Đào tạo theo nhu cầu xã hội: Cần 1 “tam giác cân”
(Dân trí) - Hội thảo Quốc gia về “Sinh viên với đào tạo đáp ứng như cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp” tổ chức hôm nay (21/8), đặt ra vấn đề, cần có 1 “tam giác cân” giữa nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên trong việc tạo ra “sản phầm” đạt yêu cầu.
“Sản phẩm” chưa đáp ứng nhu cầu do đâu?
Thời gian qua đã có rất nhiều “cái bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng với nhu cầu thực tế của xã hội, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chủ động phối hợp tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực “đủ tiêu chuẩn” còn rất hạn chế.
Điển hình nhất là việc thiếu quan tâm của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đến việc thực hành, thực tập của sinh viên.
Hội thảo Quốc gia về “Sinh viên với đào tạo đáp ứng như cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp” được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TPHCM và đầu cầu Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Thường trực Bành Tiến Long, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình và nhiều doanh nghiệp cũng như giảng viên, sinh viên các trường ĐH tại TPHCM. |
Nhiều bạn sinh viên tham dự cho rằng, trong quá trình đi thực tập thì cái “điều kiện” cho các bạn được tiếp cận với thực tế và cũng là để phát huy, vận dụng những kiến thức đã được học là không nhiều. Mang tiếng đi thực tập nhưng lại... tham quan là chính, gây ra lãng phí thời gian và công sức.
Kỹ sư Phan Trí Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ PETECH cho rằng, thời lượng thực tập của sinh viên là quá ít. Giáo viên truyền thụ kỹ năng vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp khi nhận sinh viên về phải đào tạo lại để thích hợp với các dự án bởi kiến thức nền của sinh viên khi ra trường chưa chắc. Kỹ sư Dũng đánh giá, sinh viên hiện nay khi ra trường không chỉ yếu về thực hành mà yếu cả về lý thuyết.
Kỹ sư Dũng cũng cho biết, có đến 80% sinh viên không hiểu đầy đủ những bài lý thuyết mà mình được học. Cụ thể đối với sinh viên ngành Điện tử, chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao diode phát ra ánh sáng (LED)? Hoặc tại sao anten lại biến dòng điện cao tần ra điện từ trường và biến từ trường thành dòng điện cao tần?... thì chỉ có 1% (?!) số lượng sinh viên được hỏi trả lời tương đối đúng!
Vấn đề này, sinh viên Nguyễn Xuân Quỳnh Anh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng thừa nhận rằng, chúng em thực sự không yếu về thực hành mà cái yếu của chúng em hiện nay là lý thuyết. Có những kiến thức chúng em được học nhưng ngay bản thân chúng em nhận thấy là học xong không biết để làm gì và áp dụng vào đâu, áp dụng ra sao.
Bên cạnh đó, theo Bộ GD-ĐT thì nhiều sinh viên chưa xác định rõ được định hướng nghề nghiệp của mình trước khi vào học, không chủ động nghiên cứu sâu về nghề nghiệp đang được đào tạo, không nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện và ít liên hệ với thực tiễn, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải cùng tham gia đào tạo
Việc cùng các trường ĐH, CĐ tham gia đào tạo ở đây không đơn thuần là “bỏ tiền” cho các trường tự đào tạo mà nên cùng tham gia vào quá trình đào tạo và tái đào tạo lao động. Theo tiến sỹ Vũ Thế Dũng, Khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa TPHCM, doanh nghiệp không nên chỉ đơn giản sử dụng “sản phẩm” mà cũng phải cùng với trường đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo được tốt hơn, mở các seminar chuyên sâu cho sinh viên.
Trường cũng nên mời doanh nghiệp tham gia vào công tác giảng dạy và góp ý cho các chương trình đào tạo. Thường xuyên lấy ý kiến của doanh nghiệp về chất lượng sinh viên ra trường và kỳ vọng của doanh nghiệp với các “sản phẩm” của nhà trường.
Kỹ sư Phan Trí Dũng đề nghị Bộ GD-ĐT nên nới lỏng chương trình khung, tạo điều kiện để nhà trường chủ động trong việc bố trí thời lượng và thuê các kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân giỏi để tham gia đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Bởi việc đào tạo kỹ năng rất cần người truyền thụ giỏi và lành nghề.
Việc đào tạo ra những “sản phẩm” đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp cũng chính là đáp ứng nhu cầu của chính bản thân người đào tạo, người tham gia vào công tác đào tạo và người được đào tạo. Vì thế, không chỉ doanh nghiệp hay sự nỗ lực của bản thân sinh viên là đủ. Các thầy cô - chính là những người gánh trách nhiệm lớn trong quá trình đào tạo ra - cũng phải tự cập nhất kiến thức, công nghệ, kỹ thuật mới để có cơ sở giảng dạy cho sinh viên.
Đoàn Quý