Đào tạo sinh viên nghệ thuật: Khó cả đầu vào lẫn đầu ra

Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng (CĐ) nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy do Bộ GD&ĐT công bố, thí sinh (TS) dự tuyển các ngành nghệ thuật có nhiều ưu tiên hơn. Dẫu thế, thực tế nhiều năm qua cho thấy, đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật đang gặp khó cả ở đầu vào và đầu ra.


Những tài năng nhí nghệ thuật truyền thống.

Những tài năng nhí nghệ thuật truyền thống.

Chú trọng đào tạo tài năng nghệ thuật

Theo dự thảo nói trên, năm nay, TS năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT quốc gia, hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ VHTT&DL công nhận thì được xét tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ ĐH, CĐ, trung cấp của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường. TS năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia, không có môn nào có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống, được trường ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.

Những thí sinh đoạt giải các ngành thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật thời gian được tính để hưởng ưu tiên là không quá 4 năm tính đến ngày dự thi hoặc xét tuyển vào trường.

Trước đó, đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt đã xác định cần tăng cường đào tạo SV văn hóa nghệ thuật. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu hàng năm có 4-5 tài năng thuộc mỗi lĩnh vực, ngành đào tạo được cử tham dự và đoạt giải thưởng các cuộc thi, hội diễn, triển lãm nghệ thuật trong nước và quốc tế hoặc được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận. Đề án cũng đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 SV đại học; trên 200 SV cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án.

Khó tuyển sinh

Dẫu thế, thực tế cho thấy ở mùa tuyển sinh năm 2017, các ngành khối nghệ thuật chật vật tuyển sinh. Đơn cử như tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk có kế hoạch tuyển 310 chỉ tiêu hệ CĐ và hệ trung cấp thuộc các ngành đào tạo. Tuy nhiên hết mùa tuyển sinh nhà trường cũng chỉ có 119 HSSV trúng tuyển đăng ký nhập học ở cả 2 hệ đào tạo.

Đại diện một số trường văn hóa nghệ thuật cho hay, đã nhiều năm nay tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật không nhiều mà ngày càng có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến HS không lựa chọn các khối ngành đào tạo nghệ thuật ngoài nguyên nhân học xong khó kiếm việc làm thì hiện nay đang có một xu hướng HS xem các ngành khối nghệ thuật là một kỹ năng chứ không phải là một nghề nên nhiều em tự trang bị, bồi dưỡng năng khiếu ở các cơ sở đào tạo bên ngoài nhà trường. Do đó, các trường đào tạo khối ngành nghệ thuật vốn đã khó tuyển sinh nay lại càng khó khăn hơn…

Được biết từ cuối năm 2015 Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020” với nhiều ưu đãi thế nhưng dường như việc “trải thảm đỏ” kiếm người học vẫn là nhiệm vụ khó.

Theo đề án Bộ VHTT&DL đã thí điểm giao việc trực tiếp tuyển sinh và thực hiện Dự án liên kết đào tạo giữa 4 đơn vị nghệ thuật truyền thống thuộc Bộ và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đó là: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Trong đó, mỗi nhà hát được tuyển chọn đào tạo 30 học viên, bao gồm cả diễn viên và nhạc công để tạo ra nguồn lực trẻ kế cận, bù đắp vào số diễn viên đang dần đến tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, Nhà nước sẽ chế độ ưu đãi giảm 70% học phí cho SV theo học sân khấu truyền thống, hàng tháng có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác… Nhưng số lượng TS thi vào các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống vẫn ngày càng giảm.

Theo Bộ VHTT&DL, hiện Bộ đang trực tiếp quản lý 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, gồm 2 học viện, 7 trường ĐH, 4 trường CĐ, 2 trường trung cấp và 1 viện nghiên cứu. Các cơ sở đào tạo này có những đặc thù như tuyển chọn năng khiếu khắt khe, quy mô đào tạo thấp, đầu tư cơ sở vật chất đắt đỏ, chi phí đào tạo lớn, yêu cầu dạy và học khác biệt, quá trình đào tạo kéo dài… Trong khi đó, cơ chế chính sách ưu đãi cho HSSV các ngành đặc thù truyền thống dân tộc, dân tộc thiểu số chưa đủ để khuyến khích SV dự tuyển, theo học trong một số ngành; tuổi nghề ngắn, lương thấp… Điều này dẫn đến tình trạng công tác tuyển sinh đối với một số ngành, chuyên ngành đặc biệt khó khăn. Thậm chí có nơi 3 - 4 năm cũng không tuyển được một SV nào.

Vì vậy, từ năm 2017, Bộ VHTT&DL đề xuất giao nhiệm vụ đào tạo gắn với giao kinh phí (hình thức đặt hàng) đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Cụ thể, Nhà nước sẽ trả 100% chi phí đào tạo áp dụng cho đối tượng người học là HSSV thuộc một số chuyên ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó tuyển sinh, hiếm, truyền thống và dân tộc, người dân tộc thiểu số. Đây là những ngành mà nhu cầu xã hội không cao nhưng rất thiếu để đáp ứng yêu cầu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Trong khi việc tuyển sinh đối với ngành học nghệ thuật đang gặp khó, thì đầu ra cho SV cũng là một mối băn khoăn không nhỏ. Khi các chương trình giải trí sử dụng âm nhạc, múa, khiêu vũ, sân khấu làm phương tiện giải trí ngày càng nở rộ… những sân chơi coi trọng giá trị nghệ thuật đích thực đang ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ mai một.

Theo Trọng Khải

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm