Dân chủ trong quan hệ thầy - trò

Nhật Hồng

(Dân trí) - Mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ song hành, dân chủ và không còn sự quyền uy, áp đặt như trước nữa.

Theo PGS.TS Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa, Ủy viên UBVHGD Quốc hội Khóa XV,  bài học của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cải cách giáo dục chỉ thành công khi chúng ta gìn giữ, xây dựng được một nền văn hóa học đường lành mạnh, chuẩn mực, bởi việc cải cách phải được thực hiện trong một môi trường, một không gian văn hóa học đường cụ thể, trong đó, có mối quan hệ giữa Thầy - Trò. Đây là mối quan hệ quan trọng nhất trong văn hóa học đường, bởi vì thầy giáo là người dạy, người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên.

Thông qua những buổi học, tiết học, học sinh, sinh viên sẽ được đón nhận lượng thông tin cần thiết và bổ ích với những phương pháp tư duy khoa học phù hợp, hiệu quả. Tuy nhiên, mối quan hệ thầy - trò trong xã hội xưa so với xã hội ngày nay có nhiều điểm khác nhau.

Dân chủ trong quan hệ thầy - trò - 1

Xu hướng đổi mới "Dạy học lấy học sinh làm trung tâm" đã đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục (Ảnh: Dân trí). 

Người thầy luôn là bậc bề trên đã lỗi thời?

PGS.TS Trần Văn Thức phân tích, xuất phát từ việc coi trọng sự học, hình ảnh người thầy luôn được nhìn nhận là những bậc "đạo cao đức trọng", là "khuôn vàng thước ngọc" để dạy người. Vì thế, người thầy trong xã hội xưa luôn có một khoảng cách nhất định đối với học trò. Thầy có "đạo làm thầy", trò có "đạo làm trò", mỗi người đều có bổn phận để làm tròn vị trí của mình. Người thầy luôn có thái độ nghiêm khắc trước học trò.

Từ lời nói, cử chỉ, hành động của thầy đều thể hiện tính "mô phạm" để giáo dục học trò. Để thiết lập trật tự trong lớp học, để tạo ra văn hóa học đường trong xã hội xưa thì các thầy đồ nho thường sử dụng nhiều hình phạt hà khắc đối với người học: phạt đứng trên bảng, phạt quỳ xuống đất hoặc quỳ trên vỏ quả mít đầy gai, thậm chí dùng thước gỗ lim đánh vào tay, vào đầu người học.

PGS.TS Trần Văn Thức cho hay, trong một số trường hợp, các thầy đồ nho sử dụng cách giáo dục bằng những lời chì chiết, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của học trò. Trên một phương diện nào đó, cách giáo dục cổ xưa đó cũng có tác dụng nhất định để thiết lập kỷ cương, trật tự trên lớp học, nhưng nó đã bộc lộ rất nhiều hạn chế vì như vậy không khí học đường trở nên căng thẳng, học trò sợ thầy, kính thầy nhưng không dám gần thầy và cũng có khi họ còn oán thầy vì cách giáo dục cổ hủ, lạc hậu, gây ức chế tâm lý cho cả người học và người dạy.

Đối với học trò trong xã hội xưa, người thầy luôn là bậc bề trên, người sẽ giúp họ học hành và đỗ đạt, trở thành những người có địa vị trong xã hội. Tuy là "khuôn vàng thước ngọc" để học trò noi theo, tuy mô phạm nhưng người thầy luôn gần gũi, thương yêu học trò.

Thầy luôn coi trò là con, trong cách xưng hô, trò luôn xưng con khi nói, thưa gửi với thầy. Vì thế, với bổn phận là học trò, những người học trò trong xã hội xưa luôn học theo câu nói của cổ nhân: "Tiên học lễ, hậu học văn".

Học sinh được tự do tranh luận

Ngày nay, xã hội phát triển và đổi thay từng ngày, vì thế quan niệm về sự học và mối quan hệ giữa thầy và trò cũng khác trước, mang một màu sắc mới trên nền tảng những giá trị nhân văn từ truyền thống. Ở giai đoạn nào, xã hội cũng coi trọng việc học hành, đặc biệt, xã hội càng phát triển thì việc học của con em luôn được đặt lên hàng đầu để mỗi trẻ khi lớn lên vừa lập thân, vừa lập nghiệp.

PGS.TS Trần Văn Thức cho rằng, trong những năm qua, sự du nhập của văn hóa phương Tây và mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy và trò. Môi trường học đường hiện nay được ví như một xã hội thu nhỏ với nhiều mối quan hệ đan xen phức tạp, nhiều tệ nạn như ma túy, cờ bạc, cá độ bóng đá, bạo lực… đã len lỏi vào trong môi trường giáo dục.

Không ít các chuẩn mực, giá trị, niềm tin văn hóa truyền thống của nhà trường đã bị thay đổi, nhiều hành vi thiếu văn hóa của học sinh và giáo viên vẫn xảy ra trong môi trường học đường. Hiện có rất nhiều ý kiến cho rằng văn hóa ứng xử học đường ở nhiều nơi chưa được coi trọng.

Một số nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục nhân cách sống cho học sinh, sinh viên. Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, nơi văn hóa được coi trọng, được xây dựng và phát huy vẫn còn diễn ra những điều thiếu văn hóa. 

Bên cạnh đó, sự tôn trọng của học trò, cha mẹ học trò và xã hội với thầy cô giáo cũng có nhiều thay đổi. Một phần là do nhiều bậc cha mẹ cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em họ là do xã hội giao phó, người thầy phải thực hiện, họ trả học phí để thầy cô dạy.

Một phần là do có một số thầy, cô giảm sút đạo đức nhà giáo, không thực sự gương mẫu trong lối sống, sa vào những chuyện tiêu cực, cá biệt có thầy cô còn xúc phạm nhân phẩm, xâm hại học sinh, bị dư luận lên án. Tất cả những điều đó đã làm xấu đi hình ảnh người thầy, người cô mẫu mực, mô phạm một thời của ngành giáo dục.

"Xu hướng đổi mới "Dạy học lấy học sinh làm trung tâm" đã đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy giờ đây chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức. Mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ song hành, dân chủ và không còn sự quyền uy, áp đặt như trước nữa.

Học sinh, sinh viên không những được tự do tranh luận, trao đổi  với nhau, mà còn tranh luận với cả thầy, thậm chí, chất vấn lại thầy, đòi hỏi thầy trả lời những câu hỏi do mình đặt ra. Ở mặt nào đó, đây là một sự tiến bộ tích cực, thể hiện tính nhân văn, dân chủ, bình đẳng trong quan hệ thầy - trò, thúc đẩy tính năng động, tích cực của học sinh, tránh được sự thụ động, áp đặt một chiều từ phía người thầy" - PGS.TS Trần Văn Thức nhấn mạnh. 

PGS.TS Trần Văn Thức cho rằng, xây dựng văn hóa học đường là xây dựng nền nếp, kỉ cương, dân chủ trong các hoạt động ở nhà trường, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường theo các chuẩn mực chung của văn hóa và các quy định riêng của ngành giáo dục.

Xây dựng văn hóa học đường còn là yếu tố then chốt để phát triển các nhà trường. Văn hóa học đường lành mạnh, tích cực sẽ là yếu tố thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn, tạo động lực cho cả người dạy và người học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm