Đại học Hàn Quốc thắt chặt quy định bảo lưu

(Dân trí) - Hôm qua 5/1 các trường đại học ở Hàn Quốc cho biết họ sẽ không tiếp tục cho phép sinh viên bảo lưu kết quả học tập để lùi thời hạn tốt nghiệp nếu không đăng ký học môn mới. Sinh viên phàn nàn rằng quy định mới này khiến họ không thể bảo lưu để đi làm.

Mới đây, Trường Đại học Phụ nữ Ewha thông báo sẽ đưa ra chính sách “hoàn thiện bằng cấp” cho những sinh viên đã có đủ tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp nhưng không nộp luận văn hoặc dự kỳ thi tốt nghiệp. Quy định này sẽ khiến sinh viên không thể “giữ chỗ” của mình nếu không đăng ký học tiếp học kỳ mới trong khi đang tìm việc.

Cụ thể, thông báo ngày hôm qua của Trường Đại học Phụ nữ Ewha nói rằng, kể từ học kỳ mùa xuân năm nay, những sinh viên muốn hoãn tốt nghiệp phải đăng ký ít nhất một môn học và phải trả 1/6 tổng học phí, tức 600 ngàn won (tương đương 540 USD) mỗi học kỳ. Trước đây, việc sinh viên lùi thời gian tốt nghiệp thì không có gánh nặng tài chính nào, và sinh viên thường trì hoãn tốt nghiệp bằng cách không đáp ứng những yêu cầu để được tốt nghiệp như không nộp luận văn.

Tờ Korea Herald nhận định, kinh tế đình trệ kéo dài làm đóng băng thị trường việc làm ở Hàn Quốc, do vậy tình trạng sinh viên trì hoãn tốt nghiệp cho đến khi kiếm được việc đã trở nên phổ biến. Một số công ty thậm chí còn không ưu ái sinh viên đã tốt nghiệp khi tuyển dụng nhân viên mới, và các cơ hội tập sự thường được dành cho những người đang học đại học.

Một cử nhân 28 tuổi, tốt nghiệp một trường đại học ở Seoul cho biết: “Trong vài năm qua, tìm việc ngày càng khó khăn. Sinh viên hoãn tốt nghiệp để dành thời gian đó trau dồi các kỹ năng để kiếm việc”.
 
Đại học Hàn Quốc thắt chặt quy định bảo lưu
Nhân viên thực tập tham gia một buổi họp bàn về đào tạo nghề nghiệp tại một công ty báo chí ở Seoul (Hàn Quốc). (Ảnh: Korea Times)
 
Để lùi thời hạn tốt nghiệp, các sinh viên thường đăng ký học thêm học kỳ, hoặc cố tình không nộp những bài tập cần thiết để tốt nghiệp. Biện pháp thứ hai được sinh viên ưa chuộng hơn vì việc học thêm môn thường chiếm một khoản học phí đáng kể trong khi gần như không mang lại mục đích về học thuật.

Tuy nhiên, với chính sách mới của Đại học Ewha, sinh viên không thể tránh nộp bài tập. Một sinh viên Trường Đại học Ewha nói rằng mặc dù về mặt kỹ thuật, những sinh viên đã “hoàn thành” khóa học chưa phải là sinh viên tốt nghiệp nhưng điều đó vẫn ảnh hưởng cơ hội kiếm việc của họ vì họ không còn được coi là thành viên trường đại học nữa.

Nữ sinh viên này cho rằng việc nhà trường đưa ra quyết định quan trọng này ngay trước học kỳ mới là việc thiếu quan tâm đến sinh viên.

Một sinh viên khác nói rằng nhà trường ra thông báo quá đột ngột khiến sinh viên không chuẩn bị tinh thần. Những quy định có hiệu lực vào học kỳ này lẽ ra phải được quyết định thận trọng hơn.

Hiện các trường đại học khác ở Hàn Quốc như Đại học Konkuk cũng yêu cầu sinh viên phải đăng ký học vào học kỳ mới để vẫn là một thành viên của trường.

Những nhà quan sát nhận định rằng biện pháp này của các trường đại học sẽ khiến sinh viên phải đăng ký thêm học kỳ thay vì mạo hiểm bước vào thị trường việc làm trước khi tốt nghiệp.

Việc trì hoãn thời gian tốt nghiệp đại học đã trở thành một trào lưu ở Hàn Quốc. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2013 có 2.276 sinh viên đăng ký học ít nhất 9 học kỳ để hoãn tốt nghiệp.

Kết quả là, giới trẻ càng mất nhiều thời gian hơn so với trước đây để tìm việc. Theo Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của các nhân viên mới ở các công ty có từ 100 nhân viên trở lên là 33,2 tuổi với nam và 28,6 tuổi với nữ. Một khảo sát khác cho thấy 76,2% công ty cho biết số tuổi trung bình của nhân viên đang tăng lên.

Xu hướng “nhân viên già” đã thay đổi khác niệm “thanh niên” ở thị trường việc làm Hàn Quốc. Các cơ quan nhà nước theo quy định phải dành 3% chỉ tiêu việc làm cho thanh niên. Năm ngoái, khái niệm “thanh niên” trong quy định này được đổi từ 29 tuổi hoặc trẻ hơn thành 34 tuổi hoặc trẻ hơn.

Xuân Vũ
Theo Korea Times/Korea Herald
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm