộng ưu tiên thì phải có cam kết quay về công tác tại vùng đó. Còn nếu không sử dụng thì thôi” - PGS Hoàng Năng Trọng đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Nguyên cũng đề xuất khi thí sinh được ưu tiên thì phải về nơi đó công tác. “Tôi thấy học sinh cử tuyển cũng về công tác tại thủ đô. Do đó, phải có cơ chế phân bổ chính xác” - PGS Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, hiệu trưởng ĐH Y Dược TPHCM cho biết thực trạng một vài năm trở lại đây tại trường có hiện tượng sinh viên xin nghỉ học sau năm thứ nhất với lý do không phù hợp với nghề. Do đó, PGS Tuấn đưa ra ý kiến có nên xem xét lại việc cho thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm hay đăng ký trước khi biết điểm.

“Nếu đăng ký sau khi biết điểm, nhiều em sẽ lựa chọn trường dựa vào điểm thi, vào ý kiến của người thân. Còn nếu đăng ký trước khi biết điểm, các em sẽ cân nhắc kỹ ngành nào hợp với mình” - PGS Tuấn cho hay.

Về điểm cộng ưu tiên, tại hội nghị có ý kiến cho rằng nên cho thí sinh được cộng điểm ưu tiên cao nhất hoặc sẽ phải giảm điểm cộng ưu tiên khu vực xuống từ 0,5 xuống 0,3. Tuy nhiên, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho rằng nếu yêu cầu người được cộng điểm ưu tiên quay về sẽ là vi phạm nhân quyền. Đây là hỗ trợ không phải ân huệ. Tuy nhiên, để công bằng hơn cho các thí sinh, GS Đỗ Quyết đề xuất chỉ cộng tối đa 2 điểm thay vì 3,5 điểm như hiện nay.

Tại hội nghị, một lần nữa các đại biểu cũng đề xuất cần có phương án tuyển sinh chung cho các trường nhóm ngành khoa học sức khoẻ.

Hình thành nhóm xét tuyển theo ngành của khối các trường đại học khối ngành khoa học sức khoẻ và sử dụng phần mềm xét tuyển chung. Dựa trên kết quả xét tuyển chung để thực hiện việc xét tuyển cho từng trường. Trong quá trình xét tuyển theo nhóm, các trường sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin tuyển sinh để giảm tỷ lệ thí sinh ảo. Đồng thời, có ý kiến đề xuất có điểm sàn riêng cho các trường khối y dược.

Theo Nghiêm Huê

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm