Đào tạo ngành "hot" báo chí, truyền thông: Đông nhưng có mạnh?

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Nhu cầu về nhân lực và chất lượng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông tăng lên. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Đào tạo ngành hot báo chí, truyền thông: Đông nhưng có mạnh? - 1

Sinh viên nhóm ngành truyền thông của Trường Đại học Hoa Sen (Ảnh: HSU).

Trong những năm gần đây, nhóm ngành báo chí, truyền thông trở nên "nóng" vì thu hút lượng lớn thí sinh xét tuyển vào đại học. Điểm chuẩn của ngành này cũng luôn thuộc top cao nhất, thậm chí có trường lấy đến trên 9 điểm mỗi môn.

Kỷ nguyên số cũng đã và đang làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực, trong đó, nhóm báo chí và truyền thông đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Đây cũng là nội dung được thảo luận tại Hội thảo Truyền thông và Đào tạo truyền thông 2024 với chủ đề "Công nghệ truyền thông" do Trường Đại học Hoa Sen phối hợp với Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức ngày 16/7.

Thách thức với trí tuệ nhân tạo (AI)

TS Trần Bá Dung, Trưởng Khoa Marketing - Truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) ra đời, tác động tích cực tới đời sống xã hội.

Đối với báo chí, truyền thông, AI ảnh hưởng nhiều nhất và rõ ràng nhất, đó là xuất hiện truyền thông số - báo chí số, báo chí tự động, tác động tới sự vận hành từ sáng tạo nội dung số đến sản xuất các dòng sản phẩm số trong hệ sinh thái báo chí. AI vừa là động lực thúc đẩy báo chí, truyền thông phát triển, vừa là thách thức lớn.

Đào tạo ngành hot báo chí, truyền thông: Đông nhưng có mạnh? - 2

TS Trần Bá Dung, Trưởng Khoa Marketing - Truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đồng quan điểm, bà Dương Thanh Hương - Phó tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại, nhận định sự phát triển của Internet cùng các công nghệ số mới khiến ngành báo chí, truyền thông đứng trước sức ép rất lớn, buộc phải tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt về thông tin.

Trên thế giới và cả Việt Nam, đã có nhiều cơ quan báo chí, truyền thông ứng dụng AI hỗ trợ các nhà báo sáng tạo tác phẩm. Do đó, đòi hỏi nhân lực trong lĩnh vực này cần bắt kịp xu hướng mới.

Nhìn dưới góc độ đào tạo, ThS Lê Tuấn Anh và TS Lê Thị Hằng, giảng viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, bày tỏ, trong những năm qua ở nước ta, các trường đào tạo báo chí, truyền thông không ngừng được mở rộng, cả công lập và ngoài công lập. Song, hai giảng viên đặt vấn đề: "Đông nhưng có mạnh?"

Theo ThS Lê Tuấn Anh, việc đào tạo nhóm ngành này vẫn còn những khoảng trống trong việc cập nhật xu hướng AI. Các cơ sở đào tạo về báo chí, truyền thông ở nước ta đang "khó khăn trăm bề" nên cần tích hợp sâu rộng kỹ năng về AI và công nghệ số vào chương trình giảng dạy, giáo trình, tài liệu tham khảo một cách đồng bộ và quy mô hơn.

Thiếu hụt giảng viên ngành báo chí, truyền thông

Khó khăn mang tính cố hữu của ngành báo chí, truyền thông chính là nhân lực.

ThS Chu Văn Hòa, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, nhận định đội ngũ người làm nội dung thông tin, truyền thông có sự đa dạng khi được đào tạo từ nước ngoài, đào tạo chuyên ngành ở trong nước có các trường chuyên về báo chí.

Đào tạo ngành hot báo chí, truyền thông: Đông nhưng có mạnh? - 3

ThS Chu Văn Hòa, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ngoài ra, do đặc thù của hoạt động truyền thông (một hoạt động cần đội ngũ có kiến thức tổng hợp) nên nguồn nhân lực cung cấp cho hoạt động này trên thực tế thời gian qua đến từ nhiều tổ chức đào tạo và hình thức đào tạo khác nhau. Đội ngũ này ở nước ta hiện chiếm số đông và có những lợi thế lớn.

Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão về công nghệ như hiện nay, hướng đào tạo này bộc lộ những bất cập cơ bản. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực có tính chuyên biệt, chuyên sâu của hoạt động này ngày càng cao.

Theo nhiều chuyên gia, quy mô đào tạo báo chí, truyền thông đang mâu thuẫn với số lượng giảng viên đạt chuẩn. Cụ thể, các trường đều đang thiếu hụt về đội ngũ giảng viên chất lượng cao.

ThS Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định thẳng thắn bày tỏ số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngành báo chí, truyền thông còn hạn chế.

Để giải quyết bài toán này, ông Chung cho rằng bên cạnh việc thu hút, đào tạo đội ngũ cơ hữu, các trường cần mời nhiều chuyên gia, các nhà báo có kinh nghiệm cộng tác, hợp tác giảng dạy, trao đổi, hướng dẫn sinh viên.

Cùng với đó, ông Chung đề xuất thành lập câu lạc bộ các trường đào tạo báo chí và truyền thông để cùng giao lưu, chia sẻ, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới.

TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang cũng nhấn mạnh tới chất lượng giảng viên.

Đào tạo ngành hot báo chí, truyền thông: Đông nhưng có mạnh? - 4

TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông chia sẻ thêm, có một khoảng cách lớn giữa lý thuyết được học trên giảng đường và kỹ năng thực tế cần thiết khi bước vào môi trường làm việc. Sinh viên tốt nghiệp và doanh nghiệp còn chưa gặp nhau về nhu cầu và chất lượng cần có.

Nguyên nhân của thực trạng này được Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang nêu ra bởi các trường đại học chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để sinh viên thực hành, một phần khác do sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực truyền thông còn hạn chế.

Do đó, TS Võ Văn Tuấn cho rằng việc tích hợp các công nghệ, kỹ năng, kiến thức... vào giảng dạy cần đáp ứng kịp thời hơn.