Đại học xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Có "đánh đố" thí sinh vùng khó?
(Dân trí) - Trong phương thức xét tuyển, nhiều trường đại học dành chỉ tiêu để ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (TOEFL, IELTS…), điều này liệu có tạo ra sự thiệt thòi với thí sinh vùng khó khăn, miền núi?
Hầu hết các trường đều dành chỉ tiêu để xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ
Theo phương án tuyển sinh năm 2021, một số trường đại học đưa ra phương thức ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS… hoặc các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như SAT, ACT, A-Level…
Trường ĐH Thương mại kết hợp điểm học bạ bậc THPT/điểm thi THPT với ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên và chia thành 4 mức độ ưu tiên.
Trường ĐH Mỏ - Địa chất tuyển thẳng thí sinh đạt IELTS 4.5, TOEFL iBT 53, TOEFL ITP 450 trở lên và có tổng điểm Toán và một môn khác (trừ tiếng Anh) trong tổ hợp thi tốt nghiệp THPT từ 10 trở lên. Phương thức này lấy 2% tổng chỉ tiêu.
Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT (từ 1100/1600), A-Level, ACT (từ 22/36) và IELTS (từ 6.0) và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương khác.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện xét tuyển kết hợp (chiếm 20% chỉ tiêu) dành cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên, học lực khá, hạnh kiểm tốt cả 5 học kỳ bậc THPT (không tính học kỳ II năm lớp 12)…
Chia sẻ với PV Dân trí, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương - PGS.TS Phạm Thu Hương cho hay, trường có 17 chương trình chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh cùng nhiều chương trình liên kết quốc tế.
Việc lựa chọn những thí sinh có khả năng ngoại ngữ để theo học được các chương trình này là điều vô cùng quan trọng.
Mặt khác, độ tin cậy của những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL khá cao nên nhiều trường sẽ ưu tiên xét tuyển các thí sinh đạt các chứng chỉ này.
Theo PGS.TS Lưu Văn An, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền, việc sử dụng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.
Hơn nữa, ở một số ngành học/chương trình đào tạo của học viện dạy bằng tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khi nộp vào sẽ được quy đổi thành điểm giúp tăng cơ hội trúng tuyển, thuận lợi về học tập sau này của các em…
Liệu có "đánh đố" học sinh vùng khó?
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu quá chú trọng ưu tiên xét tuyển các em có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì có "đánh đố" thí sinh thuộc các vùng khó khăn, không có khả năng tài chính theo học các chứng chỉ này hay không?
PGS.TS Phạm Thu Hương khẳng định, quy định này không hề "đánh đố" hay làm khó với những đối tượng thí sinh thuộc vùng nông thôn, vùng khó khăn.
"Trong đề án tuyển sinh năm 2021 của trường ĐH Ngoại thương, ở các phương thức 1, 4, 5, 6 đều nêu rõ quy định về ưu tiên xét tuyển vùng/đối tượng.
Nếu em nào ở vùng sâu, vùng xa không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà thuộc các đối tượng ưu tiên thì vẫn được trường ưu tiên xét tuyển theo quy định. Khi đỗ vào trường, các em vẫn có cơ hội học các ngành/chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh", bà Hương giải thích.
Theo đại diện Phòng Đào tạo, trường ĐH Thương mại, quy định ưu tiên xét tuyển thí sinh đạt các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không nhằm "phân biệt" thí sinh vùng khó khăn hay thành thị.
Với mỗi đối tượng ưu tiên đều được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Những em vùng khó khăn không được học chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng các em vẫn có thể tham dự các kỳ thi quốc gia, quốc tế nếu thực sự có năng lực.
Năm 2021, trường ĐH Thương mại dành tổng số 15% chỉ tiêu cho hai phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/giải quốc gia, quốc tế với kết quả thi THPT và học bạ THPT.
Cần 1 "cú hích" để nâng cao chất lượng tiếng Anh
Là một giáo viên Toán ở Hà Nội có nhiều năm theo dõi công tác tuyển sinh, thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, cách làm của các trường là hợp lý.
Điều này phù hợp với Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH có quyền tự chủ về các phương án tuyển sinh của mình. Mặt bằng chung của tiếng Anh đang rất thấp nên rất cần các "cú hích" để nâng cao chất lượng môn này.
Ngoài ra, các trường cũng chỉ xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào các ngành có chú trọng ngoại ngữ. Căn cứ điểm học bạ THPT không thực sự đáng tin cậy. Việc đánh giá ở các trường, các địa phương cũng không đồng đều.
Các chứng chỉ ngoại ngữ có độ tin cậy cao, bài kiểm tra có đủ 4 kĩ năng gồm nghe, nói, đọc, viết đảm bảo độ khách quan. Những em vượt qua được bài thi này đa số là thực sự có năng lực ngoại ngữ.
Bộ GD&ĐT cần tăng cường thanh kiểm tra để không xảy ra vi phạm, sai nguyên tắc trong công tác xét tuyển ở các trường.