Đại học kiến nghị tăng độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Đình Cường

(Dân trí) - Năm 2021, dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, học sinh đi học bình thường, có thời gian ôn tập. Bộ GD&ĐT nên cân nhắc tăng tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT 2021.

Đại học kiến nghị tăng độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - 1

Thực tế nhiều trường đại học vẫn căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như một điểm sàn chung về đảm bảo chất lượng để tuyển sinh.

Liên quan đến phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đề thi THPT năm 2020 kiến thức rất cơ bản.

"Năm 2021, tình hình dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, học sinh đi học bình thường, có thời gian ôn tập. Bộ GD&ĐT nên cân nhắc tăng tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT 2021 nhằm tạo thuận lợi hơn cho các trường trong công tác tuyển sinh" - GS Tú kiến nghị.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội cho hay, mặc dù năm nay ĐHQG Hà Nội và một số trường đại học khác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ vai trò quan trọng giúp giảm áp lực cho thí sinh cũng như các trường. Thực tế nhiều trường vẫn căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như một điểm sàn chung về đảm bảo chất lượng để tuyển sinh.

Ghi nhận các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Bộ GD&ĐT vẫn khuyến khích, ủng hộ các trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển.

Bộ cũng khuyến khích các trung tâm khảo thí độc lập hợp tác với nhau, xây dựng ngân hàng đề thi và thống nhất phương thức, chuẩn mực đề thi. Thậm chí hợp tác trong việc tổ chức chung đề, chung đợt, chung kết quả thi.

Điều này vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường nhưng cũng vừa mang lại hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực. Mục tiêu cuối cùng là tạo cơ hội và thuận lợi cho thí sinh".

Nên để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 2 lần

Dự kiến, mùa tuyển sinh đại học năm 2021 sẽ có một số điểm mới như thí sinh đăng ký xét tuyển bằng 1 trong 2 hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu; sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học; được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần…

Về quy định cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, một số đại biểu đến từ các trường đại học cho rằng, quy định này là quá nhiều và không cần thiết, ảnh hưởng đến thời gian tuyển sinh của các trường.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - ĐHQG Hà Nội, chỉ nên cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 2 lần. Vì nếu tính lần đầu tiên đăng ký, thí sinh đã có 3 lần điều chỉnh nguyện vọng.

Tương tự, theo Phó Giám đốc Học viện tài chính - TS Nguyễn Đào Tùng, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc lại quy định cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần.

"Theo kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh, càng cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần thì chính gia đình các em sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Thậm chí, có thí sinh còn không nhớ lần đầu mình đã đăng ký nguyện vọng vào những trường gì và thường chỉ nhớ nguyện vọng 1, 2.

Hơn nữa, 3 lần điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng sẽ khiến công việc của các Sở GD&ĐT nặng hơn rất nhiều", TS Tùng nêu quan điểm.

Năm 2020, tổng số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT là hơn 900.000 em. Trong đó, có khoảng 650.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với gần 2,5 triệu nguyện vọng.

Kết quả có hơn 467.000 thí sinh trúng tuyển, nhập học tất cả các ngành. Trong đó, có hơn 390.000 thí sinh trúng tuyển (sau khi lọc ảo) bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm