Đại học Huế - nơi ươm mầm trí tuệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

(Dân trí) - Đại học Huế - tiền thân là Viện Đại học Huế - thành lập năm 1957, là cơ sở sở giáo dục đào tạo bậc đại học đầu tiên ở miền Trung Việt Nam.

Đứng chân ở Cố đô Huế, vùng đất có bề dày truyền thống hiếu học, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học uy tín, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, một phần tinh hoa của văn hóa Huế, vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng. Lịch sử 63 năm xây dựng và phát triển đã tạo dựng Đại học Huế tầm vóc của một cơ sở giáo dục đại học quốc gia.

Đầy đủ các ngành, chuyên ngành đào tạo bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ

Tính đa ngành, đa lĩnh vực trong đào tạo của Đại học Huế được đánh giá rõ nét nhất: 147 ngành đào tạo đại học, 102 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 55 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, nhiều ngành đào tạo song ngữ Việt - Anh, 75 chuyên ngành đào tạo chuyên khoa cấp I, cấp II và bác sĩ nội trú với đầy đủ các lĩnh vực và nhóm ngành: sư phạm, y dược, nghệ thuật, nông-lâm-ngư, ngoại ngữ, kinh tế, luật, du lịch, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, luật, kỹ thuật công nghệ…

Đội ngũ giảng viên của Đại học Huế được đánh giá hàng đầu cả nước với 333 giáo sư, phó giáo sư, giáo sư danh dự nước ngoài; 813 tiến sĩ, 2.635 giảng viên trong tổng số hơn 4.000 cán bộ viên chức làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, phục vụ đào tạo ở 8 trường đại học thành viên: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Luật; Viện Công nghệ Sinh học, Khoa Du lịch, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị cùng nhiều đơn vị trực thuộc khác. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, nhiều phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, chất lượng cao là điều kiện tốt để sinh viên học tập và nghiên cứu.

Đại học Huế - nơi ươm mầm trí tuệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - 1
Nhiều phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, chất lượng cao là điều kiện tốt để sinh viên học tập và nghiên cứu tại Đại học Huế

Chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội

Việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội được Đại học Huế quan tâm triển khai thực hiện; Việc đào tạo linh hoạt vừa theo định hướng nghiên cứu, vừa kết hợp định hướng ứng dụng, kết hợp với doanh nghiệp, liên kết nước ngoài, sinh viên có thể cùng lúc học 2 chương trình ở 2 trường đại học, khoa trực thuộc đã giúp sinh viên có nhiều sự lựa chọn. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao, các trường như Nông Lâm, Y Dược, Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật đều trên 85% trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp.

Năm 2020, Đại học Huế mở nhiều ngành học mới theo xu thế phát triển của xã hội về kỹ thuật, công nghệ cao, y sinh, kinh tế, ngoại giao, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Quản trị và phân tích dữ liệu, Hộ sinh, Quản trị du lịch và Công nghệ giải trí.

Đại học Huế - nơi ươm mầm trí tuệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - 2
Sinh viên nước ngoài học tập tại Khoa Quốc tế - Đại học Huế

Đặc biệt, với mục tiêu thu hút sinh viên quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học nhằm hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều ngành, chuyên ngành được phát triển theo hướng giảng dạy song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh.

Nhiều chính sách ưu đãi

Tuyển sinh năm 2020, các trường thành viên Đại học Huế mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, nhiều ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh có thành tích học tập cao ở cấp THPT…

Nhiều học bổng khuyến khích học tập có giá trị cao đến hàng chục triệu đồng, chính sách miễn học phí 100% dành cho các thí sinh được xét tuyển thẳng, đạt thủ khoa, điểm đầu vào cao; ưu tiên trong tuyển chọn đi học nước ngoài theo các chương trình hợp tác của các trường, xét và cấp học bổng tài trợ của tổ chức, cá nhân và nhiều cơ hội cho sinh viên đi thực tập, thực tế tại các công ty, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Các ngành có chính sách học bổng riêng: Hóa học, Kỹ thuật sinh học, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật địa chất, Toán ứng dụng, Toán kinh tế, Quản trị và phân tích dữ liệu.  Khoa Kỹ thuật Công nghệ có học bổng hỗ trợ học phí cho sinh viên: 50 triệu đồng/năm từ các công ty Intrase, Tập đoàn Silica; nhiều suất học bổng các khóa học chuyên môn cho các khóa học về Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence); Học máy (Machine Learning); Lập trình Pathon, Khai phá dữ liệu (Data mining) từ VietAI, Vietseeds, HUET và HueAI; các khóa học về lập trình và phát triển phần mềm từ Công ty Megrabbit (Mỹ) và Công ty 3S.

Đại học Huế - nơi ươm mầm trí tuệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - 3
Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế là 1 trong 3 trung tâm của cả nước đào tạo giáo viên khởi nghiệp, tạo dựng môi trường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ảnh: Sinh viên Đại học Huế đạt giải Ba chung cuộc SV Startup năm 2019)

Thành phố Huế vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa mang nét đẹp cổ kính, đóng vai trò hạt nhân đô thị hoá lan tỏa và kết nối với các đô thị vệ tinh, chi phí cho sinh hoạt thấp, sự an toàn về xã hội, môi trường tự nhiên xanh sạch đẹp của một di sản cố đô sẽ tạo điều kiện thích hợp cho việc học tập, nghiên cứu, vui chơi và trải nghiệm của học sinh, sinh viên cả nước.

Với những thành tích đã đạt được, Đại học Huế sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia như Nghị quyết 54 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành năm 2019 và là một trong những đại học nghiên cứu vào top 1.000 Thế giới, top 300 châu Á và luôn luôn nằm trong top 5 các trường đại học trên cả nước hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, là một cơ sở đào tạo tiên phong, nòng cốt, có nhiệm vụ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng và quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm