Đại học không còn là mơ!
Thường ngày, ngoài chuyện cơm nước, giặt giũ, rửa chén, lo việc nhà, học bài, ôn bài, hễ dư chút thời gian nào là Liễu cũng tranh thủ đi cắt cọng lục bình đem phơi khô, cùng ngồi đan với ba mẹ. Những ngày được nghỉ học, Liễu lên lò nhãn, phụ làm với các anh...
Đó là hình ảnh về cô học trò Bích Liễu ở tận Phú Hữu, Đồng Tháp. Khi được hỏi: Tốt nghiệp phổ thông, em dự định thi vào trường gì? Liễu xuống giọng trầm buồn: "Em chỉ nghĩ đến chuyện thi tốt nghiệp rồi nghỉ ở nhà, không dám mơ chuyện học lên đại học".
Là con út trong gia đình gồm 11 anh chị em, Nguyễn Thị Bích Liễu - học sinh lớp 12A2 trường THPT Châu Thành II được xem là may mắn hơn các chị em trong gia đình trên con đường học vấn. Sống ở vùng quê nghèo nơi tổ 8, ấp Phú Long Bình, xã Phú Hữu, Châu Thành, Đồng Tháp, mảnh đất ngày xưa là nơi phải chịu nhiều bom đạn cùng những trận càn ác liệt của lính Mỹ - Nguỵ. Và một trong những trận càn ấy, ba của Liễu rơi vào tay địch, bị đưa đi tù hai năm trời, phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết dã man đến nỗi khi về lại gia đình, ba Liễu không còn sức lao động. Cả gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai của mẹ và các anh chị em.
Cả đại gia đình ngần ấy miệng ăn, không đất cày ruộng, mẹ và anh chị em phải nai lưng đi làm mướn kiếm miếng ăn hàng ngày. Liễu cứ thế lớn lên trong sự thương yêu, hy sinh của cả gia đình, vun đắp cho Liễu ăn học đến nơi đến chốn. Sống trong cảnh nghèo, đã là kém may mắn hơn so với nhiều bạn đồng trang lứa, nhưng Liễu lại thêm một bất lợi khác đó là từ năm Liễu vào lớp 1 đã bị cận thị loại nặng. Càng lớn, độ cận của mắt ngày càng tăng cao, hiện đã lên đến 20 độ. Nhìn Liễu trong giờ học bài, lặng lẽ vất vả với từng con chữ trong cặp kiếng dày cộp phần nào thấy được tinh thần vượt khó và say mê học tập của Liễu.
Cách đây hai năm, trong một lần ra trước hiên nhà, sức khoẻ vốn đã yếu ớt nên ba Liễu trượt chân té gãy xương. Gia đình nghèo không tiền chữa trị nên đành để vậy, ba Liễu bị liệt từ đó, hiện chỉ nằm và ngồi lê la trong chiếc giường nhỏ trước nhà, chứ không thể đi lại đây đó được nữa. Các cơ bắp lâu ngày không hoạt động cũng dần teo lại, cả người ba Liễu dường như chỉ còn da với xương. Cảnh khổ dường như cứ bám mãi lấy gia đình Liễu.
Mẹ của Liễu năm nay đã 62 tuổi, không còn sức lao động, ngày ngày chỉ quanh quẩn lo việc nhà, tranh thủ cắt những cọng lục bình ngoài mé kênh phơi khô rồi đan lại thành từng sợi nhỏ đem bán dành dụm tiền lo cho Liễu ăn học. Người cha già yếu cố sức tàn của mình, cũng ngày ngày ngồi đan lục bình phụ thêm cho cả nhà một khoản thu nhập nhỏ nhoi. Cứ mỗi cọng lục bình đan hoàn tất mất ít nhất từ 2 đến 3 ngày với độ dài 50m bán được giá từ 3 ngàn đến 7 ngàn đồng. Cả gia đình, ai ai cũng tranh thủ thời gian, công việc, dồn tiền vào nuôi cho Liễu ăn học.
Cảm nhận được điều đó, Liễu vừa lo học, vừa đi làm thêm đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Thường ngày, ngoài chuyện cơm nước, giặt giũ, rửa chén, lo việc nhà, học bài, ôn bài, hễ dư chút thời gian nào là Liễu cũng tranh thủ đi cắt cọng lục bình đem phơi khô, cùng ngồi đan với ba mẹ. Những ngày được nghỉ học, Liễu lên lò nhãn, phụ làm với các anh. Liễu làm nhãn tính theo sản phẩm thành từng xây (tựa như cái mẹt lớn), sấy nhãn khô rồi lọc hột ra ngoài, ngày làm từ 3 giờ sáng đến 5 giờ chiều một mình Liễu được 7 xây, mỗi xây được trả công 4.000 đồng. Cả tuần Liễu lên lò nhãn làm hai buổi chiều và nguyên ngày chủ nhật.
Căn nhà nhỏ ven bờ kênh, trước đây có lối đi ra lộ đến trường, nhưng nay lối ấy đã bị người khác chiếm, xây nhà chắn ngang mất rồi, giờ thường ngày Liễu phải chống xuồng qua bờ kênh bên kia, đạp xe gần 5 cây số nữa mới đến trường. Thời gian trong ngày của Liễu, chẳng có lúc nào trống, một phần dành cho học tập, phần dành cho việc làm thêm.
Đường vào đại học Liễu không dám mơ tới vì gia đình quá nghèo. Trong lễ trao học bổng khuyến học ở An Giang, Liễu mừng lắm vì không ngờ mình được nhận học bổng. Và càng mừng hơn khi được biết quỹ hỗ trợ khuyến học vẫn tiếp tục đồng hành cùng Liễu, giúp cho Liễu an tâm tiếp bước trên con đường học vấn.
Theo Lam Phong
Sài Gòn Tiếp Thị