Đào tạo nhân lực ngành du lịch còn quá thiếu thực tiễn

(Dân trí) - Theo đánh giá của các đơn vị tuyển dụng thì chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch nói chung và kinh doanh khách sạn nói riêng hiện nay chưa đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Các đơn vị đều khó tìm được nhân lực qua đào tạo bài bản, phong cách chuyên nghiệp và giỏi ngoại ngữ...


Sinh viên ngành du lịch hiện nay đa phần được đào tạo thiếu thực tiễn (ảnh minh họa)

Sinh viên ngành du lịch hiện nay đa phần được đào tạo thiếu thực tiễn (ảnh minh họa)

Trong buổi ra mắt trường CĐ Quốc tế Khách sạn - Du lịch Imperial, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu lên những thực trạng trong đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay cần khắc phục. Ông Thọ cho rằng “đào tạo của chúng ta hoàn toàn lý thuyết, không gắn kết được với cơ sở kinh doanh du lịch vì vậy không có điều kiện để các em sinh viên du lịch thực tập. Đào tạo từ du lịch phải dành 70 -80% là đào tạo thực tiễn và phải thực tập trong cơ sở thực tế thì mới có thể trưởng thành.”

Trong khi đó, ông Bùi Tiến Đạt, Giám đốc Nhân sự khách sạn Caravelle cho rằng ở những quốc tế đào tạo ngành du lịch thì thời lượng giữa học lý thuyết và thực hành là 50% và 50%. Như vậy tỷ lệ thực tập là 50% trên 4 năm đối với bậc ĐH, nghĩa là tương đương hai năm, tương đương 24 tháng. “Còn ở Việt Nam hiện nay sinh viên chỉ có 2 kỳ đi thực tập, 1 kỳ đi thực tập 1 tháng, 1 kỳ đi thực tập trước khi tốt nghiệp 3 tháng, như vậy là 4 tháng. Ta có thể so sánh như sau, giữa 4 tháng so với hệ đào tạo của Việt Nam và 24 tháng so với hệ đào tạo của nước ngoài như vậy của chúng ta chỉ chiếm 1/6 kỹ năng tác nghiệp so với những sinh viên tốt nghiệp từ những trường nước ngoài hay là theo tiêu chuẩn nước ngoài”

Bên cạnh đó, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là kỹ năng không thể thiếu, nhưng ngay cả đến kỹ năng này thì việc đào tạo hiện nay vẫn đang nằm dưới chuẩn. Ông Bùi Tiến Đạt cho rằng: “Theo tiêu chuẩn về nghề của Tổng Cục Du lịch thì 1 nhân viên phục vụ nhà hàng, kỹ năng theo tiêu chuẩn TOIEC phải đạt được 525 điểm. Đây cũng là tiêu chuẩn để hội nhập ASEAN mà chúng ta vừa ký năm 2015. Nhưng đa phần hiện nay cái chuẩn đầu ra của các trường của chúng ta đều thiết lập từ 500 điểm trở xuống. Hay nói cách khác kỹ năng tiếng Anh của các sinh viên ra trường đều nằm dưới chuẩn để trở thành nhân viên của khách sạn 5 sao.”

Chính vì thế các nhà tuyển dụng cho rằng hầu hết các sinh viên chuyên ngành du lịch khi được nhận vào làm việc đều phải mất thời gian và chi phí để đào tạo lại. Điều đáng lo là khi hội nhập cộng đồng kinh tế Asean nếu không nâng cao được chất lượng thì lao động ngành du lịch Việt Nam sẽ thất nghiệp ngay chính trên sân nhà vì không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao sự ra đời của trường CĐ Quốc tế Khách sạn - Du lịch Imperial là một bước giúp nâng cao đào tạo nhân lực ngành du lịch theo chuẩn quốc tế. Đây sẽ là trường đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế Hotel School (tức trường đó phải gắn với khách sạn). Trường sử dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và dịch vụ 5 sao của khách sạn để phục vụ cho quá trình học tập thực tế của sinh viên. Bên cạnh đó, trường ký hợp tác với ĐH Niagara, New York thiết kế các chương trình đào tạo nghề cho các khóa học ngắn hạn, dài hạn để tạo ra đội ngũ nhân sự đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành khách sạn và du lịch tại Việt Nam.

Lê Phương